Học trò miền núi Quảng Nam 'hô biến' rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 16/11/2021 14:15:40 +07:00
(VTC News) -

Từ phế liệu tưởng chừng bỏ đi như chai nhựa, vỏ lon…, học trò ở miền núi Nam Trà My, Quảng Nam tái chế thành những lọ hoa, kệ đựng sách, bóng đèn trong lớp học.

Không những vậy, các em còn thu gom rác thải trong trường để làm phân hữu cơ, vừa bón cho cây xanh, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Những ngôi trường không rác nhựa

"Ô nhiễm môi trường đang gặm nhấm dần mòn cuộc sống của chúng ta và để lại những hậu quả khó lường cho mai sau. Do vậy, ngưng dùng đồ nhựa một lần, túi ni lông một lần chính là cách bảo vệ tương lai của chúng ta" – những lời giảng của thầy Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH, THCS Trà Nam, huyện Nam Trà My,  trong mỗi tiết chào cờ đã “ăn sâu” vào trí nhớ của học trò.

Học trò miền núi Quảng Nam 'hô biến' rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích - 1

Một góc thư viện trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH, THCS Trà Nam được trang trí từ các sản phẩm tái chế.

Hơn một năm nay, trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH, THCS Trà Nam là một trong những nơi mà phong trào "nói không với đồ nhựa dùng một lần, rác thải nhựa không vào trường học" được các thầy cô "quán triệt" đến từng học sinh. 

Hằng ngày, các em sử dụng chai nước thuỷ tinh đi học, không mang đồ ăn, quà vặt và nước uống trong các bao ni lông, hộp xốp. Ngoài ra, trường còn thành lập câu lạc bộ “khéo tay hay làm”. Đây là sân chơi phát huy sự sáng tạo, khả năng biết tận dụng của học sinh nhằm tạo ra những sản phẩm tái chế. Qua đó, nâng cao nhận thức của học sinh và người dân về tác hại của rác thải cũng như giá trị của những sản phẩm được tái chế từ rác.

Những giỏ hoa xinh xinh, hộp đựng bút bé xíu hay kệ sách trang trí trong lớp học, thư viện trường đều được các em sáng tạo ra từ những vật dụng bỏ đi, có hại cho môi trường xung quanh.

Tất cả học sinh trong trường đều thuộc làu bài học: “Bạn hãy cắt lấy phần thân chai, sau đó đính chúng gọn gàng ở một góc phòng. Giờ đây bạn không phải loay hoay lục tung căn phòng để tìm dao kéo, kim chỉ, hay những vật dụng nhỏ”. 

Theo thầy Võ Đăng Chín, để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học, nhà trường áp dụng hai hình thức: Một là sử dụng hình ảnh, tài liệu trực quan sinh động về rác thải, sơ đồ thu gom, tập trung tuyên truyền tác hại của rác thải đến môi trường trong các buổi chào cờ; hai là tổ chức các hoạt động ngoại khoá để các em có thể trải nghiệm, thực hành và đi đến hành động cụ thể.

Học trò miền núi Quảng Nam 'hô biến' rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích - 2

Học sinh ở các xã trên địa bàn huyện Nam Trà My thường xuyên tham gia các cuộc thi làm đồ dùng bằng rác thải nhựa.

Thời gian qua, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Don cũng đều đặn tổ chức các cuộc thi làm đồ dùng bằng rác thải nhựa nhằm tạo thói quen cho học sinh thay đổi hành vi, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Mỗi khi nhà trường tổ chức cuộc thi, học sinh đều tích cực hưởng ứng và "khai sinh" nhiều sản phẩm đẹp mắt như lọ hoa bằng que kem, ngôi nhà ống hút, hộp đựng phấn từ hộp sữa, giỏ hoa từ chai nhựa. Bằng đôi bàn tay khéo léo, các loại rác thải thay vì bị vứt vào sọt rác thì nay được "hô biến" thành những vật dụng xinh xắn, tiện ích.

Xây dựng trường học xanh

Với đặc điểm là địa phương ở miền núi nên công tác thu gom rác ở Nam Trà My còn gặp nhiều khó khăn. Để giảm thiểu việc đốt rác, các trường học còn tổ chức phân loại rác thải tại nguồn. Những loại rác hữu cơ được các em học sinh phân loại và tận dụng làm phân hữu cơ, vừa bón cho cây dược liệu, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Học trò miền núi Quảng Nam 'hô biến' rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích - 3

Từ sân trường tới phòng học luôn sạch sẽ, ngăn nắp trong sự thích thú của học sinh.

Nhờ vậy, những ngôi trường ở miền núi Nam Trà My đã trút bỏ được một gánh nặng về rác thải. Từ sân trường tới phòng học luôn sạch sẽ, ngăn nắp trong sự thích thú của học sinh. 

“Trong các tiết chào cờ hay các tiết học chính, nhà trường đều chỉ đạo giáo viên lồng ghép, tích hợp nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình. Tôi tin, tất cả học trò sẽ thay đổi nhận thức, sau này các em sẽ khác chúng ta hiện nay, đó mới là điều lâu dài” - thầy Chín chia sẻ.

Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My, cho biết, hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường nên ngay từ đầu năm học, lãnh đạo Phòng Giáo dục đã chỉ đạo cho các trường, hướng dẫn cho các em học bảo vệ môi trường xung quanh mình cho thật tốt, ví dụ như giảm bớt sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã chuyển từ bình nước sử dụng chai nhựa dùng một lần sang dùng chai thủy tinh đựng nước lọc sử dụng hằng ngày. Riêng các trường sử dụng các tiết học ngoại khóa tổ chức các lớp chuyên đề giảng dạy cho học sinh lối sống thân thiện, ứng xử tử tế với môi trường.

“Hiện có nhiều trường cũng đã triển khai phong trào chống rác thải nhựa. Thời gian đến, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình sống xanh này đến các trường nhằm hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn”, thầy Thuận nói.

TRẦN ANH
Bình luận
vtcnews.vn