Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3: Thử thách nặng nề với Tổng thống Hàn Quốc

Thế giớiChủ Nhật, 16/09/2018 13:55:00 +07:00

Những nghi ngờ về ý định phi hạt nhân hóa của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một lần nữa đặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong áp lực nặng nề với vai trò người đàm phán.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2018 diễn ra trong một ngày đầy nắng cuối tháng 4, mang đến ánh sáng cuối đường hầm đẩy lùi lo sợ chiến tranh trên bán đảo. Hội nghị lần hai diễn ra đột ngột vào tháng 5, mở đường cho cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Triều – Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt không kém, và vì vậy cũng mang đến những thách thức khó khăn nhất từng thấy đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

moon-jae-in-kim-jong-un-2

 Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 được kỳ vọng sau thành công của hai hội nghị trước. (Ảnh: Reuters)

Những cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng làm dấy lên nghi ngờ liệu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thực sự sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân – đặt áp lực lên Tổng thống Moon một lần nữa trong vai trò người đàm phán. Kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 sẽ là chỉ báo quan trọng về việc các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ sẽ diễn biến như thế nào: Tổng thống Moon có thể tiếp tục khiến lãnh đạo Kim bày tỏ rõ ràng hơn ý định từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, hoặc tạo đà cho một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tiếp theo.

Dù thành công, thất bại hay rơi vào ranh giới giữa hai điều này, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 cũng sẽ giúp trả lời câu hỏi dai dẳng về ý nghĩa thực sự khi ông Kim nói ủng hộ quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo.

Những tranh cãi xung quanh phi hạt nhân hóa

Không khí đầy hy vọng bao quanh hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên hồi tháng 4, 5 và cuộc gặp Trump-Kim hồi tháng 6 đã giảm đi đáng kể sau những bất đồng về chính xác những gì ông Kim cam kết khi nhắc đến ý định từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân. Trong tình hình đó, hội nghị thượng đỉnh lần ba sẽ giúp làm rõ Triều Tiên hiểu như thế nào về các cam kết.

Ông Kim Tae-woo, Cựu Chủ tịch Viện Thống nhất Hàn Quốc nhận định: “Nếu Triều Tiên thực sự có thiện chí trong suốt quá trình đàm phán từ đầu đến giờ, ông Moon có thể mang kết quả tốt trở về. Dù vậy, tôi thấy khả năng này khá thấp.”

Chuyên gia nói việc ông Moon khiến ông Kim đưa ra tín hiệu rõ ràng hơn chứng tỏ sẵn sàng hành động hướng tới phi hạt nhân hóa là rất quan trọng. Điều này có thể thể hiện bằng một mô tả chi tiết về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, bước đầu để khảo sát và tháo dỡ các cơ sở liên quan.

Video: Nhìn lại thăng trầm trong quan hệ Mỹ - Triều

Trước đó, tại các cuộc gặp với Tổng thống Moon và Tổng thống Trump, lãnh đạo Triều Tiên đã ký các tuyên bố cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo. Dù vậy, theo AP, Triều Tiên trong hàng chục năm đã đi theo một ý tưởng phi hạt nhân hóa không giống với ý tưởng của Mỹ, họ muốn người Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, loại bỏ chiếc ô hạt nhân bảo vệ Nhật Bản trước khi ngừng theo đuổi chương trình hạt nhân.

Đây có thể là nguyên nhân khiến ông Trump hủy bỏ kế hoạch đến Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kèm theo tuyên bố rằng ông cảm thấy chưa đạt được đủ kết quả tích cực từ những lần đàm phán trước.

Trong khi đó, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đưa ra những yêu cầu “đơn phương và hành xử kiểu xã hội đen” về phi hạt nhân hóa, tức giận khi cho rằng họ phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi hiệp ước hòa bình được ký kết hoặc lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ.

Ông Moon, con trai trong gia đình của những người tị nạn chiến tranh Triều Tiên, nóng lòng muốn giữ cho quá trình ngoại giao hạt nhân được tiếp tục, không chỉ để hạn chế căng thẳng mà còn để thúc đẩy kế hoạch tham vọng với người hàng xóm miền Bắc, bao gồm các dự án hợp tác kinh tế và kết nối lại đường bộ và đường sắt liên Triều. Những dự án này đang bị các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên cản trở.

“Điều mà miền Nam và miền Bắc cần không chỉ là tuyên bố chung mà còn là những giải pháp để phát triển quan hệ một cách đáng kể” – Tổng thống Hàn Quốc nói trong cuộc họp nội các ngày 11/9.

“Chúng ta không thể ngừng nỗ lực hòa giải và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ được diễn ra thuận lợi.”

Video: Tình báo Mỹ tố Triều Tiên gia tăng sản xuất hạt nhân tại cơ sở bí mật

Từ lời nói đến văn bản

Vấn đề tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) sẽ là trọng điểm trong chương trình nghị sự tại Bình Nhưỡng, theo AP. Cuộc chiến này trước đó đã dừng lại với một thỏa thuận ngừng bắn, khiến bán đảo Triều Tiên về cơ bản vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.

Triều Tiên và Hàn Quốc kêu gọi hoàn thành tuyên bố kết thúc chiến tranh cuối năm 2018, dù vậy Mỹ muốn nhìn thấy những hành động cụ thể hơn hướng tới phi hạt nhân hóa trước. Một số nhà phân tích cho rằng một tuyên bố đưa ra có thể gây áp lực lên Mỹ để rút quân đội khỏi Hàn Quốc.

“Với tuyên bố, Triều Tiên đang cố gắng đặt mình lên một vị thế tương đương với Mỹ để có thể biến quá trình thành một cuộc đàm phán song phương giữa hai quốc gia hạt nhân” – chuyên gia an ninh Kim nhận định. “Mà quá trình này thì không thể chỉ có một bên đơn phương thực hiện phi hạt nhân hóa được”.

Theo ông Chung Eui-yong, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Moon, người từng gặp ông Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng, lãnh đạo Triều Tiên không cho rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ làm suy yếu mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn hay khiến Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc. Bên cạnh đó, ông Kim muốn phi hạt nhân hóa trước khi nhiệm kỳ đầu tiêu của ông Trump kết thúc.

Ông Chung cho biết lãnh đạo Triều Tiên nói sẽ không giữ lại vũ khí hạt nhân nếu nhận được sự đảm bảo an ninh và hiểu rằng tập trận chung Mỹ - Hàn phải tiếp tục. Bình luận này được cho là thay đổi quan trọng so với chủ trương trước đó của Triều Tiên, tuy nhiên lãnh đạo Kim chưa công khai đưa ra tuyên bố hay văn bản tương tự.

Vì vậy Tổng thống Moon nếu không thể thuyết phục Triều Tiên đưa ra cam kết cụ thể về phi hạt nhân hóa, ít nhất cũng được kỳ vọng sẽ khiến ông Kim đưa những gì ông Chung nói thành thỏa thuận bằng văn bản, chuyên gia Do Hyeogn Cha tại Viện Nghiên cứu Chính sách tại Seoul cho biết.

Đây sẽ là điểm khởi đầu để thiết lập lịch trình phi hạt nhân hóa, giảm bớt mối lo ngại về ý định thực sự của Triều Tiên và làm rõ hơn trách nhiệm quan trọng của Triều Tiên trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân, ông Cha nói thêm. “Tuyên bố Bàn Môn Điếm sau hội nghị đầu tiên chỉ cung cấp giới hạn thời gian của tuyên bố kết thúc chiến tranh, là cuối năm 2018; về phi hạt nhân hóa, tuyên bố này chỉ nói liên Triều sẽ cùng hợp tác. Nếu thất bại trong việc có được điều gì đó cụ thể hơn từ Triều Tiên thì những nỗ lực ngoại giao từ trước đến giờ có thể mất đi sức mạnh.”

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn