Những con số rợn người về đánh nhau ngày Tết: 'Người Việt ngày càng hung hãn’

Thời sựThứ Ba, 27/02/2018 17:03:00 +07:00

Chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng bạo lực ngày một gia tăng thể hiện tính cách người Việt ngày càng trở nên hung hãn.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hàng nghìn trường hợp phải nhập viện, cấp cứu do đánh nhau, xô xát. Thậm chí, một thanh niên trẻ đã nhẫn tâm ra tay giết cả 5 người trong gia đình chủ ngay trong dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, con số khổng lồ về tình trạng người Việt đánh nhau phải nhập viện ở Việt Nam trong những ngày Tết rất đáng báo động.

Trung tá Hiếu nhận định: "Ngày Tết là dịp để mọi người gặp nhau sum họp, vui vẻ, nâng chén chúc nhau năm mới. Thế nhưng thống kê những năm gần đây ở Việt Nam cho thấy số người phải nhập viện vì đánh nhau vào dịp Tết rất cao. Những con số rùng rợn ấy báo hiệu những diễn biến bất thường trong xã hội".

Dao Trung Hieu (2)

 Chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu.

Chuyên gia tội phạm học nhận định hiện nay một bộ phận người trẻ thường hay bốc đồng, nóng tính, mất kiểm soát, nhất là sau khi họ có ít men rượu trong người.

Theo ông Hiếu, sau mỗi vụ đánh nhau, những thương tích để lại không chỉ về mặt thể xác mà cả những tổn thương trong tâm lý.

“Bạo lực làm cho con người ngày một hung hăng hơn. Chính sự hung hăng lại làm cho con người dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề. Việc thường xuyên trông thấy người khác dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn, xích mích, va chạm khiến nhiều người cho rằng đó là cách ứng xử đúng đắn.

Con người ta dường như cảm thấy quen, không còn lo lắng, sợ hãi trước các vụ bạo lực diễn ra với tần suất dày đặc và lúc này, mọi giá trị trong xã hội đang có dấu hiệu bị đảo lộn, bạo lực gia tăng và tính cách con người ngày nay dường như hung hãn hơn” - Trung tá Hiếu phân tích.

 
Bạo lực làm cho con người ngày một hung hăng hơn. Chính sự hung hăng lại làm cho con người dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề.

Trung tá Đào Trung Hiếu

Vì sao người Việt ngày càng hung hãn?

Ông Hiếu phân tích bạo lực đến từ những bất ổn trong tâm lý con người. Ác tính đó bị chi phối bởi yếu tố môi trường, hoàn cảnh sống. Hiện tượng này đến từ sự suy thoái về văn hóa dân tộc.

Chuyên gia tội phạm học cho rằng có rất nhiều yếu tố tiêu cực trong môi trường sống tác động lên quá trình hình thành nhân cách và định hướng giá trị của người dân. Chúng ta có rất nhiều lỗ hổng trong lời giải bài toán xây dựng con người.

Ngày nay, người ta có thể đánh nhau, thậm chí giết người vì những nguyên nhân nhỏ nhặt. Chuyện đi đường va chạm giao thông, va chạm không xin lỗi, nhìn đểu, nói lớn tiếng, nặng lời,...đều dẫn đến va chạm, ẩu đả.

Không chỉ bạo lực trong cộng đồng, ngay tại trụ sở cơ quan tổ chức, đã có những thảm án đẫm máu đến từ việc tranh chấp chức quyền, mâu thuẫn công việc…

Trung tá Đào Trung Hiếu khẳng định việc số vụ giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm ngày càng tăng, đặc biệt trong dịp Tết chính là hệ lụy của sự vô cảm, thái độ sống ích kỷ, chỉ biết mình, tâm lý chụp giật, tôn thờ vật chất, sống thực dụng… dẫn đến thái độ sống thơ ơ trước nỗi đau đồng loại, vô cảm trước việc làm sai trái xảy ra hàng ngày.

Hơn nữa, văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, các trò game online bạo lực dễ làm trẻ đắm chìm và hành động theo thói quen trong thế giới ảo. 

Video: Đánh nhau trừ nợ 100.000 đồng, một người tử vong

Bên cạnh đó, trẻ đến trường không được trang bị kiến thức khoa học, mảng kỹ năng sống không có hoặc không được bồi dưỡng đúng mức. Do đó, khi phát sinh những vấn đề gây bức xúc, trẻ không biết phải ứng xử thế nào cho phải. Vì vậy, trẻ sẽ làm theo những gì thường tác động đến chúng hàng ngày.

“Chính lối sống vô cảm, thiếu trách nhiệm, sẵn sàng tàn nhẫn với người khác của cha mẹ, người thân…sẽ dẫn dắt trẻ sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn”, Trung tá Đào Trung Hiếu nói.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề xã hội phức tạp chưa được giải quyết triệt để, tham nhũng tràn lan làm sa sút niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.

cap-cuu-1552 3

Hơn 2.200 ca nhập viện vì đánh nhau trong 3 ngày Tết. (Ảnh: Báo Giao thông)

Vì vậy, khi nảy sinh mâu thuẫn bức xúc, họ có thiên hướng chọn giải pháp “tự xử”, dùng bạo lực để giải quyết chứ không làm theo đòi hỏi của pháp luật.

Chuyên gia tội phạm học cũng khẳng định: “Tình hình tội phạm gia tăng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, dễ tác động đến bộ phận giới trẻ thiếu kỹ năng sống hoặc hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp.

Lúc này, người dân sống trong tâm trạng bất an, thiếu lòng tin nên cũng dễ dàng lựa chọn phương án “tự xử” nếu phát sinh mâu thuẫn cộng đồng".

Vị chuyên gia này cũng khẳng định bạo lực xảy ra không phải chuyện mới trong xã hội.

"Tuy nhiên, ở thời buổi bùng nổ về công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số, internet và hoạt động truyền thông báo chí, truyền thông mạng xã hội…, thông tin về bạo lực ở tất cả mọi nơi được truyền tải đến cộng đồng nhanh hơn, đa chiều hơn, dày đặc hơn" - chuyên gia Đào Trung Hiếu phân tích.

Theo Trung tá Hiếu, điều này có tính 2 mặt. Bên cạnh việc truyền đạt thông tin về các vụ việc bạo lực một cách nhanh chóng đến với xã hội, thì với tần suất thông tin dày đặc về các vụ việc này cũng tác động dồn dập đến tâm lý xã hội, tạo tâm lý bất an, lo lắng, kích động trong xã hội.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn