Học sinh phải đóng những khoản tiền nào đầu năm học mới?

Giáo dụcThứ Sáu, 13/09/2019 06:37:00 +07:00

Năm học 2019-2020, ngoài tiền học phí, học sinh tại Hà Nội sẽ phải đóng thêm một số khoản như bảo hiểm y tế, tiền phục vụ bán trú, tiền học thêm.

Năm học mới 2019-2020, Hà Nội sẽ tăng học phí đối với cấp học mầm non (không bao gồm mầm non 5 tuổi), THPT, Giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Với khu vực thành thị, mức thu học phí là 217.000 đồng/tháng, khu vực nông thôn là 95.000 đồng/tháng, khu vực miền núi là 24.000 đồng/ tháng.

Với cấp học mầm non 5 tuổi, THCS, Giáo dục thường xuyên cấp THCS mức thu học phí năm học 2019-2020 giữ nguyên như năm học trước, khu vực thành thị vẫn là 155.000 đồng/ tháng; khu vực nông thôn là 75.000 đồng/tháng và khu vực miền núi là 19.000 đồng/ tháng.

hoc-phi

 Mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục ở Hà Nội năm học 2019-2020.

Ngoài học phí, theo quyết định của UBND TP Hà Nội, học sinh các trường công lập phải đóng góp tiền phục vụ bán trú, tiền học 2 buổi/ ngày, tiền bảo hiểm y tế, tiền học phẩm...

Tiền phục vụ bán trú

Mức thu tiền ăn (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) theo thỏa thuận của phụ huynh với nhà trường. Tiền chăm sóc bán trú  tối đa 150.000 đồng/ học sinh/ tháng.

Tiền trang thiết bị phục vụ bán trú tối đa 150.000 đồng/ học sinh/ năm đối với học sinh mầm non, 100.000 đồng/học sinh/năm đối với học sinh tiểu học và THCS.

Số tiền trên sẽ được chi cho bữa ăn của học sinh tại trường; bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ công tác bán trú; trang bị cơ sở vật chất như giường, chiều, chăn, khăn mặt, bát, đĩa, xoong, nồi, bếp gas…

Tiền học 2 buổi/ngày

Mức thu với học sinh tiểu học tối đa 100.000 đồng/ học sinh/ tháng. Với học sinh trung học cơ sở tối đa 150.000 đồng/học sinh/tháng.

giao-vien-day-gioi 2

Năm học mới, ngoài học phí, phụ huynh phải đóng nhiều khoản tiền khác.

Khoản tiền này sẽ dùng để bồi dưỡng giáo viên trực tiếp tham gia dạy 2 buổi/ngày, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ và phúc lợi tập thể, mua sắm văn phòng phẩm, đồ dùng học tập, điện, nước, vệ sinh…

Tiền bảo hiểm y tế học sinh

Tiền bảo hiểm y tế học sinh năm 2019-2020 là 46.935 đồng/ tháng.

Tiền học phẩm

Đây là khoản thu chỉ áp dụng đối với học sinh mầm non tại các trường công lập, nhằm trang bị các loại vở, học liệu để giúp trẻ tham gia các hoạt động giáo dục theo chương trình học. Mức thu: 150.000 đồng/ học sinh/ năm học.

Tiền nước uống học sinh

Để mua nước uống tinh khiết phục vụ học sinh, phụ huynh phải đóng 12.000 đồng/ tháng đối với học sinh tất cả các cấp học (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên).

 Tiền quần áo đồng phục, phù hiệu

Phụ huynh học sinh và Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu được thu trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường.

Tiền học thêm

Tiền học thêm với cấp THCS: Dao động từ 6.000 đồng - 26.000 đồng/ học sinh/ tiết, tùy số lượng học sinh.

Tiền học thêm với cấp THPT: Dao động từ 7.000 đồng - 32.000 đồng/ học sinh/ tiết.

IMG_7785

Học sinh THPT học thêm. (Ảnh minh họa)

7 khoản tiền Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu

7 khoản tiền không được phép thu, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn