Hội thề không tham nhũng ở Hải Phòng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Thời sựThứ Năm, 22/02/2018 18:18:00 +07:00

“Hội thề không tham nhũng” ở Hải Phòng sắp tổ chức lễ hội lớn với sự kiện được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Liên quan đến ‘Hội thề không tham nhũng” ở Hải Phòng, ngày 22/2, thông tin với PV VTC News, ông Đỗ Xuân Trịnh - Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết, ngày 14 tháng Giêng tới đây, địa phương sẽ tổ chức lễ hội lớn để đón bằng công nhận Lễ hội Minh thề là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về công bố.

4.1 3

   "Chức sắc" trong thôn tuyên đọc Hịch văn thề tại lễ hội

Sau phần nghi lễ trên, phần hội cũng sẽ được tổ chức trang trọng theo truyền thống đối với lễ hội Minh Thề - Hội thề không tham nhũng. Đây là lễ hội "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam.

Có từ hơn 500 năm nay, Lễ hội Minh Thề - Lễ hội thề chống tham nhũng được khôi phục lại từ năm 2003 tại Đình – Chùa thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên (Kiến Thụy, Hải Phòng). Đây là khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được xếp hạng. 

Trong ngày lễ hội, những quan lại, chức sắc, công bộc trong làng tuyên thề sẽ công tâm, không tư túi, tham nhũng của công; không dùng quyền uy để chèn ép bóc lột của dân, không bao che tội phạm…

Người dân đến với lễ hội cũng không phải mong lấy chữ danh lợi, mà là để tự nguyện sẽ giữ lòng trung thực, ngay thẳng. 

5

 Nghi thức cắt tiết gà trống hòa vào rượu để các chức sắc tham gia uống rượu thề.

Các nghi lễ được tiến hành trang trọng, chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức của Thánh vương; sau đó làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm truyền thống.

Tế Thần xong, các bô lão, quan khách và dân làng, chức dịch, quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. 

Chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn, đường kính khoảng 2m ở giữa sân miếu gọi là Đài thề. Trước Đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm. 

Ba vị đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn và bô lão trong làng do Ban Tổ chức lễ hội thề và hội đồng bô lão tuyển chọn bước lên Đài thề làm lễ thắp hương khấn vái trời đất bách thần. Đại diện tư văn dõng dạc đọc Minh Thề có Hịch văn. 

Video: Lời thề vang như sấm của quan lại tại Lễ hội Minh Thề

Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt.

Sau khi mọi người cùng hô vang câu “y như lời thề” hoặc “y như miệng thề”, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm. 

2.1 4

 Tương truyền, xưa kia cột đá thông thiên đặt trước đền, nơi vẫn diễn ra các nghi lễ trong lễ hội Minh Thề.  

Tiếp đến là nghi lễ cắt tiết gà để "uống máu ăn thề" diễn ra rất cầu kì theo một quy định truyền thống từ ngàn đời. Tiết gà trống được hòa vào bình rượu lớn, mỗi người truyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề. 

Sau lễ hội Minh Thề trang nghiêm, dân làng Hoà Liễu như được tiếp thêm sức mạnh, rũ bỏ mọi ưu phiền của một năm qua để tiếp tục bước vào năm mới, với niềm tin tưởng những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.

Lễ hội Minh Thề không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống và các phong tục tốt đẹp của địa phương, mà còn mang ý nghĩa tích cực, cao đẹp, giáo dục đạo đức, nhân cách con người.  

Theo quan điểm của nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hải Phòng), ngày nay, cấp xã, cấp huyện nên nhân rộng hoạt động của lễ hội này, để đội ngũ cán bộ có trọng trách lớn tham gia lễ hội, trước là răn mình, sau là mang lại niềm tin đối với quần chúng nhân dân, sẽ có ý nghĩa to lớn trong cuộc vận động toàn Đảng, toàn dân tích cực tham gia công tác phòng chống tham nhũng, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn