Học sinh được quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh 1,8 tỷ đồng

Sức khỏeThứ Sáu, 31/08/2018 17:12:00 +07:00

Đây là mức thanh toán BHYT lớn nhất từ trước đến nay dành cho 1 học sinh.

Tại Hội nghị cung cấp thông tin về BHXH, BHYT định kỳ tháng 8/2018 do BHXH Việt Nam tổ chức sáng 29/8, tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) Đàm Hiếu Trung cho biết, trong niên học 2017-2018, quỹ BHYT đã thanh toán chi phí KCB BHYT cho 237 trường hợp HSSV với số tiền từ 200 triệu đồng trở lên, đặc biệt trong đó có một học sinh ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả 1,8 tỷ đồng chi phí KCB. 

Đối với trường hợp này, ông Đàm Hiếu Trung cho biết, học sinh này bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, phải dùng các thuốc chuyên khoa, đặc trị, trong đó có thuốc Kedrigamma - nhập khẩu từ nước ngoài. Trải qua 06 đợt điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, học sinh này đã được chi trả với tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng, trong đó, riêng tiền thuốc Kedrigamma được quỹ BHYT thanh toán khoảng 720 triệu đồng.

f5d8201bcbbdf0ef0f1d458245e012e1

 Học sinh được quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh 1,8 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

"Trường hợp này chưa phải là mức chi trả KCB cao nhất của quỹ BHYT, nhưng là mức chi trả cao nhất đối với đối tượng HSSV trong thời gian qua", ông Trung cho biết.

Về mức đóng BHYT theo quy định của Luật BHYT cho đối HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, nhà trường (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác) bằng 4,5% mức lương cơ sở; trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, HSSV chỉ đóng 70% còn lại. HSSV được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.

Riêng với đối tượng HSSV thường trú, tạm trú có thời hạn trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà không có cơ sở KCB tuyến xã, huyện hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc KCB ban đầu thì được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, Trung ương sau khi có văn bản của Giám đốc BHXH và Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố.

Với tấm thẻ BHYT, các em HSSV khi không may bị ốm đau, bệnh tật, phải đến bệnh viện sẽ giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Đây chính là tính ưu việt, nhân văn của chính sách BHYT nói chung và với đối tượng HSSV nói riêng.

Thu Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn