Hơn 7.000 xe tải phía Nam đang kẹt ở phía biên giới phía Bắc nguy cơ 'ăn' phạt

Thị trườngThứ Sáu, 24/12/2021 16:42:18 +07:00
(VTC News) -

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM lo ngại hơn 7.000 xe tải đang kẹt ở cửa khẩu biên giới phía Bắc nguy cơ bị phạt vì chưa kịp lắp camera.

Chỉ còn một tuần nữa (31/12/2021) là hết thời gian gia hạn lắp camera cho xe tải kinh doanh vận tải hàng hóa theo Nghị định 10 ngày 17/1/2020 của Chính phủ và Thông tư 12 ngày 29/5/2020 của Bộ GTVT.

Thế nhưng, theo thống kê của Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, hiện ở cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) vẫn còn hơn 7.000 xe container chưa lắp camera.

Hơn 7.000 xe tải phía Nam đang kẹt ở phía biên giới phía Bắc nguy cơ 'ăn' phạt - 1

Hàng nghìn xe tải nằm không ở bãi hiện chưa lắp camera.

Liên quan vấn đề này, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 51.000 xe container kinh doanh vận tải hàng hóa, nhưng chỉ chưa tới 6% trong số này đã được lắp camera theo yêu cầu của Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ và Thông tư 12 năm 2020 của Bộ GTVT.

Thống kê nhanh, hiện có khoảng hơn 4.200 xe container của các tỉnh phía Nam đang kẹt ở cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và hơn 3.000 xe container đang kẹt ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Hầu hết trong số này đều chưa lắp camera.

Những xe này khi thoát hàng, trở về các tỉnh phía Nam trong thời gian tới có nguy cơ bị xử phạt vì chưa lắp camera theo Nghị định 10 của Chính phủ.

Nói về lý do tới nay vẫn còn hàng nghìn xe tải chưa lắp camera theo quy định, ông Quản thông tin, sau khi các doanh nghiệp lên tiếng, Chính phủ và Bộ GTVT đã đồng ý lùi thời gian lắp camera cho xe tải từ 1/7/2021 tới tháng 12/2021. Nhưng suốt 5 tháng qua ở TP.HCM rơi vào thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Chính phủ yêu cầu "ai ở đâu ở đó", nên doanh nghiệp muốn triển khai lắp camera cho xe cũng không được.

"Sau khi dịch được kiểm soát, TP.HCM và các tỉnh nới lỏng giãn cách, nhưng thời gian mới được khoảng 2 tháng, vẫn không đủ cho doanh nghiệp thực hiện lắp camera cho xe tải, vì việc này phải qua nhiều khâu, tốn thời gian chứ không nói hôm trước hôm sau lắp ngay được.

Ngay cả tới thời điểm này người dân vẫn e ngại vì dịch bệnh, các doanh nghiệp vận tải cũng thế, họ lo chứ. Trong khi lắp camera cho xe cần phải nhiều người làm, nhiều khâu, phải tập trung đông người. Doanh nghiệp cũng đâu chỉ có 1 xe, có doanh nghiệp có hàng chục xe, có nơi có hàng trăm xe. Lo lắng về tập trung đông người làm lây lan dịch bệnh cũng khiến cho việc lắp camera cho xe gặp trở ngại.

Bên cạnh đó, thời gian này các doanh nghiệp vận tải phải oằn lưng chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản, những doanh nghiệp còn "sống sót" cũng chỉ hoạt động cầm chừng, bấp bênh, cố gắng duy trì các xe chạy để không làm đứt gãy chuỗi vận chuyển và giữ chân lái xe, có công ăn việc làm cho anh em.

Ngoài kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng tham gia hỗ trợ chính quyền chống dịch, nên nhìn chung có rất nhiều cái khó bủa vây", ông Quản nói.

Hơn 7.000 xe tải phía Nam đang kẹt ở phía biên giới phía Bắc nguy cơ 'ăn' phạt - 2

Xe tải nằm bãi vì dịch COVID-19.

Ông Quản cho biết thêm, một bộ thu phát và một mắt camera trên xe hết khoảng 5 triệu đồng, thêm 2 mắt hai bên hông xe để giám sát bên ngoài xe mỗi mắt khoảng 2,5 triệu đồng. Như vậy, mỗi xe doanh nghiệp phải chi ra 10 triệu đồng tiền thiết bị. Nhưng không dừng lại ở đó, lắp camera rồi doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí cho khâu vận hành, giám sát, vậy là lại phải trả thêm chi phí hạ tầng và vận hành, nhân công.

"Bây giờ doanh nghiệp vận tải đang quá khó khăn, vì vừa hết giãn cách, có thể đi làm trở lại, nhưng giá xăng lại tăng, đẩy chi phí cứng lên cao, nhưng thực tế doanh nghiệp đâu thể tăng cước vận tải trong lúc này. Chúng tôi chỉ mong duy trì được công việc cho anh em", ông Quản chia sẻ.

Trước tình thế trên, ông Quản kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn thêm Nghị quyết 20 thêm thời gian nữa, tới khi nào dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp vận tải hoạt động ổn định trở lại, tới lúc đó có thêm doanh thu mới có tiền để lắp camera và khác khoản chi phí khác nữa.

Ngoài ra, ông Quản cũng mong Chính phủ có các chính sách hỗ trợ nhóm ngành vận tải cụ thể như việc giãn đóng BHXH, giảm phí bảo trì đường bộ, bình ổn giá xăng dầu, giảm lãi suất ngân hàng để không tạo áp lực chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thêm nữa.

Thành Trung
Bình luận
vtcnews.vn