Học trò "quay"... điện thoại, thầy cô choáng

Tổng hợpThứ Hai, 27/12/2010 06:31:00 +07:00

Vừa nêu ra câu hỏi đã thấy học trò của mình lôi điện thoại ra hý hoáy một lúc rồi mới ngẩng đầu lên...

Vừa nêu ra câu hỏi đã thấy học trò của mình lôi điện thoại ra hý hoáy một lúc rồi mới ngẩng đầu lên... Mãi sau, thầy Hùng ngỡ ngàng khi phát hiện ra, hễ ai tìm được đáp án thì gửi link cho cả lớp chép cùng.

Trào lưu dùng điện thoại tìm đáp án có vẻ như đã trở nên quen thuộc trong giới 9X. Mỗi ngày đến lớp, từ bài toán khó, câu trắc nghiệm môn lý luận "khoai"... cũng không khiến teen e ngại nữa.

Đơn giản là trong túi mỗi cô cậu học sinh, sinh viên mặt còn búng ra sữa này đã sẵn có một chú "dế xịn" để họ thả phanh "search mạng".

Mỗi ngày đến lớp, dù có thể quên mang bút, giấy nhưng điện thoại thì không bao giờ Hà quên cả. Như Hà vẫn nói "quên dế thì có mà chết luôn" nên lúc nào trong túi Hà cũng có chiếc điện thoại. Hà kể, có điện thoại tiện lắm, thầy cô vừa nêu câu hỏi, ở dưới bọn mình đã google ra cả loạt tài liệu có đáp án. Cứ thế trả lời thôi, không cần phải học nhiều.

Giờ kiểm tra, "dế' cũng được phát huy năng suất đến mức tối đa khi cùng các cô cậu lướt web, vào mạng để tìm tài liệu. "Để vào mạng nhanh, bây giờ bọn mình dùng những loại máy cấu hình cao, ai có điều kiện thì vào iphone, không thì điện thoại dăm bảy triệu là có thể vào mạng ngon lành rồi. Mà trên mạng bây giờ cái gì chẳng có".

Nghe nhắc đến dùng điện thoại lướt web, Đức thậm chí còn hào hứng hơn: "Thi cuối kỳ bọn em cũng mang điện thoại vào. Nhiều môn quy định không cho mang theo điện thoại nhưng vẫn lén mang vào, không thì chỉ có nộp giấy trắng, suốt ngày lo đi thi lại thôi".

Theo lời Đức, mỗi khi đến kỳ thi, trừ những con mọt sách chăm chỉ, còn lại học rất tài tử. Nhất là những môn thi viết, phải học thuộc thì khỏi nói, hầu như chẳng mấy ai động đến giáo trình.

Vào phòng thi hoặc là mang theo phao hoặc dùng điện thoại tìm kiếm mà chép. "Không làm thế thì sao qua nổi, học thuộc bao nhiêu câu, toàn những môn chán chết". Vì thế, thay vì quay bài, giờ các 9X thoải mái quay... điện thoại.

Đức còn chia sẻ kinh nghiệm “câu nào có trên mạng thì bê nguyên vào, còn nếu chỉ có gợi ý hoặc nhang nhác giống thì phịa thêm một ít. Mấy môn thi viết thì cứ bôi ra cho dài dài tý, thầy cô nhìn vào chắc cũng chẳng buồn đọc nữa, chấm cho đủ điểm qua thôi’.

Thầy cô càng... kinh ngạc

Hồi đầu, vừa nêu ra câu hỏi đã thấy học trò của mình lôi điện thoại ra hý hoáy một lúc rồi mới ngẩng đầu lên, từ khó chịu, thầy Hùng bắt đầu cảm thấy tò mò. Có nhắc nhở thì những lần sau, các trò vẫn "chứng nào tật nấy", vẫn loay hoay với chiếc điện thoại dù khi mới vào lớp, thầy đã nhắc không được để chuông điện thoại reo trong giờ học. Để ý kỹ, thầy Hùng bắt đầu hiểu ra mục đích của học trò "hóa ra, chúng nó đang tra trên mạng".

Đến giờ kiểm tra, nhiều hôm thấy cả lớp làm y xì nhau, có chăng chỉ khác vài từ nối, thầy Hùng ngỡ ngàng khi phát hiện ra, hễ ai tìm được đáp án thì gửi link cho cả lớp chép cùng. "Cứ cái kiểu này, không biết bọn trẻ học được bao nhiêu kiến thức vào đầu. Sự lạm dụng công nghệ thái quá khiến học trò sinh bệnh lười, cái gì cũng chờ trên mạng".

Theo thầy, cần phải nghiêm cấm thế hệ 9X này dùng điện thoại trong giờ học, đặc biệt là những kỳ thi cử. Nếu cứ phụ thuộc vào Internet và những thông tin trên mạng để làm bài, các trò cũng không thể đạt điểm cao.

Hôm coi thi cuối kỳ, thầy Hùng kiên quyết không cho thí sinh mang điện thoại vào phòng thì có đến hơn một nửa thí sinh bỏ cuộc, nộp giấy trắng ra về khi thời gian làm bài mới bắt đầu được 5 phút. "Khi tôi hỏi, chỉ thấy mấy đứa lắc đầu: thầy tịch thu điện thoại thì khác gì chặt tay bọn em, sao bọn em làm bài được nữa". Trao đổi với các đồng nghiệp khác, hóa ra rất nhiều lớp xảy ra tình trạng dùng điện thoại để “quay bài”.

Theo Báo Bưu điện Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn