Hỗn loạn ở trạm BOT Cai Lậy: Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội 'hiến kế'

Thời sựThứ Tư, 06/12/2017 07:45:00 +07:00

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, trong thời gian dừng thu phí BOT Cai Lậy, các cơ quan nhà nước cần rà soát lại, đồng thời lắng nghe các ý kiến của người dân để đưa ra phương án hợp lý nhất.

Liên quan đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy trong 30 ngày, chiều 5/12, trả lời VTC News, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, trạm thu phí Cai Lậy không phải là vấn đề lớn cũng như không gây sức ảnh hưởng quá lớn, nhưng lại làm mất đi lòng tin của người dân đối với các cơ quan nhà nước.

Ông Liên cho biết, có nhiều phương án được người dân cũng như các đơn vị vận tải đề xuất để giải quyết tình trạng hỗn loạn này.

Video: BOT Cai Lậy bình yên sau quyết định tạm ngừng thu phí

Có ý kiến cho rằng, nên phân luồng giao thông các xe từ 9 chỗ chở xuống được quyền đi qua quốc lộ 1, qua trạm Cai Lậy không thu phí. Còn những xe lớn hơn 9 chỗ, cồng kềnh sẽ phải đi vào đường tránh.

Đồng thời, phí thu ở đường tránh phải hạ xuống mức thấp nhất mà người dân có thể chịu đựng được và phù hợp với 12km đường làm mới.

“Không thể đầu tư 12km đường làm mới mà lại nâng mức phí lên cao hơn cả đường cao tốc 6 làn xe là quá vô lý” – ông Liên nói.

Việc hạ giá 30% là chưa hợp lý vì không dựa trên cơ sở khoa học hay cách tính toán nào để đưa ra giá đó cả. Các doanh nghiệp vận tải cũng như người dân cho rằng, tính toán lại và hạ mức phí xuống cho phù hợp với 12km đường đầu tư mới, trong đó không bao gồm việc tân trang 40km đường quốc lộ 1.

cailay-1512451856828-1339213

Dừng thu phí tại trạm BOT Cai Lậy 1-2 tháng để rà soát các vấn đề đặt ra.

“Các cơ quan, ban ngành cần xem xét nguyện vọng của người dân về việc di dời trạm thu phí ra khỏi quốc lộ 1 vì trạm đó đặt sai vị trí chứ không phải vì vi phạm quy định của pháp luật. Đầu tư ở đâu phải thu phí ở đấy, nếu được vẫn cứ để trạm đấy nhưng hạ phí xuống, nếu không được vẫn phải di dời.

Cả nước hiện nay có 7 trạm thu phí đặt sai vị trí mà người dân phản ứng từ lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, kể từ ngày BOT Cai Lậy phản đối gay gắt, các cơ quan nhà nước, Bộ GTVT cùng với bộ ngành, địa phương liên quan của tỉnh Tiền Giang quan tâm hơn để tìm ra giải pháp hợp lý nhất.

Trước đây, Đại biểu Quốc hội và các luật sư đã đề xuất Nhà nước mua lại trạm Cai Lậy, nhưng thấy việc này khó thành hiện thực bởi ngân sách nhà nước là do Quốc hội phê duyệt. Việc này cần phải xem xét cẩn thận, nếu không 7 trạm khác cũng sẽ đề nghị mua lại. Lúc đó, bài toán sẽ rơi vào bế tắc.

Về việc di dời trạm thu phí, cần phải tính toán thật kỹ bởi đây là hợp đồng kinh tế. Nếu người dân phản đối thành công thì nhà đầu tư lại kiện Bộ GTVT. Cứ kiện đi kiện lại như vậy sẽ tốn công sức và không giải quyết được” - ông Liên phân tích.

Theo ông Liên, người dân có quyền phản đối BOT Cai Lậy nhưng việc phản đối cũng được chia ra 2 trường hợp.

Thứ nhất, nếu người dân phản đối bằng cách gửi công văn giấy tờ lên các cơ quan chức năng thì rất được ủng hộ.

Video: Vì sao Thủ tướng quyết định dừng thu phí BOT Cai Lậy một tháng?

Tuy nhiên, nếu việc phản đối biến tướng thành hành vi gây rối trật tự xã hội thì các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm để không làm ảnh hưởng tới những người khác.

Việc phản đối thu phí của các tài xế khi qua trạm BOT Cai Lậy vừa qua tuy không vượt ngoài sự cho phép của pháp luật. Tuy nhiên, việc này đã gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

"Thiết nghĩ, Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan của tỉnh Tiền Giang nên xin lỗi người dân về việc đặt BOT sai vị trí và nhanh chóng xử lý dứt điểm những lùm xùm tại đây" - ông Liên khẳng định.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn