Hơn 1% F0 tại Hà Nội diễn biến nặng, nguy kịch

Covid-19Thứ Ba, 21/12/2021 16:37:19 +07:00

Số lượng bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội diễn biến nặng hoặc nguy kịch hiện nay là 180 trường hợp, chiếm khoảng hơn 1,2% tổng ca mắc đang điều trị.

Theo thống kê của Bộ Y tế tối 20/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.612 F0 tại Hà Nội, tăng 207 F0 so với ngày 19/12 và là nơi duy nhất có số ca mắc mới trên mức 1.000.

Đáng chú ý, hai ngày liên tiếp, Hà Nội đều có số ca mắc cao nhất cả nước. Tính trung bình 7 ngày qua, thành phố cũng đã lên vị trí thứ 3 (xếp sau Cà Mau và TP.HCM) với khoảng 1.011 ca mắc mới mỗi ngày.

Số ca mắc tăng cao phần nào mang đến lo ngại cho người dân sống trên địa bàn Hà Nội về những hậu quả của dịch đã xảy ra tại TP.HCM. Tuy nhiên, thực tế điều trị cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội.

Tỷ lệ diễn biến nặng, nguy kịch không cao

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, tính đến hết ngày 20/12, Hà Nội hiện có tổng cộng 14.333 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị. Trong đó, 5.061 người được theo dõi tại nhà, 4.436 trường hợp ở khu cách ly và 4.836 ca tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

Đáng chú ý, số lượng bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội diễn biến nặng hoặc nguy kịch hiện nay là 180 trường hợp, chiếm khoảng hơn 1,2% tổng ca mắc đang điều trị. Trong đó, 161 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 2 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC) và 17 người thở máy không xâm lấn.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 85 người tử vong do COVID-19. Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong trên địa bàn thành phố hiện là 0,3%.

So sánh với TP.HCM, địa phương này đang có 65.867 F0 được theo dõi, điều trị trên địa bàn. Trong đó, số ca diễn biến nặng, nguy kịch là 2.984 trường hợp, chiếm hơn 4,5%. Tỷ lệ tử vong của TP.HCM đến nay cũng là 4% (19.440 người không qua khỏi).

Dù số ca mắc mới trong thời gian gần đây tương đương, thậm chí cao hơn TP.HCM, tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng, tử vong của Hà Nội vẫn thấp hơn khá nhiều.

Hơn 1% F0 tại Hà Nội diễn biến nặng, nguy kịch - 1

Người cao tuổi được khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine COVID-19 tại Hà Nội. (Ảnh: Zing)

Nguyên nhân và bài học từ TP.HCM

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết sự chênh lệch trên đến từ nhiều nguyên nhân như vấn đề tiêm chủng, tình hình dịch hay hiểu biết của người dân trong theo dõi và điều trị bệnh.

Cụ thể, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là trong thời gian đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, TP.HCM đã bỏ sót nhiều người cao tuổi, mắc bệnh nền.

“Ở giai đoạn đó, những người có huyết áp trên 160 không được phép tiêm vaccine tại cộng đồng mà phải tới các bệnh viện. Điều này khiến bản thân người dân e ngại về tính an toàn của vaccine. Thành phố trước áp lực chống dịch lớn cũng chưa thể hướng dẫn cụ thể cho người dân”, vị chuyên gia giải thích.

Tại Hà Nội, khi mở rộng chương trình tiêm chủng, quy định liên quan huyết áp trước đó không còn được áp dụng. Sự thay đổi này khiến quy mô tiêm chủng của thành phố trở nên rộng hơn, giúp nhiều người cao tuổi, mắc bệnh nền được bao phủ vaccine phòng COVID-19.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng không phải chịu áp lực quá lớn về diễn biến dịch cũng như quá tải hệ thống y tế tương tự TP.HCM trong giai đoạn đó. Từ đây, việc tư vấn tiêm chủng cho người dân cũng được đảm bảo tốt hơn.

Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến số ca mắc COVID-19 tử vong tại TP.HCM cao hơn là dịch đã lây lan ở các cộng đồng dân cư sau khi địa phương này nới lỏng chính sách về giãn cách. Các quy định về mở cửa của TP.HCM hiện nay cũng rộng hơn Hà Nội. Điều này dẫn đến tỷ lệ nhiễm nCoV ở nhóm người cao tuổi lớn hơn.

PGS Dũng cho biết: “Chúng ta có thể hình dung ở thời điểm đỉnh dịch của TP.HCM, người cao tuổi được bảo vệ rất kỹ, các hoạt động xã hội bị tạm dừng khiến nguy cơ lây nhiễm thấp hơn. Còn hiện nay, việc giao tiếp trong cộng đồng lớn hơn, tỷ lệ nhiễm virus cao hơn, người trẻ, đã tiêm chủng, không diễn biến nặng nhưng có thể mang mầm bệnh về lây trong gia đình. Những người cao tuổi từ đó có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, từ đó tăng số trường hợp diễn biến nặng, tử vong”.

Dự báo về tình hình dịch COVID-19 của Hà Nội trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng số ca nhiễm nCoV trên địa bàn thành phố có thể sẽ tiếp tục tăng.

“Nguyên nhân là khi chúng ta mở cửa, mọi người có điều kiện giao lưu, đi lại, làm việc gần như bình thường. Việc tuân thủ các quy định về phòng dịch của người dân cũng không thực sự tốt khi một bộ phận bắt đầu có tâm lý chủ quan”, vị chuyên gia cho biết.

Hơn 1% F0 tại Hà Nội diễn biến nặng, nguy kịch - 2

Người dân tại Hà Nội nói chuyện, gặp gỡ sau khi thành phố mở cửa. (Ảnh: Zing)

Ở bối cảnh đó cùng đặc tính của SARS-CoV-2, khả năng virus xuất hiện và lây lan trong cộng đồng là rất lớn. Theo ông Hùng, hàng nghìn ca nhiễm mới được Sở Y tế Hà Nội ghi nhận mỗi ngày vừa qua có thể vẫn chỉ là bề nổi.

Vị chuyên gia này nhận định tỷ lệ tử vong tại Hà Nội là khá thấp khi so sánh với TP.HCM hay nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh khi số ca nhiễm tăng cao, tình trạng nhiều người mắc COVID-19 diễn biến nặng và tử vong cũng có thể xảy ra. Dù Hà Nội có tốc độ tiêm vaccine khá nhanh, vẫn có tỷ lệ nhỏ trường hợp sau khi nhiễm virus xuất hiện các triệu chứng nặng, nguy kịch.

Do đó, ông cho rằng nhiệm vụ chính của Hà Nội trong thời gian tới là phát hiện kịp thời các trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch và đưa ra phương hướng xử lý nhanh nhất.

“Nếu bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện tầng 2, 3 quá muộn, tình trạng nặng có thể thành rất nặng, rất nặng thành nguy kịch, từ đó dẫn đến nguy cơ tử vong”, ông Hùng cho hay.

Hơn 1% F0 tại Hà Nội diễn biến nặng, nguy kịch - 3

Cán bộ tại một trạm y tế phường trên địa bàn Hà Nội bận rộn trong công tác đưa đón F1, F0 tới điểm cách ly tập trung. (Ảnh: Zing)

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu và khuyến cáo từ Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người nhiễm SARS-CoV-2 nên được sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir sớm.

PGS Hùng nói: “Hiện nay, việc tiếp cận thuốc kháng virus của Hà Nội còn khá chậm. Nhiều F0 chưa được cấp thuốc dẫn đến tình trạng bày bán thuốc trôi nổi tại chợ đen cùng mức giá ‘cắt cổ’, không đảm bảo chất lượng điều trị”.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng còn một tỷ lệ nhất định người trên 18 tuổi trên địa bàn thành phố chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19.

“Những trường hợp này thường ở nhóm cao tuổi hoặc có bệnh lý nền nặng. Họ có thể bị chỉ định trì hoãn tiêm trong chiến dịch tiêm chủng vừa qua. Thực tế, đây là những người có nguy cơ diễn biến nặng và tử vong cao nếu không may nhiễm nCoV”, PGS Hùng nói.

Do đó, ông cho rằng Hà Nội cần thống kê lại và tiếp tục tổ chức, tạo điều kiện cho nhóm này được tiêm đủ liều vaccine.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp