Học gì thi nấy mà sao khổ thế!

Giáo dụcChủ Nhật, 12/05/2013 07:02:00 +07:00

Gần một tháng nữa là đến ngày thi tốt nghiệp, mỗi trường một “chiêu” nhưng đều cùng tập trung giúp học sinh vượt qua kỳ thi cuối cấp.

Gần một tháng nữa là đến ngày thi tốt nghiệp, mỗi trường một “chiêu” nhưng đều cùng tập trung giúp học sinh vượt qua kỳ thi cuối cấp, kỳ thi mà gần 99% người dự thi sẽ đậu.

Bốn ca một ngày


Một ngày mùa thi với học sinh (HS) một trường THPT tư thục ở Q.Tân Phú (TP.HCM) bắt đầu từ lúc đồng hồ điểm 5g30, trò phải thức dậy chuẩn bị vào lớp sớm hơn 15 phút để trả bài. 6g45 vào tiết đầu tiên và từ lúc này, cả thầy và trò vật lộn với bài vở đến 11g trưa.

Ăn trưa qua loa, ngủ nghỉ chập chờn trong hai tiếng. 13g30 lại bắt đầu quay cuồng với bài vở “tập hai”. Tan ca hai cũng là lúc các em phải tính đến những môn học ở lớp học thêm ngay trong trường, bắt đầu từ lúc 16g30.
Học gì thi nấy mà sao khổ thế!
Mệt quá, tranh thủ chợp mắt 

 Ca học cuối cùng trong ngày từ 19g kéo dài đến 22g30 với HS ngoại trú và 23g30 với HS nội trú khiến HS thật sự kiệt sức. Các em chỉ có thể leo lên chiếc giường tầng trong khu nội trú khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Mỗi ngày đều như thế; còn hai ngày cuối tuần là tập dượt thi thử.

Gần 24g, vẫn còn cầm tập trên tay, em T.P., HS lớp 12 Trường THPT Nhân Việt, Q.Tân Phú than: Nếu tính luôn học thêm thì tụi em học bốn ca một ngày, “lao động” miệt mài hơn cả công nhân. Vì vậy, ngủ gật trên lớp là chuyện bình thường.

Nhiều lúc học mệt quá, em úp mặt xuống bàn ngủ đỡ 5-10 phút, sau đó đi rửa mặt vào học tiếp. Tại trường THPT tư thục Bắc Sơn (Q.12), HS lớp 12 cũng không thể đi ngủ trước khi giờ học ca ba kết thúc.

Hơn 22g đêm, cổng trường tư thục Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình) vẫn sáng đèn. Dưới đường, nhiều phụ huynh (PH) đang chờ đón con, có người trên tay còn cầm ổ bánh mì, ly nước để “tiếp sức” cho con.
Học gì thi nấy mà sao khổ thế!
Ăn xong học tiếp 

“Vòng chăm sóc đặc biệt”

Tại trường THPT Võ Thị Sáu, bảng thông báo “chỉ còn… ngày là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT” đặt ngay cổng chính như lời nhắc nhở cả thầy, trò và PH.

Chuyện tăng tiết nhiều ca kể trên là cách làm “truyền thống”, tuy bị dư luận phản đối nhưng mang lại kết quả đẹp. Theo “công thức” ôn luyện phổ biến của các trường, việc đầu tiên là xác định đối tượng HS có nguy cơ rớt tốt nghiệp để đưa vào “vòng chăm sóc đặc biệt” ở các lớp phụ đạo.

Ngoài ra, nhiều trường còn cho HS làm bài kiểm tra tập trung ở sân trường lúc 7g kém, sau đó, em nào không thuộc bài sẽ bị phân loại ra để củng cố kiến thức.

Sau khi xác định được đối tượng rồi thì giải bài toán tăng tiết như thế nào cho hợp lý, “cắt xén” chương trình ra sao để không bị “thổi còi”, chọn thầy cô nào nhiệt tình nhất… là cả một “nghệ thuật”.
Học gì thi nấy mà sao khổ thế!
Bảng đếm ngược ngày ở Trường THPT Võ Thị Sáu 

Tại trường THPT Đ.P., huyện Bình Chánh (đề nghị giấu tên), con số hơn 80 HS có học lực yếu đang làm đau đầu nhà trường, trong đó có hơn 30 em thuộc dạng rất yếu, cần phải tập trung tăng cường kèm cặp, dò bài, tăng tiết để giúp các em có kết quả tốt hơn ở kỳ thi.

Tại trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng cho biết: Trường phải họp với thầy cô tổ trưởng của sáu môn thi tốt nghiệp để đề xuất kế hoạch ôn tập vì theo kết quả học kỳ I, khối lớp 12 năm nay có tới 26% HS yếu, nên trường rất lo lắng.

Ban giám hiệu đã gặp gỡ các em, trao đổi với PH để tìm hướng giúp các em có kết quả tốt nhất. Khả năng tăng tiết học ôn, tăng cường truy bài sẽ không tránh khỏi nhưng sẽ tăng vừa phải, không nhồi nhét.

Ngoài lớp phụ đạo tăng tiết giúp HS thi đỗ tốt nghiệp và đại học, năm nay, trường THPT Võ Thị Sáu còn áp dụng mô hình “phụ đạo đặc biệt” dành cho HS yếu. Lớp học có sĩ số chỉ 13-15 em, bằng 1/3 so với lớp thường, nên nhiều em được đặc cách theo diện “một chọi một”.

Từ cuối tháng Ba, mỗi tuần, những em này phải kham 33 tiết “cứng” nếu như nhận được bút phê đã hiểu bài, thuộc bài của giáo viên (GV). Ngược lại, nếu nhận được giấy đề nghị phải học lại thì chắc chắn số giờ lên lớp, truy bài sẽ tăng lên.

 Một GV ở Q.1 kể: Tuy biết học trò “đuối” lắm rồi nhưng vẫn phải cho các em học tiếp tại nhà mới hy vọng vượt qua kỳ thi. Đậu tốt nghiệp, các em mới thẳng đường vào CĐ, ĐH, nếu không, các em sẽ chán nản, buông xuôi.
Sáng học ôn, chiều vào trường truy bài, kiểm tra bài tập đến khi nào giải quyết xong. Nếu vẫn chưa thuộc, phải tiếp tục bị truy vào ngày hôm sau… Cách làm này có thể có hiệu quả nếu hiểu theo kiểu mưa dầm thấm sâu, nhưng điệp khúc lặp lại đã khiến những HS mất căn bản vốn “ngán” việc học càng trở nên đuối sức.

Một HS lớp 12B3 cho biết: Sau năm tiết học, ôn bài đã rất oải mà GV môn Sinh còn yêu cầu làm bài kiểm tra sau tiết thứ năm, trong khi đó, buổi chiều chúng em lại phải quay vào trường để truy bài tiếp.

Vì vậy, ở những lớp đặc biệt này, chỉ cần GV quay đi là có HS úp mặt xuống bàn để giải lao. Đến những tiết cuối buổi, mặt em nào cũng bơ phờ, mệt mỏi.
Học gì thi nấy mà sao khổ thế!
Phụ huynh đang chờ đón con ôn thi tại trường THPT Ernst Thalmann Q.1 (ảnh chụp 19g ngày 9/5/2013) 

“Thực tế, trường ngoài công lập nào cũng tăng tiết như trường tôi. Dù biết HS học nhiều rất đuối nhưng đó là nhu cầu của PH”, thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nhân Việt khẳng định.

Học trò cực một thì GV cực hai, cả ngày quần quật trên lớp, buổi tối và ngày nghỉ vẫn không có thời gian dành cho gia đình. Nhà trường trả thêm lương buổi tối bằng 2/3 thu nhập để khuyến khích nhưng cũng ít ai mặn mà. Không GV nữ nào trụ nổi, chỉ có GV nam mới phụ trách lớp ban đêm.

Theo các hiệu trưởng, bí quyết thi đậu tốt nghiệp không khó, chỉ cần tích cực rèn luyện, có chiến lược bài bản, lên dây thép tinh thần cho HS tập trung cho kỳ thi sắp tới. Cả guồng máy phải vắt kiệt sức để cho ra kết quả đẹp 100% hoặc gần 100% đậu tốt nghiệp.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ VN tại TP.HCM cho biết: việc học là cả quá trình lâu dài, liên tục. Nếu các em học nghiêm túc, nhà trường tổ chức dạy tốt, học tốt ngay từ đầu năm thì không cần cuối năm chạy nước rút, vì đề thi cũng chỉ nằm trong chương trình lớp 12.

Thực tế cho thấy, nhiều HS nghèo ở tỉnh vừa học, vừa phải phụ cha mẹ làm nông nhưng vẫn đậu cao. Rõ ràng, yếu tố quyết định thành công không phải là thời lượng mà là cách học hiệu quả.





Theo Tiêu Hà/Phụ nữ TPHCM

Bình luận
vtcnews.vn