Hơn 1.400 nhân viên y tế BVĐK tỉnh Phú Thọ học cách chống bạo lực trong bệnh viện

Sức khỏeThứ Năm, 19/04/2018 16:17:00 +07:00

Ngày 19/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tổ chức chương trình "Tập huấn các giải pháp an ninh trong Bệnh viện và các kỹ năng ứng phó với bạo lực tại cơ sở y tế", toàn bộ hơn 1.400 nhân viên y tế đã tham gia.

Thời gian vừa qua, vấn đề an ninh Bệnh viện đã làm "nóng" dư luận khi nhiều vụ việc hành hung cán bộ y tế liên tiếp xảy ra. Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ từ gây rối, làm mất an ninh trật tự trong bệnh viện, đến tấn công, đe dọa tính mạng các nhân viên y tế.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (60%), tuyến Trung ương (20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sỹ (70%), kế đó là điều dưỡng viên (15%). Điều đáng nói là có tới 90% số vụ xảy ra trong khu vực bệnh viện, trong khi nhân viên y tế đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh. Tình trạng bạo hành với ngành Y chiếm tới 25% tổng số các vụ bạo hành nơi làm việc so với các ngành nghề khác.

Trước thực trạng trên, ngày 19/04/2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tổ chức chương trình "Tập huấn các giải pháp an ninh trong Bệnh viện và các kỹ năng ứng phó với bạo lực tại cơ sở y tế". Tham dự chương trình có TS.TTƯT Nguyễn Huy Ngọc - PGĐ Sở Y tế - GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ; Trung tá NCS Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an; Võ sư Đinh Công Lịch - Môn phái Nhất Nam; Cùng với sự tham gia của các đại diện đến từ Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Truyền hình Phú Thọ; Báo Nhân dân cùng với 100% học viên là các cán bộ nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

2B6A4304

Toàn cảnh buổi tập huấn 

Phát biểu khai mạc chương trình, TS Nguyễn Huy Ngọc cho biết: "Người phải vào viện là những người không khỏe về sức khỏe và tinh thần. Họ mang trong mình bệnh tật nên không chỉ đau đớn về thân thể mà cũng rất bi quan về tinh thần. Còn người nhà người bệnh là những người không  khỏe về tinh thần. Tất cả họ đều mang tâm lí căng thẳng và rất dễ bị kích động. Chính vì vậy mà những mâu thuẫn, những xung đột xảy ra như một điều tất yếu.

Bên cạnh đó, những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống của nhân viên y tế lại chưa thực sự tốt nên việc tập huấn các kỹ năng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra cho nhân viên y tế là rất cần thiết.

Nó giúp giải quyết các mâu thuẫn, giảm thiểu, hạn chế tối đa các tình huống xấu có thể xảy ra, tạo được môi trường làm việc thực sự an toàn cho cán bộ nhân viên y tế, để cho người bệnh, người nhà người bệnh đến với Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ được phục vụ đúng với phương châm "Người bệnh là khách hàng, khách hàng là ân nhân".

2B6A4242

Trung tá Đào Trung Hiếu giảng dạy trong chương trình 

Trao đổi trong chương trình, Trung tá Đào Trung Hiếu đã chỉ ra tình hình bạo lực tại các cơ sở y tế trong những năm gần đây cũng như nêu ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng trên và hậu quả mà cán bộ nhân viên y tế nói riêng và ngành y tế nói chung đang gặp phải.

Rất nhiều các giải pháp an ninh trong Bệnh viện đã được Trung tá Đào Trung Hiếu nêu ra và một trong những giải pháp thiết thực nhất đó là hãy dạy võ cho các nhân viên y tế, các nhân viên bảo vệ để họ có thể tự bảo vệ chính mình trước khi có sự can thiệp của các lực lượng chức năng. Tự vệ là quyền của lực lượng bảo vệ và nhân viên y tế.

2B6A4296 3

Trung tá Đào Trung Hiếu giảng dạy trong chương trình 

Kết thúc chương trình, Trung tá Đào Trung Hiếu và Võ sư Đinh Công Lịch đã hướng dẫn một vài kỹ năng tự vệ cơ bản để cán bộ nhân viên y tế có thể tự bảo vệ mình trong môi trường y tế cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

"Bác sỹ cứu người còn ai cứu chúng ta?" là câu hỏi mà Trung tá Đào Trung Hiếu đưa ra trong chương trình. Trước khi các lực lượng chức năng vào cuộc thì không ai cả ngoài chính chúng ta. Hãy trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trong những tình huống xấu nhất xảy ra có thể tự bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh.

Thanh Nga
Bình luận
vtcnews.vn