Hội nhập thương mại quốc tế, pháp luật kinh doanh Việt Nam cần sửa thế nào?

Kinh tếThứ Ba, 22/10/2019 08:38:00 +07:00

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế, nhiều văn bản pháp luật cần phải xem xét và sửa đổi để phù hợp hơn.

Theo giới chuyên gia, các văn bản pháp luật cần được nâng cao chất lượng để tránh tình trạng vừa ban hành lại phải sửa đổi vì không có tính khả thi; mâu thuẫn với các văn bản khác hoặc tạo thêm những rào cản pháp lý mới cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

1

Quang cảnh hội thảo.

Đây là nội dung chính được thảo luận trong buổi hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây nhằm phản ánh những góc nhìn từ thực tiễn đối với pháp luật kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra những nhận định và kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI: “Chất lượng văn bản pháp luật rất quan trọng, có tác động ngày càng lớn tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người dân. Trong số những yếu tố đảm bảo chất lượng của một văn bản pháp luật thì tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi và tính minh bạch là những yếu tố vô cùng quan trọng.

Các giải pháp xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, những văn bản luật có ảnh hưởng rộng rãi như các luật thuế thì không nên làm theo quy trình rút gọn để đảm bảo cho người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật”.

2 3

 Các chuyên gia nêu quan điểm về các giải pháp xây dựng luật ở nước ta thời gian tới.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia kinh tế và chính sách hàng đầu tại Việt Nam đánh giá về tính ổn định của các văn bản pháp luật kinh doanh của Việt Nam nói riêng và chất lượng của văn bản pháp luật nói chung cũng như những thách thức của nhà soạn chính sách khi hội nhập

Ông Mark Grillin, Trưởng nhóm công tác Thuế và Hải quan, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế của mình về những việc nên và không nên trong quá trình soạn thảo chính sách. Theo ông Mark, các nhà soạn thảo chính sách cần xác định những mục tiêu cụ thể khi xây dựng chính sách và thực hiện theo những mục tiêu này.

Bên cạnh đó, cần xác định các đối tượng liên quan, đảm bảo có sự tham gia của họ trong suốt quá trình xây dựng chính sách, để loại trừ việc chính sách chỉ phục vụ lợi ích của một hoặc một số nhóm mà gây ra những rủi ro, thiệt hại cho các nhóm còn lại.

Đồng quan điểm với ông Mark, luật gia Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia rượu và Nước giải khát cũng đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cần công khai, minh bạch các văn bản pháp luật, nhất là luật và chính sách về thuế, vì các chính sách này có tác động sâu rộng không chỉ đối với những đối tượng trực tiếp nộp thuế mà còn các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan.

Minh Minh
Bình luận
vtcnews.vn