Học viện Tư pháp Nga tổ chức hội thảo liên quan vấn đề Biển Đông

Thế giớiThứ Sáu, 30/09/2016 09:49:00 +07:00

Ngày 29/9, Học viện Tư pháp Liên bang Nga phối hợp với trung tâm 'Luật hòa bình' tổ chức hội thảo 'Cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên ví dụ Biển Đông'.

Hội thảo thu hút được sự quan tâm tích cực của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc các trung tâm nghiên cứu lớn của Nga như Tiến sỹ Lokshin G.M thuộc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm khoa học Nga; Tiến sỹ Piatachkova Anastasia, Trường Kinh tế cao cấp Liên bang Nga; ông Nicolaev Vladimir, Chủ tịch Câu lạc bộ Luật mở - Học viện Tư pháp Liên bang Nga...

Các chuyên gia, học giả, nhà Việt Nam học của Nga và quốc tế tham gia hội thảo với nhiều thuyết trình về vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

hoi thao

 Các chuyên gia, học viên tham dự hội thảo

Đặc biệt, hội thảo thu hút sự quan tâm, tham dự của trên 100 sinh viên của Học viện Tư pháp Liên bang Nga. Nhiều hãng thông tấn lớn của Nga cũng quan tâm và đưa tin về hội thảo như Ria Novosti, Hãng thông tấn Nước Nga ngày nay, Báo Độc lập, Tạp chí Thế giới biến đổi, Tạp chí Thế giới đa cực...

Các thuyết trình tại hội thảo phân tích sâu về ý nghĩa, tầm quan trọng của Biển Đông; tình hình tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông hiện nay; tính pháp lý của phán quyết của PCA.

Tất cả các chuyên gia, học giả đều kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Tien si Lokhin

 Tiến sỹ Lokshin G.M phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Lokshin G.M nhấn mạnh: “Phán quyết của PCA đặt dấu chấm hết cho vấn đề này khi khẳng định 'đường chín đoạn' không dựa trên bất kỳ cơ sở nào và không có hiệu lực pháp lý.

Về mặt pháp lý, mặc dù là thành viên tham gia ký kết và phê chuẩn UNCLOS nhưng yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông lại hoàn toàn không tuân thủ quy định của UNCLOS.

Việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo thuộc các quần đảo trên và xây dựng 'đường chín đoạn' trên cơ sở 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế là hoàn toàn trái ngược với quy định của luật pháp quốc tế.

Video: Tòa trọng tài bác bỏ 'đường chín đoạn' phi lý của Trung Quốc

Yêu sách 'đường chín đoạn' của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử nào. Tất cả những bằng chứng lịch sử mà các nhà khoa học Trung Quốc dựa vào đều không thuyết phục và chưa được chứng minh".

Các học giả và sinh viên tham gia Hội thảo cho rằng, phán quyết của PCA dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS và nghiên cứu kỹ lưỡng hiện trạng và lịch sử trên Biển Đông.

Các học giả thể hiện sự ủng hộ cao đối với tính pháp lý của phán quyết, xem đây là một cơ sở quan trọng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và các bên liên quan cần phải nghiêm túc tuân thủ phán quyết.

P.V
Bình luận
vtcnews.vn