Học trò Mr. Đàm: ‘Nói nghệ sĩ miền Nam ít học, miền Bắc làm show sao còn mời chúng tôi ra hát?’

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 03/12/2017 10:52:00 +07:00

Nam ca sĩ Triệu Long cho rằng việc nói nghệ sĩ miền Nam ít học, nổi tiếng nhờ truyền thông là không đúng.

Từng ghi dấu ấn với khán giả tại cuộc thi Giọng hát Việt 2015 và là học trò của Đàm Vĩnh Hưng, Triệu Long tạo sự khác biệt khi xuất hiện trên sân khấu với chất giọng trầm ấm áp và tình cảm. Thế nhưng sau cuộc thi, anh lại khá "im hơi lặng tiếng" và mãi cho đến gần đây, nam ca sĩ quyết định tham gia cuộc thi Người kể chuyện tình.

Hẹn gặp phóng viên VTC News tại một quán trà ở trung tâm Sài Gòn, Triệu Long xuất hiện với trang phục chỉn chu và gây thiện cảm cho người đối diện khi có dịp tiếp xúc với anh ở ngoài. Nam ca sĩ có những trải lòng về chặng đường vừa qua cũng như sắp tới của mình.

- Chào Triệu Long, kể từ khi bước ra khỏi cuộc thi Giọng hát Việt, có vẻ bạn khá "im hơi lặng tiếng"?

Sau khi bước ra khỏi cuộc thi Giọng hát Việt 2015, tôi được HLV Đàm Vĩnh Hưng hỗ trợ rất nhiều bởi tất cả những show diễn của anh ấy đều có mặt tôi tham gia. Anh Hưng cũng có nói tôi thực hiện CD nhưng một phần công việc của anh khá bận, việc thu âm cũng chưa được chỉn chu lắm.

Tôi "im hơi lặng tiếng" vì thường đi hát ở các phòng trà nhiều hơn, gần như là hàng đêm tôi đều đứng trên sân khấu và vẫn đang đợi một cơ hội thật tốt để tung sản phẩm.

- Đã 2 năm và Triệu Long vẫn chưa tìm được thời cơ thích hợp cho mình?

Với thị trường âm nhạc hiện nay, ra sản phẩm thực sự không dễ dàng gì bởi theo tôi, một sản phẩm làm ra phải khiến khán giả thích chứ không đơn thuần chỉ làm cho có sản phẩm với người ta. Tôi cũng từng bàn bạc với anh Hưng, anh cũng bảo tôi không được làm bậy bởi có những MV của anh ấy được lên kế hoạch từ 4 năm trước đến năm thứ 4 mới làm.

Thời gian qua, anh Hưng sắp xếp để tôi đi hát ở phòng trà và chỉ cần anh bảo làm, lúc đó sẽ làm ngay.

IMG_6224

Triệu Long.

- Hiện tại, HLV Đàm Vĩnh Hưng hỗ trợ, hướng dẫn bạn ra sao?

Anh Hưng sẽ xem xét những show diễn nào phù hợp với tôi và để tôi đi hát những show đó còn không anh ấy sẽ để tôi tự "bơi" vì hiểu tôi có thể tự làm mọi thứ và bản thân tôi khi nào khó khăn lắm mới phiền đến anh Hưng.

Anh Hưng cũng từng nói tôi, sống trong showbiz "muốn nổi tiếng phải tạo scandal", cái nghề này là vậy. Có lúc anh ấy còn bảo tôi hiền quá trong khi nghề này "phải lúc cong lúc thẳng, lâu lâu phải 'sôi' lên một chút rồi hạ xuống". Bản thân tôi cũng tự thấy mình hiền thật nhưng tôi thích một cuộc sống bình yên.

Anh Hưng có dặn dò tôi, khi nào cần gì cứ nói anh ấy sẽ hỗ trợ hết mình. Chẳng hạn như cuộc thi tôi chuẩn bị tham gia, anh ngỏ lời hỏi tôi có cần giúp gì không nhưng hiện tại tôi vẫn chưa có dự định rõ ràng gì.

- So với các học trò khác của Đàm Vĩnh Hưng, có vẻ Triệu Long không xuất hiện nhiều trên truyền thông?

Tôi theo đuổi dòng nhạc xưa và rất khó để có thể phát triển nhanh như các bạn khác theo đuổi dòng nhạc trẻ. Mặc dù năm nay nhạc xưa lên ngôi nhưng có quá nhiều điều xảy đến với tôi vì vậy tôi mới quyết định đẩy mạnh mọi thứ ở thời điểm hiện tại, tôi muốn sản phẩm ra mắt phải khiến người ta thích chứ không phải dừng ở mức giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Bản thân tôi luôn muốn một khi khán giả thích mình, họ có thể giữ mãi tình cảm đó với ca sĩ Triệu Long. Chẳng hạn chuyện đi hát phòng trà, mục tiêu của tôi là trở thành một cái tên bán vé chứ không phải cái tên đến nghe rồi thôi.

- Triệu Long nghĩ thế nào về câu nói: "Ở Việt Nam chỉ cần cầm mic lên là trở thành ca sĩ?"

Ở thời điểm hiện tại, thông tin đại chúng được lan truyền rất nhanh, nhiều bạn cầm mic lên là có thể hát mọi lúc mọi nơi nhưng khi bạn bước ra một đấu trường lớn mới biết ra sao, ai cầm mic lên mà hát không được, ai cũng biết hát cả nhưng có nhiều người hát dở nhưng người ta không biết mình hát dở.

Là một người trong nghề, đi hát thường xuyên, tôi hiểu rất rõ khi nói chuyện bình thường giọng sẽ khác, cầm mic lên hát lại khác hoàn toàn không giống như khi nói chuyện. Theo tôi, người nói câu đó có gì đó sai sai (cười). Hát thì ai chẳng hát được nhưng quan trọng bước ra sân khấu khán giả có thích mình không, mình hát người ta vẫn cầm điện thoại hoặc có bỏ điện thoại xuống hay không, đó mới là điều quan trọng.

- Thế nhưng, một đàn chị trong nghề cho rằng "ca sĩ miền Nam không học hành nhưng vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông"?

Riêng tôi, tôi không đồng ý với ý kiến này, bạn có thể đi hỏi nghệ sĩ miền Nam, chắc hẳn nhiều người sẽ không đồng ý giống tôi. Nếu nói ca sĩ miền Nam ít học, nổi tiếng nhờ truyền thông, vậy tại sao ngoài Bắc làm chương trình vẫn phải mời ca sĩ miền Nam chúng tôi ra hát?

Ngay đến liveshow của anh Đàm Vĩnh Hưng, anh ấy phải thuê xe tải chở đạo cụ từ Sài Gòn ra tận ngoài Bắc để làm chứ không tin tưởng giao cho người ngoài đó làm toàn bộ. Chỉ đơn giản vậy thôi, còn lại thế nào khán giả sẽ tự nhìn nhận.

IMG_0034

 

 
Nói nghệ sĩ miền Nam ít học, miền Bắc làm show sao còn mời chúng tôi ra hát?

Triệu Long

- Nói về chuyện "im hơi lặng tiếng", lý do gì khiến Triệu Long quyết định tham gia vào Người kể chuyện tình?

Đây là một chương trình kể về những người nghệ sĩ, nói nôm na từ trước tới giờ ít ai biết người nhạc sĩ viết nên ca khúc A ca khúc B trong thời gian nào và ca sĩ như tôi là người kể lại những câu chuyện đó cho khán giả biết, nhập vai vị nhạc sĩ đó tái hiện lại tất cả những điều tạo nên một ca khúc bất kì mọi người vẫn nghe.

Bên cạnh đó, đây cũng là chương trình để tôi đo lường hiệu ứng nhằm có thời gian tốt nhất để tung ra những sản phẩm của mình.

- Tham gia chương trình này cùng ca sĩ Nam Cường, Triệu Long có lo lắng mình bị "lép vế"?

Tôi không mấy lo ngại bởi quan điểm của tôi là làm nghề hết sức mình, không quan tâm quá nhiều đến sức ảnh hưởng của những người em mà chỉ quan tâm việc tiết mục biểu diễn mình mang tới có để lại điều gì trong lòng khán giả hay không.

Một điều lạ là không hiểu tại sao chương trình toàn xếp tôi rơi vào những bài hát cực buồn, có lúc tôi khóc khi thể hiện nó. Thường những ca khúc tôi dự thi sẽ do ban tổ chức tính toán, sắp xếp rồi bàn bạc với tôi trước khi làm.

Có lúc tôi vào vai những nhạc sĩ nghèo, chẳng hạn như nhạc sĩ Trúc Phương sống cô đơn đến hết đời không vợ con nhưng tôi lại thích những lần nhập vai như vậy, tôi muốn mình trở thành những người gần gũi với khán giả nhất.

- Triệu Long tự tin mình mang đến khác biệt gì khi tham gia cuộc thi này?

Khác biệt cũng có nhưng quan trọng cuộc thi này là tình cảm của cả ê kíp chương trình đối với tôi, họ dành cho tôi rất nhiều. Ê kíp rất quý tôi khiến có lúc tôi cảm tưởng mỗi lần mình lên sân khấu người ta sợ mình thi rớt (cười). Tôi nhớ có bạn nói với mình thế này: "Em nghe anh hát em quên hết tất cả mọi thứ".

Đến cả đạo diễn chương trình cũng vậy, ban đầu không có cảm tình với tôi nhưng khi lên tôi lên sân khấu hát, đạo diễn quên hết tất cả, đó là điều hạnh phúc nhất của tôi nhưng đồng thời cũng là khó khăn của bản thân tôi bởi tôi sợ mình không vừa lòng ê kíp mọi người sẽ buồn, ban tổ chức buồn, nhà sản xuất cũng buồn.

- Bạn có đặt kì vọng gì ở bản thân khi tham gia cuộc thi không?

Tôi rất sợ việc mình đặt kì vọng vào một điều gì đó. Đối với tôi cuộc thi này như kể những câu chuyện cho khán giả nghe, kể được bao nhiêu câu chuyện đọng lại trong lòng khán giả hay bấy nhiêu, còn không được nữa coi như câu chuyện của mình kết thúc, những bạn thí sinh còn lại sẽ kể tiếp câu chuyện đó.

Bản thân tôi tới ca khúc nào làm tốt ca khúc đó không mong đợi kết quả ra sao, bởi tôi luôn nghĩ đi thi chỉ cần làm hết mình mà thôi, ngay đến lúc đứng trong vòng nguy hiểm dù có hơi hồi hộp nhưng tôi cũng không thấy lo, quan trọng khi bước ra sân khấu hát khán giả nhớ đến Triệu Long như thế nào.

Chỉ cần khi bước ra khỏi cuộc thi này, tôi sẽ có dấu ấn riêng và khán giả sẽ nhớ đến một Triệu Long của Người kể chuyện tình. Nếu có gì, tôi vẫn chỉ buồn một chút thôi do đó là công sức bỏ ra tuy nhiên, dù sao mình cũng là ca sĩ chứ không phải thí sinh, kết quả có ra sao cũng không ảnh hưởng nhiều, bước ra khỏi cuộc thi mình vẫn có thể đi hát không ảnh hưởng đến ai, không đấu đá với ai.

- Triệu Long có gặp khó khăn gì khi thể hiện những tiết mục như bạn nói không?

Dĩ nhiên là có bởi tôi không chỉ hát mà còn đòi hỏi thoại, diễn kịch trong khi trước giờ tôi đâu biết diễn kịch là gì, nếu đưa lên sân khấu hát còn được. Vì vậy, việc này rất khó khăn với tôi, mỗi khi đạo diễn chương trình đưa một xấp lời thoại dày cộm tôi bắt đầu lo sợ (cười).

- Bạn có từng dự định tìm người hướng dẫn thêm cho mình về mặt diễn xuất?

Khi diễn trên sân khấu sẽ có cố vấn nghệ thuật riêng hướng dẫn cho tôi còn việc học thêm thì không có thời gian nhiều bởi có những bài hát, tôi phải dành rất nhiều thời gian để tập luyện do nó ra đời từ khi tôi còn chưa sinh ra, không thể nào hiểu hết tâm tư trong đó làm sao có thể hát hay được, mà hát không hay lên sóng nó lại thành dở.

Chỉ riêng việc tìm tòi lý do vì sao có ca khúc đó đủ vất vả rồi, chưa tính đến việc phải học thuộc lời... rất nhiều thứ dồn vào một lúc. Các bạn thí sinh khác ít nhiều có kĩ năng diễn xuất còn tôi toàn vào vai những nhạc sĩ khi về già, đôi khi có diễn vai trẻ nữa nhưng không nhiều. Tôi cũng hi vọng mình sẽ tạo được hiệu ứng từ chương trình này để ra mắt sản phẩm của mình.

- Vậy có nghĩa bạn chuẩn bị hết cho các sản phẩm của mình sắp tới?

Tôi thu âm hết và chuẩn bị đầy đủ cho MV cũng như CD sắp tới của mình. Chuyện gì cũng vậy, luôn phải chờ đúng thời điểm, đúng thời cơ của mình để khi bước ra, hiệu ứng sẽ cao hơn. Những năm về trước Bolero rộ lên nhưng sở trường của tôi lại là tình ca, nhạc xưa nên nếu tôi chạy theo trào lưu ra những ca khúc như vậy tôi sẽ "chết ngay".

IMG_6241 3

"Nếu nói ca sĩ miền Nam ít học, nổi tiếng nhờ truyền thông, vậy tại sao ngoài Bắc làm chương trình vẫn phải mời ca sĩ miền Nam chúng tôi ra hát?"

- 3 năm chỉ để chờ đợi một cơ hội, bạn không cảm thấy nó quá dài?

Những ca sĩ khác muốn nuôi hi vọng mà để nuôi hi vọng, phải có chỗ diễn, chỗ hát. Bản thân tôi không quan trọng thời gian bởi may mắn được hát cố định ở 3 phòng trà lớn tại Sài Gòn nên tôi cứ đi diễn hàng đêm và đợi thời cơ phù hợp. Tôi không thường xuất hiện trên truyền thông nhưng vẫn đi hát mỗi đêm bình thường.

Điều tôi quan trọng là khi bước ra, mình sẽ có đủ yếu tố để khán giả nhớ đến mình. Anh Hưng vẫn thường bảo tôi: "Đừng có vội mà vàng, làm gì cũng phải chậm mà chắc, thị trường bây giờ ra đĩa chỉ có bỏ phí". Bởi vậy, tôi thấy ca hát cũng giống như kinh doanh, nghiên cứu thật kĩ để đồng tiền bỏ ra phải tính toán sao cho không phí nhưng nhắm trước mắt chắc chỉ toàn lỗ, lỗ để lấy thương hiệu (cười).

- Độ tuổi của bạn không còn trẻ nữa, bạn có sợ mình bắt đầu quá muộn cho ước mơ ca hát không?

30 tuổi tôi mới bắt đầu làm nghề, cũng chưa bao giờ lo thời gian sau này mình sẽ ra sao, cuộc sống mình như thế nào bởi chỉ riêng việc đi hát hằng đêm cũng đủ nuôi sống tôi rồi.

Khi duyên đến, mình làm được cho khán giả những gì mình sẽ làm cái đó bởi dòng nhạc của tôi 20 năm nữa tôi vẫn có thể hát bình thường, không lo mình bị quên lãng, điều này khác hẳn với những nghệ sĩ trẻ hát nhạc trẻ phải đi theo thị hiếu khán giả. Việc tôi tham gia Người kể chuyện tình cũng là cách xem thử khán giả đón nhận mình đến mức nào.

- Triệu Long có thể chia sẻ về những dự án sắp tới?

Sắp tới, tôi sẽ cho ra mắt một CD các ca khúc của những nhạc sĩ xưa như Châu Kỳ, Trúc Phương, Ngô Thụy Miên... và tiếp đó, trong vòng 2 tháng có thể là một MV của ca khúc tôi tâm đắc nhất trong CD. Đối với phần hình ảnh, tôi dự định sẽ tái hiện lại Sài Gòn xưa và kịch bản có rồi, chỉ đợi ngày bấm máy thôi. Tôi muốn đi chậm mà chắc, không làm liều.

- Xin cám ơn Triệu Long về những chia sẻ trên!

Video: Đàm Vĩnh Hưng nhận mình bảo thủ để bảo vệ học trò

Chu Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn