Học sinh lập Facebook cho vua Quang Trung

Giáo dụcThứ Sáu, 16/09/2016 14:45:00 +07:00

Thay vì học Lịch sử một cách khô khan, các bạn học sinh lớp 9 trường Phổ thông Liên cấp Olympia (Hà Nội) nghĩ ra cách thể hiện nội dung bài học dưới giao diện một trang Facebook.

Ảnh chụp ghi lại một phương pháp học dưới dạng trình bày giống như giao diện một trang facebook được chia sẻ trên mạng xã hội. Cụ thể, nội dung bài học liên quan đến nhân vật lịch sử Quang Trung - Nguyễn Huệ. Các bạn học sinh đã lập nên một trang facebook mang tên vị anh hùng này.

Học sinh Hà Nội học Lịch sử về vua Quang Trung bằng hình thức thể hiện dưới dạng giao diện một trang facebook.

Học sinh Hà Nội học Lịch sử về vua Quang Trung bằng hình thức thể hiện dưới dạng giao diện một trang facebook.

Các thông tin về nhân vật được trình bày một cách khá khoa học ở những tiểu mục nhỏ giống như một tài khoản facebook trên internet.

Chẳng hạn, phần profile (tiểu sử), học sinh điền đầy đủ năm sinh, ngôi vị, quê quán và cả mối quan hệ của vị Hoàng đế thứ hai nhà Tây Sơn.

Video: Học sinh trả lời "sốc" về vua Quang Trung

Trên dòng thời gian (Timeline) xuất hiện những sự kiện đã được lịch sử ghi nhận: Tin quân Thanh ở làng Hạ Hồi, Quang Trung đại phá quân Thanh, Quang Trung lên ngôi hoàng đế nước Đại Việt... Đi kèm với những bài viết này còn thể hiện số like để thêm phần sinh động.

Timeline Facebook vua Quang Trung này là sản phẩm nằm trong hoạt động đọc hiểu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia Văn Phái) trong chương trình Ngữ Văn lớp 9 của học sinh Trường Phổ thông Liên cấp Olympia Hà Nội. Người ra đề là cô giáo Ngô Thị Thu Giang -  giáo viên môn Ngữ văn của trường.

Cô Thu Giang cho biết, lớp học được chia làm 3 nhóm với ba nhiệm vụ tương ứng với các sản phẩm: Dòng thời gian tóm tắt sự kiện trong cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung ra Thăng Long (hình thức học sinh tự chọn); Tìm hiểu về hình tượng vua Quang Trung (sơ đồ tư duy); Tìm hiểu về lời phù dụ của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (bảng).

Là người trực tiếp hướng dẫn học sinh, cô Giang đánh giá cao tính sáng tạo, khả năng biểu đạt, đọc hiểu của học sinh.

Học sinh Doãn Hoàng Nhi, đại diện nhóm tác giả chia sẻ: "Bọn mình thấy đây là cách học thú vị, dễ ghi nhớ và hệ thống kiến thức dễ dàng. So với đọc văn bản đơn thuần, cách học này trực quan, ngắn gọn và tạo hứng thú đọc hơn nhiều".

Video: Chiến tranh biên giới 1979 chỉ được đưa vào 11 dòng trong sách giáo khoa Lịch sử

Cô Phạm Thị Minh An, Hiệu trưởng trường THPT Olympia cho biết: "Tại Olympia,học sinh được khuyến khích tư duy phản biện và sáng tạo thông qua các hình thức thể hiện khác nhau, đảm bảo tiêu chí đánh giá đa dạng dựa trên năng lực học sinh. Đây cũng không phải là năm đầu tiên học sinh Olympia sử dụng hình thức này để thể hiện kiến thức".

Ngay khi chia sẻ, phương pháp học Lịch sử thú vị này nhận được phản hồi tích cực của nhiều người xem. "Không cần phải rườm rà, khuôn sáo..., cách học này thể hiện sự thú vị, kích thích được sự tò mò của học sinh và hơn hết là tạo được sự hứng thú. Tôi ủng hộ cách học sáng tạo này của các em", bạn Minh Đăng chia sẻ.

(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn