Hơn 44% các trang web nhà nước bị tin tặc tấn công

Thời sựThứ Năm, 22/06/2017 16:40:00 +07:00

Theo đại diện Bộ Công an, từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 44% các website của các cơ quan nhà nước bị tin tặc tấn công, an ninh mạng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Thách thức lớn cho an ninh mạng

Thông tin trên được Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an công bố tại Hội nghị Điện toán Đám mây Việt Nam 2017 (Vietnam Cloud Computing Conference) với chủ đề “Việt Nam và cách mạng 4.0: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐHQG Singapore) tổ chức ngày 22/6 tại Hà Nội.

Video: Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành nói an ninh mạng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho biết: “Từ 2010 đến nay, Việt Nam đã có 18.052 trang web tên miền “.vn” bị tấn công (chiếm 3,72% tổng số tên miền “.vn” của cả nước), tin tặc đã chỉnh sửa, thêm nội dung vào các trang web này. Đặc biệt là đã có 1.083 trang có tên miền “.gov.vn” của cơ quan nhà nước Việt Nam bị tin tặc tấn công (chiếm 44,04% tổng số tên miền “.gov.vn” của cả nước).

Đặc biệt nghiêm trọng là vào ngày 27/6/2016, trang web của Vietnam Airline bị hack, tin tặc đã chèn các thông tin xuyên tạc về vấn đề Biển Đông cũng như chủ quyền biển đảo của Việt Nam, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Việt Nam”.

Mr Vu Minh Khuong 3

 Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành: "Hơn 44% các trang web cơ quan nhà nước của Việt Nam đã bị tin tặc tấn công".

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nhận xét: "Thực trạng trên đã đặt ra cho Việt Nam những thách thức lớn, trong đó đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt là an ninh mạng đang là nhiệm vụ quan trọng đối với chúng ta hiện nay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, để khắc phục được thực trạng đang tồn tại nhiều các lỗ hổng bảo mật về an ninh mạng nói trên, Việt Nam cần phải sớm đón nhận và nắm bắt được xu thế cũng như các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 đã và đang diễn ra hiện nay.

Anh Hoi thao  4

Hội nghị cũng được lắng nghe những chia sẻ hữu ích về những kinh nghiệm, giải pháp hay trong việc triển khai Cloud, cũng như lợi ích thiết thực mà Cloud mang lại.

“Tính chất cách mạng 4.0 kết hợp nhiều loại hình. Tôi vừa sang Nhật, người ta chỉ cần chụp ảnh thôi là có thể in ra ngay các dấu vết, truy ra các đối tượng tội phạm ngay, rất nhanh.

Cuộc cách mạng 4.0 sẽ có tác động lớn đến an ninh quốc gia. Chính vì thế mà trong hội nghị Châu Á – Thái Bình Dương cộng Nhật Bản tại Singapore, tôi dự ở đó, người ta đã bắt đầu đưa ra khái niệm PPP (hình thức hợp tác đầu tư công - tư kết hợp) về việc xử lí an ninh số hóa này, đây là điểm rất mới và rất đáng quan tâm”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nói.

Cách mạng 4.0 sẽ giúp Việt Nam “vá” lỗ hổng bảo mật

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Minh Khương - Giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) đã trình bày báo cáo về khảo sát về “Ứng dụng điện toán đám mây tại trên 500 doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam”.

Báo cáo nêu rõ, trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây (Cloud) trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42.5%).

Mr Nguyen Dinh Thang VINASA 5

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch VINASA: "Chính phủ cần có những chính sách định hướng cấp thiết, các doanh nghiệp, tổ chức cần có những chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng cloud sớm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong cuộc cách mạng 4.0 này".

Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp (1,7 USD/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; và 1,3 lần so với Philippines.

Những con số trên phản án thực tế đang có rất nhiều rào cản trong việc thúc đẩy Cloud tại Việt Nam. Qua khảo sát của Giáo sư Khương và khảo sát nhanh của gần 200 đơn vị tham gia sự kiện ngày hôm nay cho thấy chi phí đầu tư không phải là trở ngại, mà rào cản lớn nhất là việc dùng phần mềm không bản quyền còn phổ biến, sự thiếu hiểu biết về lợi ích của Cloud, lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, và chất lượng dịch vụ Cloud tại Việt Nam chưa thực sự đảm bảo.

Phó Chủ tịch VINASA – ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh, điện toán đám mây mang lại nhiều lợi ích to lớn như sự chuẩn hóa sản phẩm và dịch vụ, giảm thiểu chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và linh hoạt trong mô hình kinh doanh, sẵn sàng mở rộng khi cần thiết.

Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách định hướng cấp thiết, các doanh nghiệp, tổ chức cần có những chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng cloud sớm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong cuộc cách mạng 4.0 này.

Theo Tiến sĩ Astrid Tuminez (Giám đốc Hợp tác, Đối ngoại và Pháp lý, Microsoft Khu vực Châu Á), mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều được xuất phát từ một sáng chế đột phá như: máy hơi nước, năng lượng với động cơ đốt trong, và bộ vi xử lý của những cuộc cách mạng công nghiệp trước.

Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, điện toán đám mây với các trung tâm dữ liệu khổng lồ mang mọi thứ vào trong tầm tay chỉ với 1 thiết bị kết nối internet.

Châu Á với sự năng động của mình đã đóng góp 53.8% vào tăng trưởng GDP toàn cầu (2000- 2010), và với sự nhạy bén công nghệ đặc biệt những công nghệ mang tính định hướng, chiến lược, Châu Á đang có cơ hội lớn để nâng tầm, tạo lập Châu Á 2.0 – trung tâm phát triển của thế giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn được gọi là cuộc cách mạng số, cách mạng 4.0) đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên toàn cầu, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)...

Theo các chuyên gia, đó cũng chính là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Trong đó, điện toán đám mây đóng vai trò nền tảng khuyến tạo, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ chức.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn