Học trước, khai giảng sau: Phụ huynh buồn vì mất ý nghĩa, lãnh đạo trường nói không nên ‘chơi chữ’

Giáo dụcThứ Sáu, 25/08/2017 06:54:00 +07:00

Trong khi nhiều phụ huynh tỏ ra buồn việc học trước khai giảng sau khiến ngày trọng đại của lứa tuổi học trò đã mất đi ý nghĩa thiêng liêng “ngày đầu tiên đến trường” thì lãnh đạo các trường lại cho rằng phụ huynh không nên “chơi chữ”, dịch quá sát nghĩa của từ "khai giảng".

Tất cả phải vì học sinh

Chỉ còn non 2 tuần nữa, khắp 3 miền sẽ rợp cờ hoa trong ngày khai trường 5/9, chị Trần Thị Minh Hoa (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cẩn thận, tỉ mẩn là ủi từng chiếc áo đồng phục còn thơm mùi mới của cậu con trai út sắp sửa bước vào lớp 6.

Chị hồi tưởng: “Hồi xưa ở quê nghèo, cha mẹ phải chạy cơm từng bữa thì lấy đâu ra quần áo mới tinh tươm cho con. Ngày khai giảng, mẹ tôi lựa những chiếc áo sạch sẽ nhất cho anh em tôi mặc. Chiếc áo đã cũ do anh tôi mặc chật, còn tôi vẫn hơi rộng, nhưng cảm giác ngày đó vẫn vô cùng háo hức bởi đó là ngày đầu tiên tôi được gặp lại thầy, gặp bạn sau những ngày hè”.

Có lẽ, không chỉ đối với chị Hoa mà rất nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thể quên những ngày khai giảng của một thời mà họ là nhân vật chính. Không lễ nghi cầu kỳ, không quần áo mới nhưng đối với họ đó luôn là ngày trọng đại của quãng đời học trò.

hoc-sinh

 Ngày khai trường luôn là ngày trọng đại trong quãng đời học sinh của mỗi người. 

Nhắc lại câu chuyện vài năm trở lại đây, học sinh được đến trường học trước ngày khai giảng những hơn 2 tuần, chị Hoa trở giọng buồn phiền: “Ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển hẳn, đồ ăn ngon, áo quần đẹp ê hề nhưng chắc gì các con đã vui bằng mình ngày xưa? Đặc biệt, ngày khai giảng đã không còn là ngày đầu tiên tới trường, không còn ý nghĩa “trinh nguyên” như trước nên chúng làm sao cảm nhận được niềm vui của 2 từ tựu trường? Đối với chúng, ngày khai giảng sau gần 1 tháng đi học thì ngày đó chỉ còn là hình thức, có cũng được, không có cũng không sao”.

Chị Vũ Thị Kim Hoa - Giảng viên Học viện Báo chí Tuyên truyền, cũng là phụ huynh có con đang học tiểu học chia sẻ: "Rõ ràng đây là thực tế đáng bàn ở Việt Nam. Hai tuần trước ngày khai giảng học sinh đã bước vào chương trình chính thức của năm học mới. Ngày khai giảng đâu còn ý nghĩa nữa".

Chị Hoa đặt ra câu hỏi: "Ngày xưa học sinh hào hứng mong chờ ngày khai giảng sau 3 tháng hè bao nhiêu thì giờ con trẻ thờ ơ bấy nhiêu. Chúng nó cầm cờ quạt, bóng bay,.. cũng sôi động lắm nhưng làm sao tìm thấy ở đó sự xúc động của buổi tựu trường ngày xưa?".

5.9.kg

Ngày tựu trường luôn mang một ý nghĩa đặc biệt với lứa tuổi học trò.  

"Có thể ngành GD-ĐT có nhiều lý do để lý giải, ví dụ chương trình dày nặng nên phải giãn ra học trước, hoàn cảnh từng địa phương có khác nhau… Tôi được biết, ở Mỹ, học sinh vẫn được nghỉ đủ 3 tháng hè, 2 tuần tết.

Nếu vậy, tại sao chúng ta không giảm tải bằng việc cắt giảm chương trình vốn được đánh giá là quá nặng cho phù hợp thời gian quy định?

Hoặc nếu để các con đến trường từ tháng 8 thì nên giành thời gian này là thời gian để các con sinh hoạt ngoại khóa theo đúng nghĩa. Khai trường cần nên là sự mở đầu cho năm học mới với đầy đủ ý nghĩa và cảm xúc", chị Hoa nêu ý kiến.

Trước những tranh luận trái chiều về việc cần hay không ngày khai giảng trong khi thực tế con em đã đến trường trước gần 1 tháng, ngày 21/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có đề nghị Bộ GD-ĐT nên xem xét lại hiện tượng các trường đều tựu trường trước mới khai giảng sau. Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh “tất cả phải vì học sinh”.

Lãnh đạo các trường: Phụ huynh không nên “chơi chữ”

Giữa những luồng dư luận lên tiếng phản đối, cho rằng đã đến lúc không còn cần đến ngày khai giảng, bởi việc học trước khai giảng sau khiến ngày trọng đại của lứa tuổi học trò mất đi ý nghĩa thiêng liêng “ngày đầu tiên đến trường”, hoặc cần thiết phải có những sự điều chỉnh sao cho phù hợp thì lãnh đạo các trường lại cho rằng phụ huynh không nên “chơi chữ”, dịch nghĩa từ “khai trường” quá sát sao.

khai-giang-ha-noi-2-1441422925 3

Nhiều quan điểm ngày khai giảng phải là ngày  đầu tiên học sinh đến trường. 

Trả lời về vấn đề này, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho hay, việc cho học sinh tựu trường vào ngày 14/8 là hoàn toàn theo kế hoạch giảng dạy từ sở. Theo đó, học sinh đến trường sẽ sớm hơn 2 tuần trước ngày khai giảng.

Khi được hỏi về chương trình học cho học sinh trong thời gian này, ông hiệu trưởng này cho hay: “Ở buổi 1, nhà trường phải dạy theo phân phối chương trình để học sinh không bị thiệt thòi, nhưng ở buổi 2 nhà trường

chủ trương trên cơ sở tổ chức cho các em ôn tập để bổ sung kịp thời những kiến thức đã bị hổng trong năm cũ và làm nền móng cho năm học mới. Ngoài ra, thời gian này các em cũng được tham gia nhiều vào các công tác Đoàn, Hội, văn nghệ,…”.

Về những tranh luận trái chiều cần hay không cần ngày khai giảng trong khi thực tế học sinh đã vào học trước, ông phản biện: “Tôi thấy từ nhỏ tôi đi học, nói chung ngày khai giảng là dấu ấn rất tốt, không có gì mà phải bàn bạc hoài, cũng không thể nói bỏ là bỏ. Đó là một dấu ấn cho học trò nhớ. Cho dù phụ huynh có thích hay không thì cũng phải nhìn góc độ đẹp và cần phải làm cho ngày đó có ấn tượng sâu sắc trong lòng học sinh”.

Vị hiệu trưởng lý giải thêm: “Nhiều người thích dịch nghĩa Hán – Việt quá sát sao nên cứ cho rằng “khai trường” là phải ngày đầu tiên đến trường, người ta thích “chơi chữ” chứ tôi nghĩ việc học sinh tới trường trước, khai giảng sau là chuyện hoàn toàn bình thường. Hai tuần đó, các em đi học trước để tiếp xúc với trường trước, làm quen thầy cô, bạn bè, tạo một tâm lý thoải mái và cũng là thời gian để thầy trò cùng chuẩn bị tốt cho buổi lễ khai giảng được diễn ra đầy đủ ý nghĩa”.

Một lãnh đạo của trường THPT Điện Biên Phủ (TP.HCM) cũng cho ý kiến không thể bỏ ngày khai giảng, đồng thời không nhất thiết phải có sự thay đổi nào kể cả thời gian lẫn nội dung của buổi lễ khai giảng vốn dĩ đã trở thành truyền thống.

1441242659-1441206641-1441206599-khai-giang 4

 Ngày khai trường liệu có mất đi ý nghĩa khi học trước khai giảng sau?

Theo vị này: “Từ xưa đến nay, ngày khai giảng là 5/9 hàng năm, đó đã trở thành một nét truyền thống, tôi nghĩ không thể nói bỏ là bỏ. Còn về việc học sinh đến trường học trước hơn 2 tuần mới khai giảng theo tôi đây là chuyện hết sức bình thường. Ở trường tôi, thời gian trước khai giảng được gọi là “khởi động”, sẽ không đặt nặng chương trình học chính khóa mà chủ yếu là những công tác Đoàn Hội, giúp các em sớm quen trường lớp, bạn bè, đặc biệt là những lớp đầu cấp đang có nhiều bỡ ngỡ”.

Cũng như lãnh đạo các trường ở phía Nam, bà Ngô Thị Bích Hằng (Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Ngạc B, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, trường chưa khai giảng. Việc cho học sinh tựu trường sớm bởi thực hiện theo công văn và kế hoạch giảng dạy từ Sở”.

Video: Cảm động thầy giáo kéo phao, giúp học sinh vùng lũ tựu trường.

Bà Hằng thông tin thêm: Thời gian này, học sinh Tiểu học Đông Ngạc B đã đến trường, tuy nhiên chủ yếu nhà trường tổ chức cho các cháu sinh hoạt trong các câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống,…

“Việc học sinh đến trường sớm trước khai giảng là điều nhiều phụ huynh mong muốn. Phụ huynh phải đi làm, nếu thời gian nghỉ hè của các con quá kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng không có người trông nom. Do đó, con đến trường sớm sẽ hạn chế được những nguy hiểm và rủi ro trong cuộc sống so với ở nhà”.

Không chỉ trường Tiểu học Đông Ngạc B, hầu hết các trường ở khu vực phía Bắc cũng đã cho học sinh tựu trường từ sớm. Nhiều lãnh đạo các trường cũng đồng tình giữ nguyên thời gian và hình thức của ngày khai giảng như những năm trước.

Dương Thương - Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn