Học giả Nga: Những cuộc giao chiến khốc liệt sẽ xảy ra trong năm 2016

Tư liệuChủ Nhật, 10/01/2016 07:24:00 +07:00

Chuyên gia Nga nói "bước ngoặt then chốt" đã xảy ra trong sự đối lập toàn cầu giữa Nga và Mỹ.

Hãng tin RIA Novosti ngày 9/1 dẫn nhận định của học giả chính trị Rostislav Ishchenko thuộc Trung tâm Phân tích hệ thống và dự báo Nga cho rằng đối với nước Nga, 2016 sẽ là năm của các giao chiến chính trị và ngoại giao khốc liệt.
Theo ông Ishchenko, năm 2015, "bước ngoặt then chốt" đã xảy ra trong sự đối lập toàn cầu giữa Nga và Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Nguồn: AFP/TTXVN) 

Biểu hiện bên ngoài của điều này chính là việc Nga can thiệp công khai vào cuộc xung đột Syria, buộc Mỹ chấp nhận rút yêu sách đòi Tổng thống Syria Bashar Assad lập tức từ chức.
Hoạt động quân sự của Nga ở Syria làm lộ ra những mâu thuẫn chiến lược giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Rất có khả năng, những mâu thuẫn này sẽ càng lớn hơn và làm suy yếu ảnh hưởng khu vực của Washington cũng như Ankara.
Cộng thêm vào đó là trách nhiệm của Washington trong khuôn khổ nghị quyết Liên hợp quốc do Nga đưa ra, đang trái với lợi ích và hành động của các đồng minh ở vùng Vịnh (Saudi Arabia, Qatar).
Yếu tố này cũng làm yếu đi tầm kiểm soát của Mỹ đối với các quá trình diễn ra trong khu vực. Kết cục, mặt trận chống Syria của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ và các chế độ quân chủ vùng Vịnh tưởng chừng luôn là một khối vững chắc, trong năm 2015 đã bị chia rẽ làm bốn bên với những lợi ích ngày càng bất đồng. Nga đón nhận cơ hội khai thác không gian chính trị và ngoại giao được mở rộng.
Cũng theo ông Ishchenko, mặt trận thứ hai mà Mỹ phải lựa chiều vận động, nếu không thể hoàn toàn rút khỏi chính là Ukraine.
Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden công khai tuyên bố với chính quyền Ukraine yêu cầu "thực hiện Hiệp định Minsk" và bắt đầu tiến trình liên bang hóa đất nước là một sự rút lui nghiêm trọng trong chính sách 5 năm qua của Mỹ.
Trước kia, chính ông Biden là người "phất cờ lệnh" cho Kiev mở chiến dịch trừng phạt ở vùng Donbass. Nhưng lúc này, ông Biden lại nói rằng, các khu vực của Ukraine (không chỉ riêng Donbass) nên được trao quyền tự chủ nhiều hơn, thậm chí nếu so với những gì mà Donbass mơ ước vào mùa Xuân năm 2014.
Trong thực tế, trên tất cả các mặt trận quân sự và chính trị-ngoại giao, Mỹ đang rút lui những yêu sách cứng nhắc ban đầu và tìm cách chuyển sang chế độ đàm phán cho những khủng hoảng do chính họ tạo ra.
Washington thừa nhận các cuộc khủng hoảng đã tuột khỏi sự kiểm soát trong tay họ và không thể nào giải quyết chúng nếu thiếu các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga.


Nguồn: Vietnam+
Bình luận
vtcnews.vn