Học sinh bậc THPT nên học chữ Hán

Giáo dụcThứ Hai, 05/09/2016 13:08:00 +07:00

Nguyên Trưởng Khoa Ngôn ngữ học ĐHKHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho rằng nên dạy khoảng 1.000 chữ Hán cho học sinh THPT để người Việt biết ý nghĩa và cách sử dụng các từ ngữ gốc Hán trong tiếng Việt.

Cuộc tranh luận về việc "Có nên dạy chữ Hán cho học sinh hay không?" vẫn đang diễn ra khá sôi nổi, thậm chí có phần căng thẳng trên các trang báo và diễn đàn mạng, liên quan không chỉ đến các vấn đề chuyên môn (ngôn ngữ học, Hán Nôm) mà cả phi chuyên môn (quan điểm chính trị, quan hệ cá nhân).

Nhiều trường hợp do không thống nhất với nhau về khái niệm, nội dung tranh luận nên dẫn đến tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt".

Trong bài viết này, tôi xin tóm lược lại và làm rõ thêm mấy nội dung liên quan đến các vấn đề chuyên môn đang tranh luận. Các nội dung phi chuyên môn xin phép không bàn ở đây.

1. Trong vấn đề đang tranh luận ("Có nên dạy chữ Hán cho học sinh hay không?"), khái niệm "chữ Hán" ở đây cần được hiểu thế nào?  Qua các bài viết thảo luận trực tiếp vấn đề này của Cao Xuân Hạo, Nguyễn Đình Chú, Lê Xuân Thại, Đoàn Lê Giang và nhiều tác giả khác..., khái niệm "chữ Hán" ở đây phải được hiểu là chữ Hán trong các văn bản cổ (thường được gọi là chữ Nho), mà Trung Quốc gọi là văn ngôn.

Theo nghĩa rộng này, "chữ Hán" không chỉ là các "chữ Hán" theo nghĩa hẹp (cách viết các từ tiếng Hán thành chữ/tự) mà cả quy tắc ngữ pháp của tiếng Hán văn ngôn và cách phát âm Hán - Việt của chữ Hán văn ngôn trong tiếng Việt.

Và học "chữ Hán" không chỉ là học để biết cách đọc, viết và hiểu nghĩa các từ mà phải học cách viết, đọc và hiểu các văn bản.

Ví dụ, phải viết, đọc, hiểu được văn bản "Nam Quốc sơn hà"  bằng chữ Hán dưới đây:

南國山河南帝居,

截然分定在天書。

如何逆虜來侵犯,

汝等行看取敗虚。

Phiên âm Hán-Việt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

(Bản ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: nguồn Wikipedia)

Như vậy, các ý kiến bàn về việc có nên dạy chữ Hán hay tiếng Hán hiện đại (còn gọi là tiếng Hoa, tiếng Trung) như một ngoại ngữ cho học sinh phổ thông hay không không thuộc nội dung thảo luận này.

Thăm dò ý kiến: Có nên dạy chữ Hán trong trường phổ thông?

2. Về lý do nên hay không nên dạy chữ Hán (văn ngôn) cho học sinh ý kiến các bên khác biệt nhau chủ yếu ở ba điểm sau đây:

a) Về vai trò của chữ Hán đối với sự phát triển của xã hội và cá nhân: Một số người ủng hộ việc dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông cho rằng chữ Hán ưu việt hơn các loại hình văn tự khác đối với sự phát triển của xã hội và cá nhân.

Bằng chứng họ đưa ra là các nước hiện vẫn dùng và dạy chữ Hán ở những mức độ khác nhau như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay có kinh tế và khoa học phát triển, còn Việt Nam kém phát triển vì đã từ bỏ việc sử dụng và giảng dạy tiếng Hán.

Các ý kiến phản đối cho rằng cách giải thích trên là không thuyết phục. Bằng chứng là các nước này (và cả Việt Nam) đã sử dụng chữ Hán hàng ngàn năm, nhưng trước khi mở cửa với phương Tây (và học thêm các ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp) vẫn là các nước lạc hậu.

Các nước này chỉ thực sự phát triển sau khi mở cửa, tiếp thu các thành tựu khoa học, kỹ thuật của phương Tây (chủ yếu thông qua các ngoại ngữ châu Âu), và nước nào mở cửa càng sớm thì mức độ phát triển về kinh tế, khoa học càng cao hơn, cụ thể là: Nhật Bản > Hàn Quốc > Trung Quốc> Việt Nam.

pgs nguyen hong con

 

PGS-TS Nguyễn Hồng Cổn, nguyên là Trưởng khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội). Ông còn là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Paris 7, (Pháp) và Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc).

b) Về vai trò của chữ Hán đối với việc tiếp nhận, bảo tồn kho tàng tri thức văn hóa của dân tộc. Các ý kiến ủng hộ việc dạy chữ Hán trong trường phổ thông cho rằng phần lớn kho tàng tri thức văn hóa dân tộc được lưu trữ dưới dạng các văn bản chữ Hán và chữ Nôm, vì vậy nếu không biết chữ Hán (và chữ Nôm) thì người Việt Nam sẽ trở nên "bị mù chữ ngay trên quê hương mình".

Mặc dù cũng thừa nhận vai trò quan trọng của chữ Hán (và chữ Nôm) đối với việc tiếp nhận, bảo tồn nền văn hóa dân tộc nhưng một số ý kiến phản đối cho rằng yêu cầu tất cả mọi người Việt Nam, trước hết là học sinh phải học chữ Hán (và chữ Nôm) để đọc và hiểu được các văn bản Hán (Nôm) cổ là một việc quá khó, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và nguồn nhân lực, có thể nói là bất khả thi.

Vì vậy, theo họ vệc cần làm hơn là đào tạo một đội ngũ chuyên gia Hán - Nôm chuyên nghiệp để dịch các văn bản này sang tiếng Việt, giúp những người không biết chữ Hán, chữ Nôm hiểu được giá trị nội dung, nghệ thuật của các trước tác Hán - Nôm cổ.

c) Về vai trò của chữ Hán đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Các ý kiến ủng hộ việc dạy chữ Hán cho rằng người biết chữ Hán sẽ dùng tiếng Việt tốt hơn và tránh được những lỗi thường gặp trong việc sử dụng tiếng Việt (đặc biệt là từ ngữ Hán - Việt).

Thậm chí có người quy hết các lỗi dùng sai tiếng Việt cho nguyên nhân không biết chữ Hán và kêu gọi "cần phải học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt".

Phản đối lại quan niệm này nhiều người khẳng định việc biết hay không biết chữ Hán không ảnh hưởng đến khả năng sử dụng tiếng Việt, và nếu có ảnh hưởng thì cũng ở phạm vi rất hạn chế là có thể sử dụng không đúng một số từ ngữ Hán Việt.

Để khắc phục hạn chế này, theo họ, chỉ cần dạy học sinh biết ý nghĩa và cách dùng các từ ngữ Hán Việt, cách tra cứu từ điển tiếng Việt, chứ không nhất thiết phải học cách đọc, viết chữ Hán.

Ngoài ra, hàng loạt các lỗi sử dụng tiếng Việt khác (như các lỗi phát âm, chính tả, ngữ pháp, dùng sai từ ngữ thuần Việt....) thì chẳng liên quan gì đến việc biết hay không biết chữ Hán.

Vì vậy khẳng định "học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" là một khẳng định có phần "đại ngôn".

nam quoc son ha

Một phần đáng kể lịch sử và văn hóa Việt còn nằm trong những di sản Hán, Hán - Nôm - Minh họa: Internet 

3. Không đồng ý với lý do thứ nhất, nhưng tán đồng một phần với các lý do thứ hai và ba, tôi cho rằng việc học và biết thêm chữ Hán là cần thiết không phải vì nó "ưu việt" hơn chữ quốc ngữ mà vì nó giúp cho chúng ta hiểu biết thêm về tiếng Việt và vốn văn hóa cổ của dân tộc, và vì vậy cũng giúp học tập, nghiên cứu, làm việc và giao tiếp tốt hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền giáo dục Việt Nam hiện nay (chương trình học đã khá nặng), việc học chữ Hán nói chung và cho học sinh học chữ Hán nói riêng ở mức độ nào và bằng cách nào để khỏi quá tải cho học sinh và không lãng phí thời gian, công sức của xã hội (vì học mà không sử dụng) là vấn đề cần thảo luận.

a) Theo tôi, xét theo mức độ hiểu biết về chữ Hán, việc học chữ Hán đại thể có thể đạt đến các trình độ khác nhau như sau:


Trình độ 4 là trình độ cao: biết viết, đọc, hiểu, dịch được các văn bản chữ Hán khó, phức tạp (trước tác cổ điển, văn bia...)


Trình độ 3 là trình độ khá: biết viết, đọc, hiểu được các văn bản chữ Hán đơn giản (các câu thành ngữ, tiêu đề văn bia, tên đền đài, miếu mạo...)


Trình độ 2 là trình độ cơ sở: biết viết, đọc, hiểu được các chữ Hán thường gặp trong tiếng Việt (số lượng khoảng trên dưới 1000 chữ?)


Trình độ 1 là trình độ đại chúng: không viết, đọc hiểu được chữ Hán nhưng biết ý nghĩa và cách sử dụng các từ ngữ gốc Hán (từ ngữ Hán - Việt) trong tiếng Việt.

b) Theo sự phân chia tạm thời về trình độ chữ Hán như trên, tôi cho rằng tùy theo trình độ học vấn, trình độ tiếng Việt và yêu cầu của công việc mà sự cần thiết phải học hay không học chữ Hán hoặc học ở trình độ nào có thể khác nhau giữa các đối tượng:


Các chuyên gia nghiên cứu hoặc giảng dạy về Hán Nôm phải đạt được trình độ 4: tốt nghiệp đại học và sau đại học về Hán Nôm.


Các chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy về Khoa học Xã hội Nhân văn, đặc biệt là ở các lĩnh vực liên quan đến văn hóa Việt Nam (như lịch sử, văn học, văn hóa Việt Nam, Việt Nam học, Đông phương học, Ngôn ngữ học...) nếu đạt đến trình độ 3 về chữ Hán thì công việc nghiên cứu, giảng dạy, giao lưu quốc tế thuận lợi hơn nhiều. Vì vậy, trong chương trình đào tạo các ngành này nên đưa thêm môn Hán Nôm như một môn bắt buộc hoặc lựa chọn. (thực tế chương trình đào tạo các ngành này ở ĐHQG Hà Nội đã thiết kế theo hướng này).

Học sinh THPT có thể đạt đến trình độ 2 bằng việc học chữ Hán như một môn lựa chọn hoặc bắt buộc tùy theo phân ban và thiết kế chương trình.


Học sinh THCS và Tiểu học không học chữ Hán mà học về từ ngữ Hán Việt như một nội dung của môn tiếng Việt.

4. Tóm lại, để trả lời câu hỏi "Có nên dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông hay không?", tôi cho rằng:

 Không nên đoạn tuyệt hoàn toàn với việc dạy chữ Hán cho học sinh nhưng cũng không nên phổ cập dạy chữ Hán cho học sinh ở tất cả các cấp học.


Có thể dạy chữ Hán (với khoảng 1.000 chữ, tức 1 năm khoảng 300 chữ) cho học sinh THPT theo hình thức bắt buộc (với phân ban KHXH) và lựa chọn (cho các phân ban khác) hoặc là môn lựa chọn có khuyến khích cho tất cả các phân ban (ai thích thì học nhưng được tính điểm với hệ số cao hơn). Đây là cơ sở đề những người tiếp tục học lên các ngành KHXHNV ở bậc đại học học thêm về chữ Hán để đạt được trình độ 3.


 Với học sinh THCS và Tiểu học thì không nên dạy chữ Hán mà chỉ tập trung vào việc dạy từ ngữ Hán Việt (như một nội dung của môn Tiếng Việt) theo mức độ từ dễ đến khó, như hiện vẫn đang làm.

Có mấy ý kiến xin chia sẻ để mọi người cùng suy nghĩ, thảo luận.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (ĐHQG Hà Nội)
Bình luận
vtcnews.vn