Học trực tuyến tại Trung Quốc mùa dịch Covid-19 và những khó khăn phải đối mặt

Tin tức - Sự kiệnChủ Nhật, 01/03/2020 14:12:31 +07:00
(VTC News) -

Việc học online đang được áp dụng rộng rãi tại Trung Quốc, nhưng liệu nó có mang đến hiệu quả thực tế và thay thế được cho phương pháp học truyền thống?

Suốt hai tuần qua, không còn tiếng trống trường, hành lang nhộn nhịp, căng tin đông đúc hay hình ảnh các học sinh mặc đồng phục xuất hiện. Thay vì đi học tại một trường công lập tại Thượng Hải, Huang Yiyang - nữ sinh trung học dành 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày trước màn hình máy tính để xem livestream buổi học, trong bộ đồ ngủ của mình.

Với lớp học môn thể dục, giáo viên sẽ thực hiện các động tác để học sinh theo dõi. Còn trong lớp học môn tiếng Anh, Huang thường ngồi im lặng để nghe cô giáo giảng trong lớp học trực tuyến gần 30 học sinh. Vì sợ mọi người nhìn thấy bộ dạng không chỉn chu của mình khi ở nhà, Huang thường che webcam lại, vì vậy, các bạn trong lớp học sẽ không nhìn thấy mỗi khi cô giáo gọi cô trả lời câu hỏi.

Một tháng trời, Huang hầu như không ra khỏi nhà và gặp gỡ bạn bè. Giống như cô, hàng triệu học sinh khác cũng không đến trường và dành phần lớn thời gian để lên mạng học tập.

Học trực tuyến tại Trung Quốc mùa dịch Covid-19 và những khó khăn phải đối mặt - 1

Một giáo viên tiếng Anh đang dạy online tại trường Tiểu học Thực nghiệm Quốc tế Lushan ở Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc.

Trung Quốc đang chiến đấu với dịch bệnh do Covid-19 gây ra, khiến 2.700 người thiệt mạng. Việc đóng cửa các trường học trên cả nước - một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khiến khoảng 180 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường ở Trung Quốc phải ở nhà.

Trung Quốc đại lục chỉ là sự khởi đầu. Hàng triệu sinh viên ở Hong Kong, Macao, Việt Nam, Mông Cổ, Nhật Bản, Iran, Pakistan, Iraq và Ý cũng bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa. Với một số người, việc học tập bị gián đoạn hoàn toàn, trong khi một số người khác đang thử nghiệm việc học trực tuyến. Giới chức tại Hoa Kỳ, Úc và Anh cho biết, nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn, họ sẵn sàng đóng cửa các trường học.

Việc tổ chức các lớp học trực tuyến giúp học sinh tiếp tục được học tập trong thời gian kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên nó cũng đi kèm với loạt vấn đề, như mạng kém, không nghe rõ bài giảng, di chuyển khó khăn hoặc lớn hơn là sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng.

Các lớp học trực tuyến tại nhà diễn ra thế nào?

Hai yếu tố cơ bản nhất cần phải có trong một lớp học trực tuyến đó là máy tính có kết nối internet và sự tập trung. Các loại hình học trực tuyến có thể khác nhau, tùy theo mỗi trường học hoặc mỗi quốc gia.

Đối với Huang, học trực tuyến nghĩa là dành hàng giờ trước máy tính và ít giao tiếp xã hội. Không có cuộc thảo luận nào diễn ra trong lớp học và cô thường không thể nghe thấy giáo viên nói gì vì mạng internet kém. Cô cảm thấy rằng, tất cả các bạn trong lớp và cả giáo viên đều đang phải rất cố gắng để duy trì động lực học tập.

"Chúng tôi không thể phản hồi lại khi giáo viên đưa ra một ý kiến nào đó trong lớp học. Điều này khiến họ cảm thấy chán nản, còn chúng tôi thì thấy khó xử", Huang nói.

Học trực tuyến tại Trung Quốc mùa dịch Covid-19 và những khó khăn phải đối mặt - 2

Giáo viên Zhang Weibao quay khóa học video tại một trường trung học ở Urumqi, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.

Ngay cả sau giờ học, cô vẫn chưa được nghỉ ngơi. Huang thường phải thức đến 10 giờ đêm mỗi ngày để hoàn thành bài tập. Mặc dù không được trực tiếp nhìn thấy bạn bè của mình, nhưng Huang cảm thấy rằng việc học qua video khiến cô cảm thấy gần gũi với mọi người hơn so với khi nhắn tin qua Wechat hay QQ (ứng dụng nhắn tin trực tuyến của Trung Quốc).

"Bởi không được gặp gỡ nhau ở ngoài nên chúng tôi phải lên mạng để trò chuyện", Huang nói.

Hiện trên khắp Trung Quốc, tất cả học sinh tiểu học và trung học đều được tổ chức các lớp học trực tuyến, theo Tân Hoa Xã. Trung Quốc cũng bắt đầu phát sóng các lớp học tiểu học trên truyền hình công cộng và ra mắt một hệ thống học tập trên nền tảng đám mây, dựa trên chương trình giảng dạy quốc gia và cho phép 50 triệu học sinh có thể sử dụng cùng một lúc.

Tại Hong Kong, nơi các trường học bị đóng cửa trong ít nhất một tháng, một số giáo viên bắt đầu thay đổi hình thức giảng dạy. Tại trường quốc tế Montessori, học sinh học nhóm trên ứng dụng Google Hangouts để được nhìn thấy và trò chuyện với nhau.

Nhà trường cũng bắt đầu đăng các video về các hoạt động của học sinh trên website nhà trường. Nhưng họ cũng nhanh chóng nhận ra rằng, điều quan trọng là học sinh phải nhìn thấy nhau và trao đổi với giáo viên của chúng.

"Tất cả học sinh đều bị sốt cabin (một thuật ngữ chỉ phản ứng xảy ra khi bị cô lập trong nhà trong một thời gian dài)", hiệu trưởng trường học, ông Adam Broomfield cho biết. "Tôi chưa bao giờ chứng kiến trường học bị đóng cửa trong thời gian dài như thế này".

Theo Adam, tình hình này dẫn đến sự đổi mới trong cách học. Một sinh viên của trường làm một video để giải thích cách cậu ấy giải một bài toán, trong khi một giáo viên làm video từ một bãi biển để giúp học sinh học môn địa chất.

Học trực tuyến có ảnh hưởng đến kỳ thi đại học khốc liệt?

Việc nghỉ học dài ngày khiến học sinh ở bậc học cao có thể gặp phải các vấn đề lớn khi đi học trở lại. Jonathan Ye, học sinh năm cuối tại trường cấp 3 Shanghai Pinghe và đang dự định du học ở Anh. Để thực hiện được điều đó, Ye phải làm tốt bài kiểm tra tú tài quốc tế cuối cùng vào tháng 5 tới.

"Nếu không làm tốt bài kiểm tra đó, em có thể sẽ mất cơ hội này", Ye nói. "Em nghĩ rằng mình sẽ ổn vì em thích tự học, nhưng giờ thì em không chắc chắn lắm. Em cảm thấy lo lắng vì không được đến trường và có thể bỏ lỡ nhiều kiến thức quan trọng từ giáo viên".

Nhưng tình hình của Ye vẫn còn tốt hơn nhiều học sinh trung học năm cuối khác tại Trung Quốc.

Vào tháng 6, đại đa số các học sinh năm cuối tại trường cấp 3 ở Trung Quốc đại lục bước vào kỳ thi gaokao - kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới tại Trung Quốc. 

Học trực tuyến tại Trung Quốc mùa dịch Covid-19 và những khó khăn phải đối mặt - 3

Học sinh trung học phản đối với mong muốn giảm bớt căng thẳng tại kỳ thi đại học ở Trung Quốc tại Hải Khẩu, phía nam tỉnh Hải Nam.

Kỳ thi khiến cho học sinh rất mệt mỏi và áp lực. Mặc dù có thể đăng ký thi lại, nhưng điều này đồng nghĩa với việc học sinh sẽ phải dành cả năm trời chỉ để ôn thi. Theo Bộ Giáo dục nước này, họ sẽ đánh giá tình hình hiện tại và quyết định có nên trì hoãn kỳ thi gaokao hay không.

Chính quyền Bắc Kinh cho biết, sẽ có một kỳ thi thử trực tuyến trước gaokao. Trong khi đó, tại Hồng Kông, mặc dù các trường học đều đóng cửa đến hết ngày 20/4 nhưng thành phố này vẫn sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học vào ngày 27/3 theo kế hoạch. Sự khác biệt duy nhất đó là học sinh sẽ được yêu cầu phải đeo khẩu trang và di chuyển bàn xa ra hơn bình thường.

Học trực tuyến có thay thế hoàn toàn các lớp học trực tiếp?

Đây không phải là lần đầu tiên các trường học phải đóng cửa hoặc thử nghiệm việc học trực tuyến. Ở các quốc gia có mùa đông khắc nghiệt, trẻ em đôi khi phải nghỉ ở nhà do thời tiết. Tại Hồng Kông, một số trường phải đóng cửa lớp học vào năm ngoái vì các cuộc biểu tình diễn ra.

Các chuyên gia giáo dục cũng không phải chưa bao giờ nghĩ đến việc học mà không đối mặt trực tiếp với giáo viên trước đây. Trẻ em ở các vùng xa xôi của Úc từ lâu học bài qua các chương trình giáo dục trên radio. Và ở Trung Quốc, trí tuệ nhân tạo được quảng cáo là một phương pháp giúp học sinh tại các vùng thôn có nền giáo dục tốt hơn.

Học trực tuyến tại Trung Quốc mùa dịch Covid-19 và những khó khăn phải đối mặt - 4

Giáo viên giảng bài trước camera trong một lớp học trực tuyến tại một trường trung học ở Donghai, miền đông Giang Tô, Trung Quốc.

Theo Chris Dede, giáo sư tại Đại học sư phạm Harvard, sự kết hợp giữa giảng dạy trực tuyến và trực tiếp tốt hơn là học hoàn toàn ngoại tuyến hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, điều cốt lõi không phải là phương tiện mà là chất lượng và phương pháp giảng dạy.

"Điều tồi tệ nhất đối với trẻ em là bị cô lập ở nhà mà không có sự hỗ trợ về mặt cảm xúc từ bạn bè, không có cơ hội học hỏi từ giáo viên lành nghề", ông nói.

Dede coi đây là cơ hội để các nhà giáo dục thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới, sau đó áp dụng trở lại tại các lớp học tại trường.

"Chúng ta có phương tiện truyền thông xã hội, internet, điện thoại thông minh. Vì vậy, mức độ cô lập và bị mất cơ hội học hỏi sẽ giảm đi nhiều so với thời điểm hai thập kỷ trước", ông nói.

Quỳnh Anh(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn