Hối lộ 80 triệu yen: Đừng quá hồ hởi trước vốn vay ODA

Kinh tếThứ Tư, 26/03/2014 11:15:00 +07:00

(VTC News) – Chuyên gia kinh tế kỳ cựu nói sau những vụ 'lại quả' để được trúng thầu dự án vốn ODA gần đây, cần xem xét lại các khoản vay ODA dễ dãi.

(VTC News) – Chuyên gia kinh tế kỳ cựu nói sau những vụ 'lại quả' để được trúng thầu dự án vốn ODA gần đây, cần xem xét lại các khoản vay ODA dễ dãi.

Xung quanh nghi án một nhà thầu tư vấn Nhật Bản 'lại quả' cho cán bộ đường sắt Việt Nam khoảng 16 tỷ đồng để được nhận thầu, VTC News đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

- Là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm và đã từng là thành viên ban cố vấn Thủ tướng, bà nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc này thế nào?

Tôi nghĩ, tiếp theo vụ việc của PCI với ông Huỳnh Ngọc Sỹ cách đây mấy năm, đây lại là vụ nghiêm trọng mới trong lĩnh vực ODA, sử dụng vốn ODA trong lĩnh vực giao thông.

Mở rộng hơn có lẽ nó đưa ra các cảnh báo về việc chúng ta phải xem xét lại rất nhiều các vấn đề sử dụng ODA cũng như vấn đề tham nhũng ở Việt Nam, đặc biệt ở đây là các dự án đầu tư công.

Tính nghiêm trọng của vụ việc thể hiện không phải chỉ ở số tiền tham nhũng mà nêu lên tính chất hệ thống của tham nhũng ở Việt Nam ngay từ đầu.

Nó cũng thể hiện, sự tham nhũng phức tạp không phải chỉ những dự án thương mại, dự án đầu tư thông thường mà cả ở các dự án ODA, nghĩa là dùng tiền thuế của người dân Nhật Bản để chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam vay và kết quả người nộp thuế ở Việt Nam thế hệ này sang thế hệ khác phải gánh trả.

Nghi án cán bộ đường sắt nhận hối lộ được chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá là một vụ việc rất nghiêm trọng. 

- Đành rằng vốn vay ODA nếu được quản lý tốt sẽ phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho người vay. Nhưng nếu quản lý không tốt sẽ có tác dụng ngược...

Lâu nay, các dự án ODA cứ bị tuyên truyền quá nhiều, vui mừng quá nhiều mỗi khi nhận được ODA, khiến nhiều người ngộ nhận như ODA là khoản tiền cho không của nước cung cấp ODA và về phía cung cấp ODA thì cũng như là một cái gì đó "ban ơn" rất lớn cho người dân nước được nhận.

Vì vậy, dự án đường sắt cao tốc ở Việt Nam 56 tỷ USD mà cũng đưa ra bàn ODA và có một thời gian làm nhiều người ở các cấp khác nhau hào hứng. Thử hình dung dự án 56 tỷ USD được thông qua thì không biết số tiền tham nhũng lên tới mức nào, có thể dám lên tới cả tỷ USD chứ. Đó là một khía cạnh tôi muốn nói.

Khía cạnh thứ hai, tôi muốn nói, trong dự án này cũng như trong vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ với công ty PCI, cả hai mới chỉ là ở bước của các công ty tư vấn mà mức độ tham nhũng đã rất lớn.

Vậy thì sau tư vấn tới các khâu khác: thiết kế, thi công, thực hiện thì sự xuất hiện của những nhà thầu thực hiện, rồi các bên giám sát này khác, lúc đó cái đường dây tham nhũng kéo dài tới đâu, nó rải tiền đi theo kiểu như thế nào, tỷ lệ của nó chắc chắn không nhỏ.

- Đó là lý do làm cho kinh phí dự án đầu tư đội lên khủng khiếp?

Như vừa rồi khi bàn thảo về luật đấu thầu, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nói người ta có thể tâu nó lên tới gấp ba lần. Bản thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng công nhận là các dự án có thể đắt lên 2-3 lần do nhiều khâu khác nhau, nhiều sự móc ngoặc khác nhau ở phía bên ngoài cũng như phía bên trong.

Trong khi chất lượng lại rất kém. Tất nhiên rồi, đi cùng với tham nhũng như vậy, bằng mọi thủ đoạn rất xấu xa để vơ vét tiền thì người ta không cần quan tâm tới chất lượng công trình ra sao.

Dự án càng dài càng thu được nhiều tiền, kể cả bên giám sát hay bên nghiệm thu cũng vậy, cứ có tiền thì nhắm mắt giám sát, nhắm mắt nghiệm thu, bỏ mặc cho nhà thầu muốn làm thế nào thì làm, chất lượng muốn thế nào cũng được.

Tôi nghĩ với vấn đề này, có lẽ ngoài việc xem xét về công việc cụ thể của dự án này bắt đầu từ khâu gọi là tư vấn như là nhà tư vấn Nhật Bản tố cáo ra để được dự án thì rất cần xem tiếp đến tất cả các khâu khác nữa, chứ đừng dừng ở khâu tư vấn không thôi thì mới phanh phui ra toàn bộ câu chuyện. Bằng không lại chỉ bắt được con chuột nhỏ ở đoạn đầu thôi.

Nếu chỉ dừng lại ở đây thì tôi nghĩ là không hợp lý.

 

Vụ việc đưa ra các cảnh báo về việc chúng ta phải xem xét lại rất nhiều các vấn đề sử dụng ODA cũng như vấn đề tham nhũng ở Việt Nam, đặc biệt ở đây là các dự án đầu tư công.
 
Tôi nghĩ là sẽ phải xem đến trách nhiệm của tất cả các bên liên quan.

Cụ thể, ở đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ban quản lý dự án mà cần xem xét rộng ra trách nhiệm của các cấp khác nhau liên quan.

Đừng để sự việc đứt ở một chỗ không thôi, mà sẽ không thấy rõ tính hệ thống của nó, không thấy mức độ nghiêm trọng của nó.

- Sau vụ PCI (Cty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương) của Nhật lại quả cho lãnh đạo ban quản lý dự án Đại Lộ Đông Tây - TP HCM để trúng thầu, đến vụ việc này bà có nghĩ chúng ta phải xem xét lại nghiêm túc các khoản vay có điều kiện khá dễ dãi, thoải mái?

Thực ra cũng có nước cung cấp ODA nhưng tôi tin hệ thống nước người ta nghiêm ngặt hơn, có độ minh bạch cao hơn, có yêu cầu trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn, thì người ta sẽ chống được việc đó.

Tôi nói ví dụ như ODA Thụy Điển, Thụy Điển hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều dự án nhưng trong cách làm của Thụy Điển cực kỳ nghiêm, đấu thầu của họ bao giờ cũng là đấu thầu mở cho các nhà thầu khác nhau được tham gia. Nó khác với các quy định ta thường thấy bên phía Nhật Bản, đấu thầu kiểu gì rồi cuối cùng cũng rơi vào tay của các nhà thầu Nhật Bản. Ở đây, tư vấn thiết kế cũng là họ.

Chính bản thân những người từng tham gia sâu trong lĩnh vực này đã từng kêu biết bao nhiêu lần với các nhà cung cấp ODA là hệ thống ODA của các nước có quá nhiều quy định khác nhau, làm cho Việt Nam theo đuổi rất mệt mỏi.

Điều đáng buồn là bên cạnh những nước có quy định rất chặt chẽ, minh bạch đòi hỏi tính đạo đức rất cao thì cũng có những quốc gia không theo cách đó hoàn toàn.

Họ có thể nói, họ tuyên bố ngoài miệng là minh bạch nhưng trên thực tế họ vẫn lái tất cả cho người cung cấp của nước họ được hưởng, nghĩa là họ tìm cách để lấy lại từ tiền cung cấp ODA, hay dùng ODA như một công cụ để hỗ trợ cho đầu tư của người nước họ sang nước mình với mục đích kiếm lời. Và đó là vấn đề.

Việt Nam ngay cả trong việc nhận ODA rất cần xem xét, cảnh giác với những điều kiện mang tính chất "dễ dãi". Tôi muốn để trong ngoặc kép, ở đây nghĩa không đòi hỏi một quy trình thật nghiêm ngặt hay thật minh bạch trong quá trình thực hiện, hoặc cho phép đấu thầu quốc tế rộng rãi, để có nhiều nhà thầu khác nhau, từ đó nhìn rõ hơn tính minh bạch, tính khách quan của việc lựa chọn.

Tất nhiên, lựa chọn nhà thầu cuối cùng lại là ở phía Việt Nam. Nếu phía Việt Nam cố tình không minh bạch thì vẫn có thể bỏ nhà thầu tốt chọn nhà thầu dở đi đêm. Chuyện đó ở nước ta cũng từng xảy ra ở trong nhiều dự án tôi không cần nói thêm mà mọi người vẫn biết.

- Vụ việc này nếu đúng thì theo bà đánh giá có dẫn đến hậu quả phía nhà tài trợ sẽ cắt nguồn viện trợ như vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ? 

Hồi đó, tôi nhớ vụ dẫn tới việc Nhật tạm dừng ODA do thái độ của chúng ta, cách xử lý của chúng ta trong vụ việc CPI với ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nghĩa là phía Nhật họ nhận cả, họ đưa bằng chứng nhưng phía mình vẫn cố tình chối cãi không có, bảo Việt Nam còn cần điều tra còn cần có chứng cớ, còn bảo người ta vu oan cho ông này khác.

Họ thấy cách tránh né của Việt Nam như vậy nên họ bực mình, họ mới tuyên bố ngừng viện trợ. Lần này nếu xử lý nghiêm minh hơn, đàng hoàng hơn, có lẽ có thể cũng không dẫn tới tình trạng như vậy.

- Nói nghiêm trọng hơn, những vụ việc như thế này theo bà sẽ ảnh hưởng thế nào đến thanh danh Việt Nam trong mắt các nhà tài trợ?

Chắc chắn là ảnh hưởng nghiêm trọng rồi, lâu nay Việt Nam đã bị xếp hạng rất kém trong hạng minh bạch của tổ chức minh bạch quốc tế. Việt Nam vẫn là một trong những nước có tham nhũng nhiều nhất, thường xuyên bị xếp hạng ở mức rất kém về mặt minh bạch, mặt tham nhũng.

Vụ việc như thế này chỉ càng chứng tỏ việc xếp hạng của người ta là đúng. Nhiều khi những xếp hạng như thế đưa ra bị một số vị ở Việt Nam cũng bực bội, cho là người ta xếp hạng như vậy là thiếu thiện chí, đưa ra không có căn cứ. Tuy nhiên, người ta đều có căn cứ, có cơ sở, chuẩn mực để đo để đánh giá cả chứ không phải là không.

- Theo bà nên có cơ chế kiểm soát nào để những tránh các vụ việc tương tự xảy ra trong các dự án ODA?

Thứ nhất, đối với ODA, không nên quá háo hức với ODA. Thực ra, nếu là một đất nước biết tự trọng, biết cách khai thác sức dân thì cũng phải thấy là ODA cần giảm dần, chứ không phải cứ ngửa tay đi xin mãi. Như Thái Lan, họ chấm dứt ODA rất sớm, khi họ mới vượt ra khỏi ngưỡng nghèo và vào ngưỡng thu nhập trung bình không lâu.

Họ quyết định ngừng sử dụng ODA mà huy động các nguồn lực trong nước, phát huy vai trò của khu vực tư nhân, phát triển các dự án khác nhau, biến nó thành cơ hội cho người dân để phát triển kinh doanh đóng góp cho đất nước, đồng thời làm khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh được lên.

Mình cứ dựa vào ODA, vẫn muốn dựa vào tiền, sức lực của bên ngoài, tất cả cơ hội đó vào tay một số người, rốt cục làm nước mình luôn luôn ở thế phụ thuộc, luôn luôn ở thế lúc nào cũng cứ nghĩ là có tiền, là có thể có tất cả chứ không cần những nỗ lực khác như nâng cao năng lực của mình, khả năng tự mình làm tốt hơn, kể cả khả năng tạo vốn hay khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển ra sao.

Đó là tâm lý, tư duy chung về ODA rất cần thay đổi lại, trong đầu óc cả ở quan chức lẫn người dân. Đó không phải là tiền cho không, mà là tiền cho vay và cho vay đó là phải trả nợ về lâu về dài, chưa kể kinh nghiệm các nước phát triển hơn cho thấy ODA thực chất đối với một số nguồn lại là cho vay rất đắt chứ không phải là rẻ.

Vì các dự án ODA nói cho cùng khi làm đều đắt giá hơn so với các dự án mang tính thương mại, có một quá trình đấu thầu đầy đủ, đàng hoàng để huy động những người có năng lực nhất để làm. Vì vậy, ODA thường bị đắt đỏ hơn dù là lãi suất của nó thấp.

Thứ hai, với ODA hay các dự án đầu tư công, Nhà nước cũng thấy yêu cầu phải cải cách nó rất mạnh cho nên đã đưa ra trong đề án tái cơ cấu, 3 lĩnh vực tái cơ cấu là doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại và đầu tư công. ODA cũng là một loại nguồn vốn để bổ sung cho đầu tư công, thế thì phải tái cấu trúc lại mạnh.

- Tái cấu trúc cả vốn ODA?

Đúng vậy. Trước tiên phải bằng thể chế của nó, thể chế cho minh bạch, có sự giám sát nghiêm ngặt của nhiều tổ chức khác nhau, đặc biệt của người dân, của công luận, không thể để như hiện nay.

Chúng ta đang cố gắng bàn về luật đấu thầu, luật đầu tư công, luật ngân sách, tất cả cái đó phải đưa ra bàn tới nơi tới chốn, phải làm thế nào tạo ra các công cụ pháp luật hữu hiệu để có thể cải thiện những vấn đề đang xảy ra ở Việt Nam, kể cả sử dụng ODA. Đó là về thế chế pháp luật

Hầu hết các dự án công rốt cục ở nước là như thế nào? Là theo cách giữa các chính quyền địa phương với chính quyền trung ương kể cả đây là Quốc hội, chính phủ thỏa thuận với nhau để cho địa phương được đầu tư dự án nào.

Theo sắp xếp như vậy, hầu hết các dự án đó đều đưa về doanh nghiệp nhà nước, hoặc các doanh nghiệp có quan hệ thân cận với chính quyền. Bằng cách đó, người ta chia cho nhau những lợi ích từ những công việc bằng cái giá của xã hội, của người nộp thuế hoặc của nền kinh tế.

Các dự án đó không hiệu quả thì nó đổ gánh nặng lên nền kinh tế, làm các công trình đắt đỏ, cho chi phí tăng lên và mọi thứ gánh nặng rốt cục người dân phải è cổ ra mà gánh chịu.

Thứ tư, trong bộ máy cần xem lại các vấn đề quan chức, công chức, hệ thống quản lý như thế nào. Bây giờ nếu xem lại quy trình của cái ban quản lý đường sắt này, thấy quy trình đó là đúng, không sai nhưng con người đặt ở đó đã làm méo mó đi hết cả, vận dụng mọi thứ theo hướng có lợi cho mình và rốt cục che chắn đi tất cả những sai phạm để có thể ăn chia nhau với nhau các thứ tiền hối lộ.

Hầu hết các vụ việc đều không do bộ máy giám sát của nhà nước tự mình phát hiện được mà là ở dân phát hiện ra hay như dự án ODA từ phía bên ngoài phát hiện ra, chứ còn không phải tự bộ máy nhà nước phát hiện ra được các vấn đề. Điều này chứng tỏ hệ thống giám sát trong nhà nước là rất yếu.

Khánh Hòa (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn