Hoạt động của Chủ tịch nước tại Hội nghị APEC 20

Thời sựChủ Nhật, 09/09/2012 12:49:00 +07:00

Các nước đều bày tỏ đánh giá cao và ủng hộ nguyện vọng của Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn dầu đã tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 20 của các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), khai mạc chiều 8/9 tại thành phố cảng Vladivostok của Nga.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự phiên họp kín thứ nhất APEC lần thứ 20 về liên kết kinh tế khu vực. 
Trong bài phát biểu chào mừng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh hội nghị năm nay với chủ đề “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng” có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để các nhà Lãnh đạo APEC cùng trao đổi về những biện pháp tăng cường hợp tác trong bối cảnh kinh tế thế giới và ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phục hồi chậm lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tổng thống Putin khẳng định đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, và sáng tạo là động lực của tăng trưởng bền vững, cân bằng, góp phần duy trì vai trò đầu tàu của châu Á-Thái Bình Dương trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Các nhà Lãnh đạo APEC coi hội nghị là một dấu mốc ghi nhận sự lớn mạnh và gắn kết ngày càng chặt chẽ của APEC sau đúng 20 năm kể từ khi các nhà Lãnh đạo Cấp cao gặp gỡ lần đầu tiên. Hội nghị hoan nghênh Liên bang Nga vừa chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, khẳng định vị thế quốc tế ngày càng nâng cao của nước Nga.


Tại phiên họp thứ nhất về liên kết kinh tế khu vực, các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm cùng nỗ lực tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Bogor, Chiến lược tăng trưởng mới của APEC, đồng thời ủng hộ các quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G-20) vừa diễn ra tại Los Cabos, nhằm phục hồi kinh tế mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.

Để thúc đẩy tự do hoá và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và hợp tác trong các vấn đề thương mại và đầu tư “thế hệ mới”, các nhà Lãnh đạo đã thông qua nhiều biện pháp cụ thể, đáng chú ý là danh mục chung của APEC về hàng hóa môi trường giảm thuế xuống dưới 5% vào năm 2015, cải thiện 10% chất lượng chuỗi cung ứng khu vực vào năm 2015, và chương mẫu APEC về minh bạch hóa trong các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực (FTA/RTA).

Hội nghị khẳng định lại sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ và kết thúc thành công Vòng đàm phán Doha.


Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh tính cấp thiết của nhu cầu gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, coi đó là "chìa khóa" để duy trì đà tăng trưởng của từng thành viên và sự năng động kinh tế của khu vực.

Trong bối cảnh trao đổi thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC không ngừng mở rộng và gia tăng mạnh mẽ, Chủ tịch nước đề xuất APEC ưu tiên hơn nữa việc thiết lập các chuỗi cung ứng đáng tin cậy, bảo đảm nguồn cung ứng bền vững về năng lượng, nguồn nhiên liệu và lương thực; trong đó, APEC cần chú trọng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phối hợp triển khai chính sách, tạo thuận lợi cho các nền kinh tế đang phát triển tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường hợp tác và kết nối với các chương trình, dự án liên kết và kết nối khu vực và tiểu vùng.

Các thành viên APEC cũng cần nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo,vì đây chính là nhân tố then chốt đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.


Ngay sau phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng các nhà Lãnh đạo APEC tham dự Cuộc đối thoại với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), là hoạt động quan trọng được tổ chức thường niên trong các dịp hội nghị cấp cao.

Các doanh nghiệp đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ những nội dung hợp tác mà Chính phủ các nền kinh tế thành viên APEC đang tập trung thúc đẩy về liên kết kinh tế khu vực, chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và tăng trưởng sáng tạo.


Các doanh nghiệp cũng nêu nhiều kiến nghị về đẩy mạnh liên kết thị trường tài chính khu vực, mở rộng hợp tác về dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng, an ninh năng lượng và phát triển các đô thị bền vững.

Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định triển vọng liên kết kinh tế khu vực và nhấn mạnh vai trò thiết yếu của quan hệ đối tác giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.


Tối cùng ngày, Chủ tịch nước đã tham dự Tiệc chiêu đãi và chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm văn hoá và truyền thống của các dân tộc Nga do Tổng thống V. Putin chủ trì để chào mừng các nhà Lãnh đạo APEC.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 20 sẽ tiếp tục diễn ra sáng ngày 9/9 và chính thức bế mạc vào chiều cùng ngày tại thành phố Vladivostok.

Cũng trong ngày 8/9, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 20, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Thủ tướng các nước Nhật Bản, Singapore, Australia và Trưởng đoàn Hoa Kỳ. Trong các cuộc tiếp xúc, các vị Lãnh đạo các nước đều đánh giá cao nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam.

Chủ tịch nước và Lãnh đạo các nước đã thảo luận về các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ đối tác hợp tác song phương, trong đó có việc thiết thực tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, Singapore và Australia trong năm 2013.

Các vị Lãnh đạo cũng đã nhất trí cao về sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, củng cố đoàn kết và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Các nước đều bày tỏ đánh giá cao và ủng hộ nguyện vọng của Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017.

Theo TTXVN

Bình luận
vtcnews.vn