Học viện Quân y thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam: Thủ tướng gửi thư khen

Sức khỏeThứ Năm, 23/02/2017 16:51:00 +07:00

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi thư khen Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người ở Việt Nam.

Thủ tướng viết: "Tôi vui mừng được biết, ngày 21/2/2017 tại Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người, đánh dấu bước tiến bộ quan trọng của nền y học Việt Nam.

ghep phoi dau tien o VN

 Ca ghép phổi đầu tiên trên người được tiến hành ở Bệnh viện 103 vào ngày 21/2. (Ảnh bác sĩ cung cấp)

Cùng với những kết quả đạt được trong ghép thận, ghép gan, ghép tim..., thành công của ca ghép phổi lần này đã khẳng định năng lực, trình độ của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam nói chung, Học viện Quân y nói riêng, góp phần nâng cao uy tín và niềm tin vào nền y học  nước nhà.

Thành tích này của các đồng chí đã tô đẹp thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và ngành y tế, góp phần thiết thực chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2017)".

Thủ tướng cũng biểu dương thành tích của tập thể giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103.

"Tôi tin tưởng rằng, phát huy kết quả đã đạt được cùng với thực hiện lời dạy Lương y như từ mẫu của Bác Hồ kính yêu, các đồng chí sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong lĩnh vực ghép tạng nói riêng và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung", trích nội dung thư khen của Thủ tướng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng gửi lời chúc mừng đến cháu Ly Chương Bình, gia đình cháu và cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản.

gs do quyet

 GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y (Ảnh: Phạm Thịnh)

Trước đó, ngày 21/2, Bệnh viện 103 - Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam. Bệnh nhân được ghép là cháu bé 6 tuổi.

Ca ghép kéo dài đến 17h30 cùng ngày. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy 2 thùy dưới của hai người cho và ghép vào phổi của cháu bé.

Chia sẻ về ca ghép phổi, giáo sư Oto Takahiro (Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản) cho biết hiện nay trên thế giới tỷ lệ sống đối với các ca ghép trung bình là 15%, còn riêng ở Bệnh viện Đại học Okayama, tỷ lệ này là 80%.

“Cháu bé vừa được ghép phổi ở Học viện Quân y 6 tuổi thể chất yếu, không như những bạn cùng trang lứa do mắc bệnh bẩm sinh. Tuy nhiên, sau khi ghép, phổi cháu sẽ phát triển bình thường và có thể sống đến 60-70 tuổi”, giáo sư Oto Takahiro cho biết.

Giáo sư Đỗ Quyết cho rằng ghép phổi cũng như những ca ghép tạng khác, đều có khó khăn riêng. Đặc biệt, phổi là cơ quan trao đổi oxy nuôi dưỡng cơ thể nên trước khi ghép, các bác sĩ phải đánh giá tổng thể cả người cho và người được ghép phổi.

“Một trong những điểm khó trong ca ghép là phổi người cho bị tổn thương, nhiễm khuẩn. Nếu ghép phổi không khỏe, người được ghép phải dùng nhiều thuốc thải ghép, khó thành công. Rất may mắn, đối với ca ghép phổi này, mọi chỉ số và chức năng phổi cả trước và sau khi ghép đều rất tốt”, giáo sư Quyết chia sẻ.

Ông cho biết thêm người cho phổi đã rút ống khí quản. Ngày 22/2, hai người sẽ được đưa về buồng thường như những bệnh nhân khác. Đối với người nhận, mặc dù chỉ số sinh tồn tốt, nhưng bệnh nhi còn rất nhiều vấn đề cần phải theo dõi sát sao trong thời gian tới.

Video: Thực hiện thành công ca ghép tạng xuyên Việt lần 2

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn