Học sinh bị 231 cái tát, TS Vũ Thu Hương: ‘Hình thức bạo lực như hành hình thời Trung Cổ'

Giáo dụcThứ Ba, 27/11/2018 06:50:00 +07:00

"Hình thức bạo lực mà học sinh ở Quảng Bình phải chịu giống như bị hành hình thời trung cổ, khi mọi người đều xông vào ném đá một người, điều này khiến các em cảm thấy không an toàn trong môi trường sống của chính mình", TS Vũ Thu Hương nói.

TS Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ với VTC News về những nhận định trong vụ giáo viên bắt cả lớp tát 231 cái khiến học sinh nhập viện, trong đó nhấn mạnh đến chất lượng giáo viên, bệnh thành tích và hậu quả nặng nề của bạo lực học đường, từ đó đưa ra khuyến nghị cho ngành giáo dục.

Kiến thức của giáo viên không những kém mà đạo đức cũng có vấn đề

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc giáo viên trường THCS Duy Ninh bắt cả lớp tát một học sinh 231 cái khiến em này phải nhập viện. Theo tôi, sự việc này thể hiện kỹ năng và kiến thức của cô giáo rất kém.

Thứ nhất, để dạy trẻ, để chúng nghe lời và làm theo những gì mình yêu cầu, hoàn toàn không cần sử dụng bạo lực, không cần quát mắng, thậm chí không phải sử dụng mệnh lệnh. Thực chất, khi cô giáo sử dụng quyền lực như vậy thường trẻ rất sợ, trẻ sẽ tỏ ra là ngoan, là lắng nghe nhiều hơn là lắng nghe thực sự. Nếu là một giáo viên có kiến thức và kỹ năng tốt sẽ không cần sử dụng biện pháp bạo lực.

Thứ hai, giáo viên này không những có kỹ năng kém, kiến thức kém mà đạo đức cũng kém. Khi biết rằng mạng xã hội và cư dân nói chung phản đối vấn đề bạo lực thì hình thức bạo lực trẻ mới đã được thực hiện bằng cách là sử dụng người khác (ở đây là các học sinh cùng lớp) để bạo lực trẻ.

Thứ ba, vụ việc phản ánh bệnh thành tích, bệnh hình thức rất nặng nề. Điều này thể hiện rất rõ ở lời chia sẻ của cô Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nếu chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân thì toàn bộ công sức của tập thể nhà trường sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

Việc này rõ ràng thể hiện rằng họ quan tâm đến hình thức, thành tích chứ không hề quan tâm đến giáo dục trẻ.

Không cần biết trường đạt chuẩn hay không thì mục tiêu cuối cùng của trường cũng là giáo dục trẻ, không phải vì thành tích họ có thể làm nhiều thứ tồi tệ như vậy.

Hậu quả để lại cho học sinh vô cùng lớn

Việc sử dụng bạo lực với trẻ đã gây ra một môi trường phản giáo dục trong môi trường giáo dục. Sử dụng hành động bạo lực để trấn áp một hành vi mà cô cho là không ổn, việc này đã và sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả.

Hậu quả thứ nhất với em học sinh bị tát. Mọi người sẽ nghĩ em chỉ bị đau đớn về cơ thể. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quan trọng nhất, vì thông thường nếu như không để lại quá nhiều hậu quả thì cơn đau trong cơ thể sẽ chấm dứt.

Nhìn lại hình thức bạo lực mà em học sinh này phải chịu, nó giống như bị hành hình thời trung cổ, khi mọi người đều xông vào ném đá một người vậy. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý của trẻ, khiến cho em này cảm thấy không an toàn trong môi trường sống của chính mình.

Hậu quả lớn hơn lại không nằm ở em học sinh đó mà lại nằm ở các em tham gia vào câu chuyện này. Vì có những em học sinh rất thích bạo lực, khi thấy bạo lực diễn ra ở lớp như vậy thì các em sẽ cảm thấy “À, cô giáo cho phép!”. Điều này gần giống như việc cô giáo đang cổ vũ bạo lực và hung tính có thể sẽ phát triển nặng hơn.

Còn đối với những em học sinh cả đời không bao giờ đánh ai, không thể chấp nhận được việc bạo hành mà bị bắt phải đánh bạn. Sau sự việc, các em sẽ cảm thấy dơ bẩn, không sạch sẽ, không tử tế và nhiều khi sẽ cảm thấy suy sụp. Tâm lý của các em là mình làm một việc vô cùng xấu, giống như đã nhúng chàm vậy.

Ảnh hưởng tâm lý này hoàn toàn có thể dẫn đến việc sau này các em có thể sẽ bạo hành một người khác một cách dễ dàng hơn.

Cô giáo này bằng một biện pháp cực kỳ tàn bạo đã gây ảnh hưởng vô cùng lớn tới các em học sinh tham gia vào câu chuyện này.

Trong quá trình dạy học, có lúc phải tiếp xúc với những em học sinh gọi đến 10 lần cũng không thưa, giáo viên yêu cầu làm gì cũng không làm. Giáo viên có cảm giác như các em không hiểu gì và không thể lắng nghe những điều mình nói. Trong những trường hợp như vậy, quả thực giáo viên rất dễ bạo hành, quát mắng.

Tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp tâm lý thì chỉ sau khoảng 5 đến 10 phút là các em học sinh có thể tuân thủ theo những gì giáo viên nói. Có thể kết luận rằng, khi giáo viên họ phải sử dụng bạo lực có nghĩa là họ hoàn toàn bất lực rồi. Họ không có khả năng điều khiển trẻ em bằng các biện pháp khác.

 Bộ Giáo dục phải tổ chức tập huấn một cách thực chất

TS_Vu_Thu_Huong

TS_Vu_Thu_Huong

Ở một lớp tập huấn, cả trường tham gia đầy đủ, giáo viên ngồi ngáp ở dưới còn chuyên gia thì nói ở trên.

TS Vũ Thu Hương

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa ra Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể giáo viên sẽ bị phạt tiền đối với hành vi bạo lực học sinh.

Có thể nói rằng các xử phạt này là vô giá trị. Câu hỏi đặt ra là: "Bộ giáo dục làm thế nào để giáo viên nâng cao kiến thức, kỹ năng và cả đạo đức trong câu chuyện này chưa?".

Chẳng một hình phạt nào có thể giúp đỡ được câu chuyện này giảm đi khi trình độ của những giáo viên này quá kém.

Với những giáo viên có trình độ kém như vậy, Bộ GD-ĐT lại không có chế tài gì trong việc đào tạo, nâng cao trình độ. Việc đi tập huấn tưởng chừng sẽ giúp nâng cao tay nghề của giáo viên nhưng thực chất lại được thực hiện một cách rất hình thức.

Ở một lớp tập huấn, cả trường tham gia đầy đủ, giáo viên ngồi ngáp ở dưới còn chuyên gia thì nói ở trên. Nếu chuyên gia nói hay thì họ nghe, còn nếu chuyên gia nói dở thì họ bỏ qua. Và sau đó họ vẫn có thể đi dạy bình thường.

Bản thân là một chuyên gia giáo dục thường kêu gọi giáo viên đi học các lớp nâng cao kỹ năng điều khiển trẻ, kỹ năng làm việc với phụ huynh, kỹ năng giáo dục trẻ không dùng bạo lực. Nhưng hầu như không có giáo viên nào đăng ký bởi vì họ không cảm thấy cần phải đi học. Họ không cảm thấy việc tập huấn ảnh hưởng đến công việc của họ.

Bộ Giáo dục phải đưa ra những đợt tập huấn liên tục và giáo viên phải được tập huấn liên tục. Bên cạnh đó, phải có chế tài để bắt buộc giáo viên phải đi học, phải tham gia học một cách thật sự, thi thật sự thì lúc đấy tay nghề họ mới thực sự được nâng cao.

Việc tập huấn hiện nay bị cho là một việc gây khó khăn cho giáo viên nhiều hơn là giúp ích cho họ, thì tất nhiên họ sẽ không tham gia. Và nếu với trình độ và kỹ năng như vậy thì dù có đưa ra 1000 các chế tài họ vẫn vi phạm bình thường.

Giải quyết mối quan hệ gia đình - nhà trường

Giới giáo viên đang hình thành những suy nghĩ rất không sư phạm là ăn miếng trả miếng với phụ huynh và với cấp trên. Nguyên nhân là do họ cảm thấy mình giống như người giúp việc của phụ huynh hơn là nhà giáo. Xã hội không tôn trọng họ, không quan tâm đến cuộc sống của họ. Rất nhiều phụ huynh nói với giáo viên rằng: “Ai bảo thích làm nhà giáo, làm nhà giáo thì đương nhiên phải nghèo”.

Nhiều người họ miệt thị giáo viên, cho rằng đa số các giáo viên công lập đều tồi tệ và tham tiền. Những đánh giá như thế mang tính xúc phạm, rõ ràng sẽ khiến người giáo viên không muốn tồn tại ở trong môi trường giáo dục nữa.

Vì vậy, cần phải có những chế tài bảo vệ giáo viên để phụ huynh không can thiệp vào chuyên môn và cuộc sống của giáo viên, phải tạo điều kiện tối đa cho giáo viên làm việc. Có nhiều trường, phụ huynh hay vào lớp dự giờ và đưa ra nhiều ý kiến khiến việc giảng dạy của giáo viên bị ảnh hưởng.

Tất cả những cái này phải là sự phối kết hợp giữa các bên, để cho người giáo viên có một cuộc sống thực sự thoải mái thì lúc đấy chúng ta mới có thể yêu cầu họ được.

Giáo dục Việt Nam như miếng chăn vá

Thực tế cho thấy, sinh viên sư phạm ra trường rất khó tìm được việc làm, áp lực công việc từ nhà trường, phụ huynh và sở giáo dục lại cao, mức lương và điều kiện sống thấp… Vì vậy, chẳng ai muốn thi vào các trường sư phạm, khiến điểm thi đầu vào của các trường này đều thấp.

Điểm thi đầu vào thấp như vậy dẫn đến chất lượng của giáo viên không cao. Việc đánh trẻ là do kỹ năng của giáo viên kém, không phải do họ muốn làm thế.

Nếu như nghề nhà giáo được tôn trọng, điều kiện sống của giáo viên ổn định, có sự cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm, người giáo viên sẽ thực hiện rất tốt công việc của mình. Khi nghề giáo được đề cao, cuộc sống của giáo viên trở nên hấp dẫn, thì khả năng cạnh tranh để có thể trở thành giáo viên sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc muốn trở thành giáo viên mỗi người phải cố gắng hơn rất nhiều, về kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm.

Giáo dục hiện nay giống như một miếng chăn vá. Chúng ta cứ vá lung tung, thủng chỗ này ta vá, thủng chỗ kia ta cũng vá. Nhưng vá chỗ này sẽ thủng chỗ khác. Cần phải có các biện pháp song song, vừa có chế tài xử phạt nghiêm.

Giáo dục Việt Nam giờ rất cần một triết lý nghiêm chỉnh, một hướng đi lâu dài và môi trường giáo dục cần được thay đổi để đảm bảo cuộc sống an toàn và lành mạnh cho cả giáo viên và học sinh.

Ngoài ra, các chế tài xử phạt cũng cần được quy định và áp dụng nghiêm khắc. Nếu giáo viên động vào trẻ hoặc có những vi phạm trong môi trường giáo dục, xin mời giáo viên ra khỏi ngành. Còn nếu muốn ở trong ngành, giáo viên phải thật sự nghiêm túc khi tham gia vào các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng.

>>> Đọc thêm: Cô giáo bắt cả lớp tát bạn 231 cái: Vết nhơ khó xoá của ngành giáo dục

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn