Hối hận muộn màng của kẻ cuồng tình và phản bội

Pháp luậtThứ Ba, 09/03/2010 02:12:00 +07:00

Thấy chị P. đã chết Tài lấy thùng các tông trên nóc nhà tắm, bế xác chị P. bỏ vào rồi lấy xe máy chở đến bỏ ở bãi đất trống tại quận 12.

Thấy chị P. đã chết, Tài bừng tỉnh, sợ hãi tìm cách chạy trốn tội ác. Lấy thùng các tông trên nóc nhà tắm, Tài bế xác chị P. bỏ vào rồi lấy xe máy chở đến bỏ ở bãi đất trống tại quận 12.


“Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy hối hận. Chỉ vì một người không xứng đáng mà tôi đã hành động ngu ngốc, làm khổ cha mẹ, vợ con”. Trương Văn Tài (SN 1975) kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi bên hành lang phòng xử bằng tiếng thở dài.

Hôm nay, vợ anh không đến tham dự phiên tòa phúc thẩm vì đang bệnh (chị bị bệnh tim). Dẫu vậy, trong suốt thời gian anh bị tạm giam, chị vẫn thường xuyên thăm nuôi người chồng mà đã từ rất lâu không nhớ đến sự tồn tại của mẹ con chị.

“Lần nào gặp tôi, cô ấy cũng khóc. Bây giờ tôi mới thấm thía nỗi đau của vợ...”- Tài lại thở dài.

Bị cáo Trương Văn Tài trong phiên tòa phúc phẩm sáng 5/3 

Khoảng 17 giờ ngày 28/10/2008, Tài mua thức ăn đem đến phòng trọ của Tài và người tình- chị N.T.P (SN 1970) - trên đường Hạnh Thông (quận Gò Vấp), mục đích để giảng hòa sau cuộc cãi vã mấy hôm trước.

Chị P. đi làm chưa về, Tài kiên nhẫn ngồi đợi. Tuy nhiên, khi về, chị P. không cùng ăn mà vào tắm rửa rồi nói đi công chuyện. Tài yêu cầu chị P. ở nhà nhưng chị không nghe khiến hai bên xảy ra cự cãi.

Tức giận, Tài lấy xe máy định bỏ đi. Cho rằng Tài muốn trở về nhà với vợ, chị P. chốt cửa lại. Tài túm tay  kéo mạnh chị P. về phía sau khiến chị té ngã xuống nền nhà. Sẵn đà, Tài đè lên người chị rồi bóp cổ cho đến khi nạn nhân ngừng thở.

Thấy chị P. đã chết, Tài bừng tỉnh, sợ hãi tìm cách chạy trốn tội ác. Lấy thùng các tông trên nóc nhà tắm, Tài bế xác chị P. bỏ vào rồi lấy xe máy chở đến bỏ ở bãi đất trống tại quận 12.

Sáng hôm sau, Tài thuê xe ba gác đến phòng trọ chở tivi, đầu máy, tủ lạnh, nệm, tủ quần áo, quạt... về nhà mình và nói dối với gia đình là tài sản của bạn gửi. Chiếc điện thoại di động của chị P., Tài đem cầm được 900.000 đồng, chiếc xe gắn máy của chị P., Tài sử dụng.

Ngày 29/10/2008, một người dân tình cờ phát hiện xác chị P. Ngày 2/11/2008, Tài đến CQĐT đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Mối quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, đạo đức xã hội là nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ án. Một câu chuyện không mới, cũng chẳng bất ngờ với người nghe nhưng lại là bi kịch chua xót của chính gia đình người trong cuộc.

Chị P. chết ngạt do chèn ép cổ. Ba đứa con của chị mồ côi mẹ. Tài và gia đình anh cũng rơi vào nỗi đớn đau, mất mát.

Từ khi vụ án xảy ra, vợ Tài bệnh nhiều hơn, cuộc sống của cả gia đình lớn, bé gồm người cha bị tâm thần, 4 người em bị thần kinh (một người mới chết), người vợ bệnh tật và đứa con hơn 3 tuổi dồn lên đôi vai mỏng manh, già nua của mẹ Tài.

Thực ra thì từ khi Tài theo người tình, anh ta cũng đã không quan tâm đến gia đình. Người mẹ già vẫn phải quảy gánh đi mua ve chai khắp hang cùng ngõ hẻm; người vợ trẻ một thân một mình nuôi con. Nhưng dù sao, lúc đó họ cũng không gánh phải nỗi tủi nhục vì có con, có chồng là tội phạm giết người, cướp tài sản.

Vợ chồng Tài lấy nhau đã hơn 10 năm nhưng hạnh phúc chỉ ở lại trong gia đình bé mọn ấy một, hai năm đầu. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, Tài chết mê chết mệt chị P., làm chung xưởng trà Đông Phương (quận Bình Thạnh - TPHCM) với vợ chồng Tài.

Bất chấp sự cấm cản lẫn khuyên nhủ của mẹ, những lời trách móc và nước mắt đau xót của vợ, Tài dồn tất cả tiền bạc và tình yêu cho P. Nhiều lần, vợ Tài hạ mình đến gặp P. cầu xin chị buông tha nhưng cả hai người đang yêu đều bỏ ngoài tai.

Ngược lại, chị P. càng cấm cản Tài về nhà và thúc giục anh ta ly dị vợ. Để không bị gia đình làm phiền, Tài và chị P. dọn nhà đến đường Hạnh Thông và nghỉ làm ở xưởng trà.

Tài xin làm bảo vệ cho một quán bar, P. làm bảo mẫu ở một trường học ở quận Bình Thạnh. Tiền sinh hoạt cũng như mua sắm vật dụng trong nhà phần lớn đều do Tài lo.

Có điều, cuộc tình ngang trái này cũng lắm sóng gió khi chị P. có nhiều mối quan hệ với những người đàn ông khác, không thực lòng thực dạ yêu Tài. Phát hiện điều này, Tài chán nản, trở về nhà với người vợ chính thức nhiều hơn. Dẫu vậy, Tài vẫn không thể dứt khoát với người tình mỗi khi chị ta cần giúp đỡ và xuống nước năn nỉ.

Trước sau, Tài chỉ nhận lỡ tay làm chết chị P., không có ý định giết người.  Đồ đạc trong nhà sợ mất nên bị cáo chở về nhà cất; điện thoại di động của chị P. nhưng được mua bằng tiền của bị cáo cho chị P. vay. Vì vậy, bị cáo không phạm tội cướp tài sản.

Tuy nhiên, xét xử sơ thẩm, TAND TPHCM nhận định chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, bị cáo đã giết chết chị P., hành vi này mang tính côn đồ. Ngoài ra, sau khi phạm tội giết người, bị cáo lại phạm tội rất nghiêm trọng là cướp tài sản. Đây là tình tiết định khung của tội giết người. Vì vậy, HĐXX đã tuyên án tử hình đối với Tài.

Tại phiên Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM, Tài đã rớt nước mắt khi được nói lời sau cùng. Dường như đứng trước sự phán xét của pháp luật, sự sống còn của bản thân, Tài mới biết quý hơn cuộc sống; thấy thương hơn cái dáng còm cõi, ánh mắt tuyệt vọng, hoang mang của mẹ; thấm thía hơn nỗi tủi nhục, đắng cay của người vợ thủy chung...

Giây phút căng thẳng chờ tuyên án rồi cũng qua. Tài vẫn còn có cơ hội khi HĐXX tạm hoãn phiên tòa, cho thời gian để luật sư tìm thêm chứng cứ chứng minh thời gian chung sống lâu dài như vợ chồng giữa Tài và nạn nhân nhằm đánh giá đúng động cơ phạm tội của bị cáo (nhất thời phạm tội hay giết người, cướp tài sản).

Quyết định đầy cân nhắc và có trách nhiệm của HĐXX trước sinh mệnh của một con người đã khiến cho  niềm hy vọng bừng sáng trong đôi mắt già nua của người mẹ tội nghiệp. Bà lóng ngóng cầm chiếc giỏ lên rồi lại đặt xuống, quay ra rồi lại quay vào cho đến khi có người thân gọi, bà mới tất tả đi xuống cầu thang. Dẫu Tài chưa làm tròn chữ hiếu nhưng Tài vẫn là đứa con mà bà mang nặng đẻ đau.

Bất chấp cái nắng gay gắt của buổi trưa, bà vẫn đứng chờ Tài, để được nhìn thấy con lần nữa, dù phải đứng từ xa...

Theo Người lao động

Bình luận
vtcnews.vn