Học trò rối trí vì... 1001 chuyện trên đời

Tổng hợpThứ Bảy, 27/11/2010 07:46:00 +07:00

(VTC News) - “Cô ơi, mỗi sáng đến trường không nhìn thấy bạn N. ở lớp bên cạnh, con lại không học được”, một HS lớp 5 thổ lộ.

(VTC News) - “Cô ơi, mỗi sáng đến trường không nhìn thấy bạn N. ở lớp bên cạnh, con lại không học được”, một HS lớp 5 thổ lộ.

Đó là trường hợp của một HS lớp 5 ở trường tiểu học Phùng Hưng, Q.11, TP.HCM gửi thứ đến cô giáo tư vấn tâm lý.

Học trò rất cần được giáo viên chia sẻ và giải tỏa khúc mắc.
“Vậy mới thấy, tư vấn tâm lý học đường không thể thiếu đối với học sinh. Tâm tư, tình cảm... ảnh hưởng rất lớn đến việc học của các em”, cô Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng của trường chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết công tác tư vấn học đường năm học 2010 - 2011.

Đủ chuyện để... chán học

Có những chuyện rất nhỏ nhặt, nhưng cũng đủ ảnh hưởng đến việc học hành của HS khi đến lớp.

Theo giáo viên tâm lý giáo dục Phạm Thị Ánh Hồng, trường THPT Tạ Quang Bửu, học sinh có những vấn đề thường quan tâm và mong muốn được giãi bày như: chuyện tình cảm gia đình, tình cảm tuổi học trò, thắc mắc giới tính, áp lực học hành, lo sợ về tương lại, tự ti...

Theo lời kể của cô Ánh Hồng, nhiều HS rơi vào trạng thái chán sống vì tình cảm bố mẹ, gia đình gặp vấn đề. Một HS lớp 10 viết thư tâm sự: “Em rất buồn và chỉ muốn lấy dao đâm cho mình một nhát chết cho xong để bố mẹ không cãi vã nữa”.

Cũng vấn đề gia đình, một HS khác thất vọng: “Lên lớp 10, em không có hứng thú để học vì không hiểu bài do thay đổi môi trường. Em chỉ muốn mỗi lần đi học về được ba hỏi han em đi học thế nào? Con có cần ba giúp gì không? Nhưng những điều đó chắc là rất xa vời với em!”.

Sự trò chuyện cá nhân giữa cô và trò sẽ giúp trẻ chia sẻ dễ dàng hơn.

Áp lực với học hành, một nam sinh lớp 12 viết: “Em thấy mình học ngày càng sa sút mặc dù em học bài, soạn bài đầy đủ và luôn chăm chú nghe thầy cô giảng bài nhưng không hiểu và thường chán nản, đau đầu”.

Mới chỉ học lớp 5, nhưng một HS trường tiểu học Phùng Hưng đã viết: “Mỗi sáng đến trường không nhìn thấy bạn N. ở lớp bên cạnh, con lại không học được”. Nhiều HS cấp THPT còn bị rơi vào tình trạng suy sụp, mất cân bằng khi bị bạn bè, cô giáo ngăn cấm khi yêu...

Có những chuyện chỉ qua lời kể của trẻ, người lớn mới biết nó thật sự nghiêm trọng. Một nam sinh cấp 3 gửi email đến cho giáo viên kể rằng một người lớn tuổi cùng giới thường cho nhiều tiền, quà và đã nhiều lần quan hệ cùng giới trong khách sạn... Hay một nữ sinh khác chỉ vì không thấy kì kinh nguyệt trong vài tháng, HS này viết cho giáo viên tư vấn tâm lý: “Có phải em bị vô sinh không? Em không thể nào tập trung vào việc học được cô ơi”.

Khi giáo viên tư vấn “giải cứu”

Cô Ánh Hồng cho biết, nhóm tư vấn học đường tại trường THPT Tạ Quang Bửu đã từng bước động viên, khuyễn khích... để rồi, những trường hợp nêu trên từ chỗ rơi vào tâm lý, trạng thái tiêu cực đã có chuyển biến tốt hơn.

Tại trường tiểu học Phùng Hưng, Q.11, những cuốn nhật ký chuyền tay giữa cô và trò, hộp thư “điều em muốn nói”... phát huy tác dụng.

Một HS tiểu học khi viết nhật ký tỏ rõ thái độ bức xúc “có chuyện gì sao bố không trao đổi với mình mà cứ trút giận vào mình. Mình ghét bố lắm.. gừ...hừ..hừ…!”.

Cuốn nhật ký được gửi đến giáo viên tư vấn và cô giáo nhắn nhủ: “T. ơi, đừng bao giờ nói tiếng ghét bố mẹ nhé. Như cô bây giờ muốn nói lời yêu thương tới bố cũng có được đâu (Bố đâu còn sống để nghe mình nói). Viết cho con mấy dòng thôi mà cô đã thấy nhớ bố cô nhiều lắm! Người lớn nhiều khi có chuyện nhưng không muốn thổ lộ vì sợ làm con cái buồn. Con nên hiểu và thông cảm nhé!”.

“Hôm nay con về nhà, bố đã vui lên rồi cô ạ. Giờ con mới hiểu bố thương cả nhà biết chừng nào. Con cám ơn nhiều” - cô bé trả lời. Vậy là cuốn nhật ký có thêm những dòng với gam màu tươi sáng hơn sau lời tư vấn của cô giáo.

Chuyên gia tư vấn cũng như những người “giải cứu” học sinh khỏi vấn đề tưởng như “ngõ cụt”.
Một trường hợp khác, cô bé học trò lớp 4 ở cương vị lớp trưởng viết: “Hôm rồi, tôi rất bực mình vì bạn V. tốc váy bạn H. trong giờ học. Còn bạn K. lại dám chế tên của tôi. Bực mình hết sức nhưng cũng phải nhịn để không làm các bạn ấy bị thương hay bị đau, và không làm chuyện bé xé ra to”.

“Làm lớp trưởng mà biết kiềm chế cảm xúc thế là tốt lắm Q. à. Nhưng con đừng nén cảm xúc ấy, hãy mạnh dạn góp ý vào sổ nhật ký chung để bạn ấy sửa sai nhé”, giáo viên tư vấn viết trả lời.

Luật sư Trần Thị Phụng, cũng là giáo viên dạy môn Pháp luật, ngoài nội dung bài học, cô còn giúp nhiều SV giải đáp thắc mắc về luật pháp như có SV phải chứng kiến ba đánh mẹ, mẹ cô muốn ly hôn nhưng không biết cách nào, cô học trò chỉ biết nhờ đến cô giáo; hay có học trò không biết bạn trai mang tội hay không khi cả hai đã từng quan hệ sinh lý nhiều lần ở tuổi 16...

Từ những lời kể, thắc mắc đó, cô không chỉ giúp học trò về kiến thức pháp luật mà giải tỏa tâm lý và hiểu rõ hoàn cảnh cá biệt của HS để có cách can thiệp.

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản đề nghị lãnh đạo các đơn vị xây dựng chế độ, chính sách cụ thể cho cán bộ phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường tại các trường; Bố trí 1 phòng riêng biệt làm phòng tư vấn tại trường học.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT khuyến khích các trường tuyển dụng các chuyên gia tư vấn tâm lý từ nhiều nguồn như: SV ngành sư phạm tâm lý giáo dục, chuyên gia có bằng tốt nghiệp ĐH Luật, giáo viên có kinh nghiệm của các bộ môn xã hội, giáo viên nghỉ hưu...

Việc thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tư vấn tâm lý học đường nhằm thu hút các tổ chức xã hội và cá nhân cùng chung tay xây dựng và mở rộng hoạt động tư vấn tâm lý học được cũng được khuyến khích.


Minh Quyên

 

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn