Hồi kí 'Rong chơi' - Trần Lập: Từ chàng công nhân làm lốp xe đến thủ lĩnh Bức Tường

Ca NhạcThứ Sáu, 18/03/2016 05:00:00 +07:00

Hồi kí Rong chơi: Từ chàng công nhân Trần Lập đến thủ lĩnh Bức Tường. Từ chàng công nhân làm lốp xe, Trần Lập từng bước đến với âm nhạc và viết nên câu chuyện đ

(VTC News) - Từ chàng công nhân làm lốp xe, Trần Lập từng bước đến với âm nhạc và viết nên câu chuyện đời mình.

Được sự đồng ý của 1980 Books và tác giả Yo Lê, VTC News trích đăng từ cuốn Hồi kí Rong chơi - Trần Lập, rock - moto và những cung đường (NXB Lao Động phát hành trên toàn quốc).


Khi ấy, Trần Lập xin được vào một xưởng làm lốp xe thồ. Thời bấy giờ, người ta thường thục cao su từ lốp xe tải hỏng ra thành những mành lớn, rồi tạo khuôn để làm lốp xe thồ mới. Công việc của lính mới như cậu là đổ xăng, keo vào một cái nồi, ngoáy đều cả tiếng đồng hồ cho đến khi thành một lớp keo mới rất cứng.

Tiếp theo, ngồi dán những mành lốp xe đó vào phanh của vành xe đạp thồ, rồi chuyển khâu, hấp cái lốp kia thành lốp sản phẩm. Dù công việc không quá phức tạp, nhưng hiệu suất làm việc của Trần Lập cũng chẳng khá khẩm bao nhiêu.

Giống như cái thời còn là cậu nhóc bị cha mẹ nhốt trong nhà, phải hát lên cho xua đi nỗi sợ ma ám ảnh thường trực, vào những tháng ngày làm đêm này, cậu cũng vô thức tìm đến âm nhạc như một cách cứu rỗi mình khỏi những cơ cực, vất vả thường ngày.

Trần Lập bỗng thấy mình hay chép bài hát từ các băng đĩa hơn trước, dù những băng đĩa này chủ yếu là nhạc vàng, rất ít nhạc trẻ và hoàn toàn không có nhạc Rock như đám băng đĩa lậu anh trai cậu buôn về ngày xưa. Vừa làm cậu vừa liên tục hát hò.

 trần lập khi còn trẻ

Từ những khúc hát, cậu lại tiếp tục men theo những giấc mơ. Những giấc mơ khiến cậu bay ra khỏi cuộc sống thực tại, giúp cậu nhẹ đầu trong giây lát; nhưng ngược lại, cũng khiến năng suất làm việc của cậu giảm đi đáng kể.

Đã thế, vì ban ngày vừa phải đi học vừa phải chăm sóc cha mẹ đau ốm, nên cứ đến tầm đêm là những cơn buồn ngủ lại thi nhau kiếm cớ kéo đến.

Có những khi cậu ngủ quên mất, tỉnh dậy đã thấy đống lốp sản phẩm của mình vơi đi hẳn. Hóa ra bạn cùng làm lấy trộm của cậu, cho vào đống lốp của họ. Biết vậy nhưng không chứng cớ, cậu chẳng biết kêu ai, đành chống mắt nhìn mấy tháng trời trôi qua trong tình trạng bị mất sức song chẳng được mấy đồng.

Đó mới chỉ là hai trong rất nhiều công việc chân tay Trần Lập từng làm ở khu làng thợ. Công việc nào cũng vậy, nhanh đến nhưng cũng rất nhanh đi. Chẳng việc nào cậu làm được bền lâu. Cũng chẳng công việc nào cứu nổi cậu thoát khỏi cảnh túng quẫn.

Có một buổi trưa hè nắng như đổ lửa, Trần Lập lê bước trên đôi dép lê cũ rích đi lang thang dọc phố. Cái nắng hè gay gắt của Hà Nội tràn qua người cậu, chẳng nể nang gì, cứ thế dồn ép thể xác mỏi mệt, rồi đánh gục luôn cả tinh thần vốn đang ngấp nghé bờ vực thẳm.

Cậu miên man trôi theo vô vàn suy nghĩ tiêu cực đang bốc càng lúc càng cao trong đầu. Giờ cậu chẳng nghề chẳng ngỗng, mà chuyện cơm áo gạo tiền vẫn cần phải lo. Tương lai thì mịt mù và lùng bùng trước mắt, như thể nó là một khu rừng rậm rạp đã mù sương lại còn đặc dày gai góc, bịt kín cậu với thực tại nghiệt ngã này. Liệu còn con đường nào cho Trần Lập đây?

Đúng vào giờ phút tăm tối ấy, có một lối thoát bất chợt hiện ra phía đình làng Nam Đồng. Trần Lập đi qua đó, thấy phường đang tổ chức tuyển quân ngũ, cũng nhìn thấy những cậu chàng được tuyển ai nấy mặt mũi đều tiu nghỉu buồn rầu.

Cậu chợt nhớ đến lời xem tay của một người cô – bà là mẹ của một người bạn của Trần Lập: “Cháu chỉ phù hợp với con đường binh nghiệp thôi, không còn con đường nào khác”. Lòng cậu chợt dậy lên mong muốn được đi lính, cho thoát khỏi cái ao tù u ám hiện tại.

Nhưng rồi nghĩ đến cảnh mẹ ốm yếu ở nhà, mình bỏ đi rồi thì ai là người chăm lo, Trần Lập lại nặng nề ra về, không đành lòng bước thêm một bước nữa. Nếu khi ấy cậu tình nguyện xin đi lính, không biết cuộc đời cậu sẽ ra sao, nhưng chắc chắn nó sẽ không dẫn tới một Trần Lập, người được biết đến với vai trò thủ lĩnh của ban nhạc Bức Tường như bây giờ.

trần lập

Có một câu ngạn ngữ Anh tạm dịch là: “Chúa không bao giờ đóng cửa chính mà quên mở cửa sổ”. Khi lối thoát cho những bế tắc thuở mới vào đời đều đã bị đóng lại hoặc bỏ qua, một lối thoát kì lạ khác lại xuất hiện trước mắt Trần Lập.

Một lối thoát, bất ngờ thay, lại gắn liền với ước mơ đã được cậu cất giữ suốt bấy lâu trong góc sâu tâm trí của mình.

Chuyện xảy ra chỉ vài ngày sau lần Trần Lập suýt nữa tình nguyện xin đi lính. Hôm ấy, cậu được một cô bạn trong khu mời tới dự bữa tiệc sinh nhật được tổ chức ở một sàn nhảy có tiếng tại Hà Nội.

Nói là tổ chức bữa tiệc sinh nhật ở sàn nhảy, nhưng không phải là bao nguyên sàn nhảy ấy, mà thật ra chỉ là đặt một bàn nhỏ ở đó để mọi người cùng ăn uống vui vẻ với nhau mà thôi.

Trong bữa tiệc, giữa những thanh âm nhạc sống dồn dập và những lời kích tướng của bạn bè, Trần Lập cuối cùng cũng liều mình lên hát thử. Tiếng hát của cậu không ngờ đã gây được ấn tượng với người trưởng ban nhạc của sàn nhảy hôm đó.

Vậy nên, đến cuối buổi, anh ta gọi Trần Lập lại, đề nghị cậu hát cho ban nhạc và hứa trả công mỗi buổi mười nghìn đồng. “Tôi chỉ muốn hét toáng lên khi được nhận vào hát cho ban nhạc, quá bất ngờ. Được hát và nhận cát-xê mỗi tối là công việc trong mơ.” (Trần Lập)

Còn nữa...

Trần Lập - Những chuyến đi dài



Công việc trong mơ ấy đã khiến cuộc đời Trần Lập rẽ hẳn sang một hướng khác. Nó cho cậu thêm nhiều mối quan hệ trong giới chơi nhạc, cũng như thúc đẩy cậu phải học nhạc chuyên nghiệp để theo đuổi con đường này lâu dài, thay vì chỉ hát theo lối bản năng như trước.

Bởi vậy, sau một thời gian đầu tập hát ở Nhà hát Tuổi Trẻ và được NSUT Trọng Thủy giới thiệu, Trần Lập bắt đầu theo học nghệ sĩ Trần Hiếu ở Nhạc viện. Và tại đây, cậu vừa học vừa thi tiếp vào khoa Thanh nhạc, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
trần lập
Chính trong giai đoạn được đào tạo thanh nhạc bài bản ấy, Trần Lập đã bắt đầu để tâm đến việc tạo ra chất riêng cho giọng hát của mình. Cậu vừa áp dụng những kỹ thuật thanh nhạc được dạy, vừa pha vào đó lối hát bản năng vốn có để tạo nên âm giọng trầm khàn, khoáng đạt đặc trưng của Trần Lập mà khán giả vẫn biết đến ngày nay.

Nhờ vậy mà sau này khi trở thành người hát chính của Bức Tường, Trần Lập đã trở thành nhân tố gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả ngay từ lần đầu tiên ra mắt. Dĩ nhiên đó là chuyện của về sau, còn trong những ngày tháng này, cứ ban ngày Trần Lập đi học ở trường, ban đêm cậu lại bon bon chạy trên một chiếc xe đạp đua đến hết sàn nhảy này tới sàn nhảy khác trong nội thành Hà Nội.

Thi thoảng nhiều sô quá, cậu mới đành phải nhờ bạn bè đèo xe máy chở đi. Vì vậy nên có những đêm cậu kiếm được những 200 nghìn đồng – một số tiền rất lớn ở thời kì ấy. Khó khăn dần dần lui bước, Trần Lập đã thật sự bước chân trên hành trình hướng tới ước mơ lớn của cuộc đời mình.

Trần Lập - Rock xuyên màn đêm:
Trích đăng từ cuốn sách "Rong chơi - Trần Lập, rock - moto và những cung đường", tác giả Yo Le, công ty 1980 Books và NXB Lao Động phát hành trên toàn quốc.
Bình luận
vtcnews.vn