Hội thi giáo viên dạy giỏi tổ chức với mục đích gì?

Giáo dụcThứ Hai, 14/01/2019 14:31:00 +07:00

Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên được Bộ GD&ĐT ban hành từ tháng 7/2010.

Hội thi được tổ chức ra sao?

Theo Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010, điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học mới nhất áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy trong các trường Tiểu học, THCS, THPT hay trường phổ thông có nhiều cấp học với ba mục đích cụ thể.

Thứ nhất, tuyển chọn, công nhận và suy tôn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông, giáo viên dạy giỏi Chương trình giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy; tổ chức lớp học; khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học; thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên.

gvdggdvnnetvn

 Phong trào thi giáo viên dạy giỏi thực sự cần cho hoạt động nhà giáo? (Ảnh minh hoạ: Giaoduc.net.vn).

Thứ hai, hội thi góp phần triển khai các phong trào thi đua trong trường học, khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tự học và sáng tạo. Qua hội thi, các cơ sở giáo dục phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn ngành.

Thứ ba, hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục.

Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp được tổ chức theo các môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên.

Việc tổ chức Hội thi phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, có tác dụng giáo dục, khuyến khích động viên giáo viên học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu giáo dục.

Điều kiện để giáo viên dạy giỏi được công nhận

Để được công nhận là giáo viên dạy giỏi và được cấp giấy chứng nhận của cơ quan tổ chức hội thi, giáo viên tham gia đủ các nội dung hội thi và đạt các yêu cầu theo quy định về đánh giá kết quả của giáo viên dự thi theo từng cấp quy định tại Điều 18 của Điều lệ này.

Về nội dung thi, Điều 6 Thông tư 21, giáo viên báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được đánh giá trong thời gian 4 năm học gần năm tổ chức hội thi nhất.

Giáo viên cũng phải làm một bài kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chuyên môn hoặc nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm liên quan đến phạm vi chương trình giáo dục của cấp học mà giáo viên giảng dạy hoặc những hiểu biết về chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và các nội dung chỉ đạo của ngành (gọi tắt là bài thi kiểm tra năng lực).

Ngoài ra, giáo viên còn thực hành giảng dạy hai tiết trong chương trình giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi, trong đó, có một tiết do giáo viên tự chọn và một tiết do ban tổ chức xác định bằng hình thức bốc thăm.

Còn về hình thức thi, giáo viên nộp cho ban tổ chức hội thi văn bản báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng có kèm theo nhận xét, đánh giá và xếp loại của nhà trường hoặc của phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT; Bài thi kiểm tra năng lực là bài thi viết, hoặc thực hành (ví dụ sử dụng máy vi tính, sử dụng đồ dùng dạy học…).

Thực hành giảng dạy sẽ được tổ chức tại lớp học. Tiết học tham gia thi giảng là tiết học lần đầu tiên được giảng cho học sinh tại lớp học đó. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết giảng trong thời gian ít nhất là 1 tuần trước thời điểm thi giảng.

Kết quả hội thi là căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và cá nhân; căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên. Tùy điều kiện cụ thể, UBND các cấp, cơ quan quản lý giáo dục địa phương quy định chế độ ưu đãi đối với giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, đối với tập thể có nhiều thành tích trong hội thi.

Nhật Tâm
Bình luận
vtcnews.vn