Hơn 2.000 người nhập viện vì đánh nhau ngày Tết: ‘Đạo đức xuống cấp, đồng tiền lên ngôi’

Thời sựThứ Sáu, 23/02/2018 07:08:00 +07:00

Chuyên gia xã hội học cho rằng, số vụ đánh nhau và số người bị thương gia tăng do nhiều giá trị xã hội còn đang bị đảo ngược khi đạo đức xuống cấp, đồng tiền lên ngôi.

Lý giải về hiện tượng bạo lực gia tăng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, trả lời VTC News, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng, số vụ đánh nhau và số người bị thương gia tăng trong dịp Tết có tác nhân trực tiếp từ rượu bia, song nguyên nhân sâu xa là do sự căng thẳng từ những uẩn ức xã hội.

- Ông nghĩ gì khi số người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết Nguyên đán liên tục gia tăng?

Bình thường thì người ta nói ngày Tết là ngày vui, là dịp để người ta thư giãn, giải trí, giữ cho tâm hồn thảnh thơi, là lúc dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, rồi đi du xuân, nhưng trong những ngày vừa qua và thậm chí là cả những năm trước nữa, chúng ta thấy các vụ đánh nhau, số người nhập viện do thương tích tăng lên rất nhiều.

Năm nay, hơn 6.800 vụ đánh nhau và hơn 2.000 người phải nhập viện. Phải nói rằng, đây là con số rất đáng quan ngại và cần phải báo động.

danh-nhau-2 5

 Cấp cứu đêm Giao thừa tại BV Việt Đức (Ảnh: T.Linh/Lao Động)

Thực tế cho thấy, con số các vụ việc và số người nhập viện mà các bệnh viện kiểm soát được cũng chỉ là phần nổi của tảng băng thôi, chứ phần chìm của tảng băng theo tôi còn nhiều hơn thế nữa.

Các số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 40% các vụ nhập viện vì đánh nhau có liên quan đến uống rượu bia. Tất nhiên, uống rượu bia thì ai cũng thấy rồi, tôi cho rằng, rượu bia chỉ là tác nhân thôi, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này vẫn cần phải làm rõ.

Ngay cả con số tỷ lệ 40% trên thực ra cũng chỉ là con số bề nổi, bởi vì tất cả những người nhập viện vào ngày Tết do đánh nhau thì hầu hết đều uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, tôi không dám nói tuyệt đối hóa nhưng có lẽ phải đến hơn 90%.

- Ông vừa nói rằng uống rượu bia chỉ là tác nhân trực tiếp dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau và nhập viện chứ không phải là nguyên nhân sâu xa. Vậy theo ông nguyên nhân chính là do đâu?

Tôi cho rằng rượu bia và những chất kích thích khác thật ra chỉ là cái cớ. Phải xem xét những áp lực thần kinh đè nặng lên mỗi người trước khi uống rượu bia.

Trong công cuộc mưu sinh hàng ngày, đa số người dân bị chịu rất nhiều áp lực. Những áp lực này bị đè nén lâu ngày, ví dụ như làm ăn thua lỗ, chật vật kiếm sống, bị người khác hắt hủi trù dập, không thỏa mãn cá nhân...

Theo logic tâm lý, khi bị áp lực đè nén lâu ngày thì người ta sẽ tìm địa điểm, đối tượng để “mở xả”.

Mà đối tượng họ nhắm đến để “xả” ở đây tất nhiên là những người ngang bằng hoặc yếu thế hơn mình. Dịp Tết, lễ hội là khi cường độ giao tiếp tăng cũng đồng nghĩa với việc cũng là “cơ hội” để nhiều người “xả”.

Như vậy, cá nhân tôi cho rằng, áp lực xã hội mới chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng gia tăng bạo lực ngày Tết. 

- Ông cho rằng nguyên nhân sâu xa là do áp lực xã hội. Vậy tại sao nhiều nước khác trong các dịp lễ Tết, vấn đề bạo lực lại không căng thẳng như ở Việt Nam?

Điều giải thích hợp lý nhất cho câu hỏi này ở đây là do xã hội. Có thể thấy, hàng loạt các giá trị của xã hội, của dân tộc đã và đang bị thách thức, đe dọa.

Thậm chí, nhiều giá trị xã hội còn đang bị đảo ngược như đạo đức xuống cấp, đồng tiền lên ngôi, con người sống coi nặng vật chất hơn tình cảm, đạo đức gia đình bị lung lay...

Sự đảo lộn các giá trị đó diễn ra ở khắp nơi, mọi lúc. Nó tác động trực tiếp đến con người. Môi trường xã hội thì như thế, môi trường tự nhiên thì ô nhiễm, kinh tế thì khó khăn... tất cả những yếu tố đó dồn lại sẽ tạo thành áp lực khủng khiếp lên mỗi cá nhân.

Trong những dịp nghỉ lễ, ngày Tết, khi cường độ giao tiếp sinh hoạt gia tăng thì những áp lực này có thời cơ để bùng phát thành bạo lực như tôi đã nói ở trên.

 
Áp lực xã hội mới chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng gia tăng bạo lực ngày Tết.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

- Phải chăng người Việt đang ngày càng trở nên hung dữ hơn, thưa ông?

Thực ra, muốn đưa ra nhận xét về tính cách người Việt thì phải dựa trên đặc điểm văn hóa người Việt. Có người đặt vấn đề có phải người Việt hiện nay hung hăng hơn, dễ nổi nóng hơn?

Thực ra là một bộ phận chứ không phải tất cả. Thế nhưng, bộ phận này có xu hướng quá khích.

Đơn cử như mới gần đây thôi, có nhiều người nói rằng tại sao khi đội tuyển bóng đá U23 chiến thắng và về nước, có nhiều người đổ xô chen lấn nhau để đi xem, trong đám đông, chúng ta thấy cảnh người ta giẫm đạp lên nhau nhưng đứng dậy vẫn cười tươi mà không có xích mích mâu thuẫn?

Việc này có thể giải thích ở góc độ tâm lý đám đông, tâm lý xã hội. Họ cảm nhận rằng chiến thắng đó của đội bóng là chiến thắng của mình, vì lâu nay họ chờ đợi một điều gì đó, thay đổi, vượt lên, họ cần một điều gì đó kì vĩ mà đội tuyển U23 đã giúp họ nhận thấy điều đó.

Trong trường hợp này thì thể thao không còn là thể thao nữa, thậm chí nó còn giúp chúng ta hàn gắn lại, xoa dịu đi nỗi đau, giúp mọi tầng lớp trong xã hội chúng ta hần gũi với nhau hơn.

Đó cũng chính là những giây phút lấy lại tinh thần cộng đồng, ý thức dân tộc mạnh mẽ.

Khi người ta vui vì người ta chung lợi ích những mâu thuẫn, những xung đột bị triệt tiêu, không có cơ hội bùng phát.

Nhưng khi người ta không có cùng chung lợi ích thì những mâu thuẫn, va chạm rất dễ biến thành xung đột và đưa đến hậu quả là bạo lực như chúng ta thấy trong thời gian nghỉ Tết vừa qua.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn