Hoàng tử và Lọ lem: Nhạt nhẽo!

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 20/07/2013 07:30:00 +07:00

(VTC News) - Sau Mùa hè lạnh, những tưởng Ngô Quang Hải sẽ gỡ gạc được những điều đã mất với HIT: Hoàng tử và lọ lem, nhưng anh lại mất nhiều hơn nữa.

(VTC News) - Sau Mùa hè lạnh, những tưởng Ngô Quang Hải sẽ gỡ gạc được những điều đã mất với HIT: Hoàng tử và lọ lem, nhưng anh lại mất nhiều hơn nữa.

Nghiệp dư trong cách làm phim

Đề tài - nội dung không mới, dàn diễn viên cũng chẳng phải là nghiệp dư, nhưng nếu không biết đây là phim của Ngô Quang Hải, khán giả sẽ tự hỏi rằng đạo diễn phim này đã từng làm phim chưa hay chỉ là một sinh viên thực tập?

Bất cứ ai cũng có thể nhận ra bản phim này được dựng rất ẩu với lỗi âm thanh không khớp với hình. Không hiểu nổi tại sao một lỗi sơ đẳng bất cứ ai cũng có thể nhận ra như vậy mà đoàn làm phim không hề nhìn thấy?

Nếu lý do là do thời gian quá gấp, do công nghệ chưa thích nghi, do thế này hay thế khác, thì cũng xin lưu ý rằng chất lượng quyết định tất cả, chứ đẩy nhanh thời gian, sử dụng công nghệ mới, hay gì đi chăng nữa đều chẳng thể thuyết phục ai. Còn nếu lý do là chiếu nhầm bản phim thì không còn gì phải bàn về bộ phim này nữa.

Hit: Hoàng tử và lọ lem
 
Lỗi thứ hai về kỹ thuật là trong một phân cảnh kéo dài hơn một phút, hai nhân vật chính đứng tựa lan can hồ nói chuyện, một nửa khung hình bên trái trắng hơn bên phải. Cố ý? Chắc chẳng ai cố ý đến mức thiếu hiểu biết như thế.

Còn do lỗi kỹ thuật? Thì xin thưa rằng khán giả là người bỏ tiền ra xem phim, họ có quyền đòi hỏi được bày lên một món ăn hoàn chỉnh, không thể vì lý do 'bếp không đủ lửa' nên bày lên một món ăn nửa sống nửa chín và các nguyên liệu không liên quan đến nhau như thế.

Vô lý ở cách quay phim, như đoạn nhân vật nữ chính ném thứ gì đó vào xe của người yêu cũ và hả hê: 'Tôi không nhớ lúc đó gương mặt của anh ta như thế nào…', thì góc quay chuyển sang mặt anh này, và… out nét. Chắc là out để minh hoạ cho đoạn không nhớ như thế nào chăng?

Thêm một chi tiết nữa cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của bộ phim là hình ảnh tờ rơi với dòng chữ Hòa nhịp cảm xúc được sử dụng khá nhiều trong phim nhưng trên tờ rơi đó lại mắc một lỗi vô cùng ngớ ngẩn là dòng chữ lại được in trên hình của một chiếc Salte – một công cụ được sử dụng trước mỗi cảnh quay trong một đoàn làm phim.
Hit: Hoàng tử và lọ lem
 
Có sự liên quan nào giữa âm nhạc và điện ảnh ở đây đã được miêu tả hoặc 'cài cắm' từ trước? Hoàn toàn không vì chắc chắn đây là một lỗi thuộc về thiết kế.

Một chi tiết nữa cũng cần nói đến với tác phẩm này là những đại cảnh với các diễn viên quần chúng đông đảo minh họa cho những phần trình diễn của thí sinh trong cuộc thi. Đáng nói là khán giả xem các tiết mục mà các thí sinh trình diễn luôn luôn sôi động, hò hét cuồng loạn, nhảy ầm ầm cho dù đó là bài hát nhẹ nhàng, sâu lắng, tình cảm hay là bài sông động. Có vẻ như những cảnh quay này đã được quay tại một đêm ca nhạc nào đó, và chắc chắn đêm nhạc đó rất sôi động và cuồng nhiệt.

Nội dung mờ nhạt

Nội dung phim không phải là quá xuất sắc bởi đây là một mô – típ cũ: những người trẻ gặp khó khăn trong việc bám trụ lại thành phố, bằng năng lực của mình, họ đã vươn lên và dành được những thành công nhất định. Bên cạnh đó  là tình cảm trong sáng, cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống để nhận ra ta cần nhau.

Với nội dung như thế, ít ra người ta có thể hy vọng vào một bộ phim đủ để xem được, đủ để nhận ra khả năng của Ngô Quang Hải. Nhưng xem xong Hoàng tử và Lọ lem, người xem không nhận ra mà hoang mang về tài năng của của Ngô Quang Hải .

Cách kể chuyện Hoàng tử và Lọ lem không khác nhiều cách kể của Mùa hè lạnh, tức là, cố tình làm rối rắm mọi chuyện. Ngôn ngữ điện ảnh nghèo nàn, thay vào đó là chọn nhân vật nữ chính tên Bảo Hân (Midu) làm người kể chuyện để dắt dắt mạch câu chuyện bằng những thứ triết lý rỗng tuếch.
Hit: Hoàng tử và lọ lem
 
Không ai tin một cô gái 20 tuổi, sống hồn nhiên mộng mơ như Bảo Hân lại có thể nói những câu triết học hoặc trải đời dạng như: Bây giờ người ta yêu nhau vì sinh lý. Về cơ bản, những câu thoại đó, châm ngôn đó không sai.
 
Nhưng việc đặt vào Bảo Hân và được thể hiện bằng một trạng thái cảm xúc đều đều, không nhấn không nhá, không có sự ăn nhập với những hình ảnh đang diễn ra thì thật là khó có thể cảm thông được – chứ đừng vội nói là thấu hiểu được tuyên ngôn.

Cách mà Ngô Quang Hải xây dựng và phát triển câu chuyện trong phim cũng thật không ổn. Dài dòng và lê thê ở khúc đầu để hai nhân vật chính gặp nhau, quá trình tiến triển mối quan hệ đó với những thắt nút mở nút bình thường nhưng cách giải quyết vấn đề ở cuối phim để giải đáp mọi tình huống trong phim lại quá nhạt.

Cảm giác như kiểu tư duy không thể giải quyết được số phận nhân vật thì tốt nhất là nên cho nhân vật…chết. Một cái kết chưng hửng toàn bộ và làm cho bộ phim trở nên nhạt nhẽo đến phút gần cuối cùng.

Cho dù đạo diễn có cố gắng đảo chiều ở cái kết khi lập lờ, mọi chuyện thì cũng không quá khó để đoán. Sự dụng công của đạo diễn khi cố bày tỏ một chi tiết đắt xem chừng đã phá sản.

Khan hiếm cảm xúc

Khi xem một bộ phim, chi tiết có thể quên, nội dung có thể không nhớ một cách đầy đủ nhưng cảm xúc luôn đọng lại trong mỗi người. Nhưng phim này đúng là để lại cảm xúc hoang mang cho người xem thật. Không chạm được đến trái tim, không làm cho người xem đồng cảm cùng nhân vật, Hoàng tử và Lọ lem hoàn toàn thất bại trong việc làm khán giả rung động.

Ngay cả những yếu tố gây cười như Hoàng mập, Hiếu Hiền, người xem cũng chả hiểu tại sao phải là diễn viên đó, trong khi những vai diễn này, bất cứ ai cũng có thể đóng.

Hoặc cụ thể hơn là mối quan hệ giữa những người con xa xứ như hai nhân vật nam chính và thứ chính với những trường đoạn cố tình tạo sự hài hước, tiếng cười cho khán giả nhưng hiệu quả mang lại là sự phản cảm bởi không ai có thể cười được với những điệu bộ ngô nghê, những câu thoại và hành động mang tính ‘thọc léc’ kiểu sân khấu tấu hài.
Hit: Hoàng tử và lọ lem
 
Hơn thế nữa, bộ phim còn có những lối mòn kinh điển: cứ cô đơn là phải ra cầu hét, cứ khóc là trời phải mưa, và đặc biệt, khi mượn được cây đàn mới trong gian nhà kho tối om, khi tấm bạt được kéo xuống, đèn được chiếu sáng thẳng vào cây đàn, và hai nhân vật chính đàn hát thật lãng mạn trong không gian mang đậm tính sắp đặt đó. Vẫn biết, tính sắp đặt - mise en scène – là điều hiển hiện trong điện ảnh nhưng cũng đâu cần thiết phải lộ liễu và nông cạn đến vậy.

Thất bại trong tất cả các yếu tố, HIT: Hoàng tử và Lọ lem khiến khán giả hoang mang rằng thế nào nên gọi là phim và thế nào nên gọi là mớ hỗn độn. Liên tiếp sau những thất bại liên hoàn với Mùa hè lạnhHIT: Hoàng tử và Lọ lem, mọi người sẽ phân vân Ngô Quang Hải liệu có còn tiếp tục làm phim không?
 
Ngô Quang Hải thời Chuyện của Pao đâu rồi, và ai sẽ tiếp tục đầu tư cho vị đạo diễn này đây khi mà có những thứ không nên gọi là sản phẩm được xuất xưởng như thế này?

Một bộ phim dở thì sẽ vẫn mãi là một bộ phim dở, cho dù, đạo diễn có cố gắng vớt vát tính thương mại của bộ phim bằng việc mời những 'ngôi sao' dạng cỡ như Ngọc Trinh, Hà Anh hoặc PR bằng cảnh tắm lộ liễu của Andrea (thực tế là không có trong phim) cũng không thể cứu vãn được sự yếu kém về chất lượng. Có cố gắng chấm điểm (sao) cho bộ phim này cũng là một sự rộng lượng không cần thiết.

Hiếu Cao

Bình luận
vtcnews.vn