Học kế toán, phải đi thực tập lắp linh kiện điện tử

Giáo dụcThứ Tư, 15/02/2012 10:00:00 +07:00

(VTC News)- Một số SV hệ Cao đẳng của ĐH Công nghiệp Việt Hung tỏ ra rất bức xúc khi họ phải thực tập không đúng với ngành nghề đào tạo, phải đi làm công nhân.

(VTC News)- Một số sinh viên hệ Cao đẳng của ĐH Công nghiệp Việt Hung tỏ ra rất bức xúc khi họ phải thực tập không đúng với ngành nghề đào tạo mà phải đi làm công nhân ở khu công nghiệp.



Thực tập không đúng ngành

Phản ánh tới VTC News, một sinh viên (ĐH Công nghiệp Việt Hung) tại Sơn Tây, Hà Nội cho biết, trước Tết khoảng 1 tuần nhà trường có phát cho sinh viên năm cuối của 2 chuyên ngành là Kế toán và Tin học ứng dụng một tờ mẫu cam kết đi “thực tập, trải nghiệm thực tế” tại tập đoàn Hồng Hải trong 10 tuần.

Lớp trưởng các lớp sẽ đưa xuống cho các bạn sinh viên mẫu cam kết để các bạn ký vào sau đó nộp lại luôn cho nhà trường. Một số sinh viên lấy lý do là sức khỏe yếu và muốn được thực tập tại nơi mình đã liên hệ nhưng nhà trường từ chối.
Chỉ những sinh viên nào mắc bệnh truyền nhiễm, viêm gan B mới được tự liên hệ thực tập.
Sinh viên hệ CĐ của ĐH Công nghiệp Việt Hung "kêu trời" vì đi thực tập phải làm công nhân (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Trước khi bắt đầu bước vào quá trình thực tập, phía tập đoàn Hồng Hải cũng có cử cán bộ xuống giới thiệu về quy mô của công ty, giới thiệu về dây chuyền sản xuất và các chế độ khác như một người công nhân bình thường. Tại đây, các sinh viên sẽ làm việc như công nhân, trong dây chuyền lắp linh kiện modem và switch.

“Bọn em rất bất ngờ khi nhà trường đưa ra thông báo như vậy. Chúng em cảm thấy bất bình trước việc làm của nhà trường bởi vì việc thực tập đó không đúng với chuyên ngành của chúng em. Nhiều bạn cũng cảm thấy bức xúc vì thời gian này bọn em có thể liên hệ làm các công việc liên quan đến kế toán. Như vậy nhà trường đang làm mất thời gian của bọn em”. - Một SV nói trong điều kiện không cung cấp danh tính.

Sinh viên này cũng cho hay, khi xuống làm việc tại công ty thì sau 1 tuần làm việc, nhiều sinh viên lại càng tỏ ra bức xúc vì công việc không phù hợp với chuyên ngành. “Nếu là một công việc gì đó liên quan đến chuyên ngành của bọn em thì chúng em không có gì phải phản đối nhưng ở đây lại không liên quan. Như vậy, chắc chắn là không có ích gì”.

“Bọn em có thắc mắc với thầy cô, nhà trường thì được thầy cô nói là nhà trường muốn bọn em phải trải nghiệm cuộc sống làm công nhân trước khi ra trường, cảm nhận được sự vất vả của người làm công nhân." Một SV khác cũng nói trong điều kiện không cung cấp danh tính.

"Nhưng đó là 1 lý do rất vô lý đối với những sinh viên như bọn em, bọn em học kế toán để ra trường làm kế toán, học công nghệ thông tin để làm lập trình viên, học quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng.... để đi làm những công vịêc nhẹ nhàng chứ không phải đi học để phải đi làm công nhân như vậy."

"Tại sao phải trải nghiệm sự vất vả của công nhân? Bố mẹ chúng em làm công nhân, làm nông dân chưa đủ vất vả sao? Chính chúng em cũng sinh ra tại 1 gia đình nông thôn phải cố gắng đi học để thoát khỏi sự vất vả mà bây giờ phải trải nghiệm thêm sao? Thật sự quá vô lý, quá bất công với bọn em!". SV trên nói.


Sinh viên vất vả, nhà trường kiếm lợi?

Theo sinh viên tại KCN Bắc Ninh, một số sinh viên của KCN Bắc Giang đã đi làm và phản ánh công việc rất vất vả. Sinh viên phải đứng một chỗ, lắp linh kiện modem, swicth với thời gian làm việc lên tới 10 tiếng trong ngày.

Hiện tại, có 2 ca trực. Ca ngày bắt đầu từ 7h sáng đến 18h5. Ca đêm từ 19h đến 6h5 sáng hôm sau.

Đặc biệt, sinh viên này cho rằng mọi người đều rất sợ làm ca đêm vì như thế mọi sinh hoạt sẽ bị đảo lộn và sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng.


Một sinh viên cho biết: “Bọn em chỉ đứng hoặc ngồi làm việc liên tục như một công nhân bình thường khiến chúng em cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Một số sinh viên các trường khác đã không chịu được vất vả nên đã bỏ về”.
Nhà máy của tập đoàn Hồng Hải tại KCN Quế Võ Bắc Ninh- nơi có các sinh viên ĐH Công nghiệp Việt Hung đang thực tập (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Theo tìm hiểu của sinh viên, khi vào nhà máy các sinh viên này đều phải làm các công việc như một người công nhân thực thụ nhưng chỉ được hưởng mức lương là 1.664.000 đồng / tháng (tương ứng 64.000 đồng/ngày), trong khi đó lương công nhân khi mới vào là 2.400.000 đồng.

“Em và mọi người đều đoán rằng, chắc chắn nhà trường sẽ được hưởng lợi từ việc thực tập bọn em” - Một sinh viên chia sẻ nhận định của mình.

Lý giải việc dù không hài lòng nhưng các sinh viên vẫn ký vào bản cam kết với nhà trường, một sinh viên thành thật chia sẻ: “Chúng em sợ rằng nếu không đi thực tập với nhà trường sẽ không được thi tốt nghiệp. Hiện tại, chúng em là sinh viên năm cuối vì vậy những gì ảnh hưởng đến điểm, bằng cấp đều khiến bọn em rất lo lắng”.

Trao đổi với VTC News, ông Phí Quang Thọ, trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ HSSV (đơn vị trực tiếp liên hệ cho sinh viên đi thực tập) khẳng định có việc nhà trường đưa sinh viên đi thực tập, trải nghiệm cuộc sống tại KCN Bắc Ninh, KCN Bắc Giang nhưng nhà trường không hề bắt ép sinh viên.

Nhà trường đã phổ biến công khai và yêu cầu sinh viên nào tham gia thì ký vào bản cam kết tự nguyện, những sinh viên nào không đi thực tập theo nhà trường sẽ có mẫu đơn riêng.

Ông Thọ cũng cho biết thêm, nhà trường cũng không hề được hưởng một khoản nào từ phía công ty để gây sức ép với sinh viên buộc các em phải làm việc.

VTC News sẽ tiếp tục đưa thông tin từ phía trường ĐH Việt Hung giải đáp cụ thể những thắc mắc của các bạn sinh viên trong bài tiếp theo.


Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn