Hoàng Liên – Mùa đỗ quyên

Tổng hợpThứ Sáu, 10/06/2011 06:22:00 +07:00

Sau đợt cháy rừng lịch sử Tết năm 2010, nhóm phóng viên của Hoàng cũng đã có mặt kịp thời ghi lại những hình ảnh tang thương, hoang tàn của dãy núi hùng vĩ...

Hoàng Liên Sơn không phải là nơi quá xa lạ với BTV Minh Hoàng. Sau đợt cháy rừng lịch sử Tết năm 2010, nhóm phóng viên của Hoàng cũng đã có mặt kịp thời ghi lại những hình ảnh tang thương, hoang tàn của dãy núi hùng vĩ sau cơn “hỏa diệm sơn”. Mới đây, nhận lệnh của lãnh đạo kênh VTC14 đi làm một phim tài liệu về dãy núi Hoàng Liên, trong đó có đỉnh Phan Xi Păng - Minh Hoàng lại cùng anh em đạo diễn, quay phim, kỹ thuật lên đường trở lại chốn cũ. Trong lòng không thôi những cảm xúc…

 

Chinh phục đỉnh Phan…

Nếu leo Phan bằng đường du lịch thì rất nhiều người có thể dễ dàng làm được. Nhưng nhóm của Hoàng lại quyết định đi cắt xuyên rừng, lần mò theo con đường hầu như chưa ai đặt chân đến, để có thể tìm hiểu kỹ hơn hệ sinh thái rừng quốc gia Hoàng Liên.

Nhóm thuê thêm bốn người Mông mang vác đồ đạc. Dự kiến chuyến đi dài ngày nên phải mang theo khá nhiều lương thực, thực phẩm, đồ uống. Vượt qua những đỉnh núi cao từ 2800m đến 3100m. Những vách đá dựng sừng sững. Núi đá tiếp núi đá. Đây thực sự là một chuyến leo núi chứ không đơn thuần là đi rừng nữa. Cũng may cho đoàn là lần này có bác Trần Ngọc Lâm - người được mệnh danh là “người rừng”, là “dị nhân Hoàng Liên” đi cùng dẫn đường.

Vì chưa có đường đi nên đoàn phải leo qua nhiều vách đá rất hoang sơ và phức tạp. Có những chỗ người Mông phải mang dây thừng buộc vào mỏm đá để nhóm phóng viên leo lên và bám đu xuống. Với nhóm người Mông thì việc đi trên vách núi đã quá quen rồi, họ cứ xăm xăm như con sơn dương chạy trên đồng bằng. Vì thế, nhóm người Mông luôn đến trước những địa điểm đã hẹn để dựng lều và nấu nướng chờ đoàn phóng viên đến sau. Chuyến đi này không có tình trạng lạc đường nhờ quán triệt nguyên tắc từ trước, cử người Mông dẫn đầu, phát đường và cả đoàn cứ theo dấu mà bám theo.

 BTV Minh Hoàng

Tham gia cuộc hành trình, hầu như mọi người đều phải làm quen với nếp sống mới, đi ngủ sớm và dậy sớm. Ở rừng trời tối rất nhanh, tầm 4-5h chiều là đã phải hạ trại, đi lấy nước và thổi cơm. Buổi sáng cứ 5-6h lại tỉnh giấc, lo cơm nước để 7h xuất phát. Cứ thế, cả ngày rong ruổi với cây rừng, vách đá. Với Minh Hoàng, leo núi vượt ngàn chưa bao giờ là trở ngại với anh, chỉ khổ nhất là thiếu… thuốc lá.

Xác định trước phải leo núi đường trường nên hành lý mọi người mang theo chỉ có túi ngủ loại ấm, lều dã chiến, cái áo khoác và một bộ quần áo trên người. Thuốc thang mang theo cũng chỉ để trị cảm cúm, hắt hơi sổ mũi, đau bụng vặt… chứ không mang được nhiều, nên mọi người đùa bảo nhau “mặc cho số phận may rủi vậy”.

Thời tiết đã đầu tháng 4 nhưng nhiệt độ cũng chỉ dao động trên dưới 10 độ. Đêm xuống, ngủ giữa rừng núi hoang vu, anh em nhóm phóng viên mới hiểu thế nào là cái lạnh cắt da cắt thịt. Đã có túi ngủ loại dày rồi nhưng phải trải thêm lá trúc ở dưới thì mọi người mới ngủ được. “Hai ngày đầu, vừa mệt vừa lười, không ai chịu đi nhặt lá rừng nên buổi tối không thể chợp mắt được, cứ nửa đêm lại tỉnh” - quay phim Đỗ Bìnhcười nhớ lại. Qua khe, qua suối, nước chảy róc rách, cảnh vật nên thơ hữu tình nhưng tuyệt đối không ai dám… tắm giặt, bởi nước lạnh không khác gì nước đá. Thậm chí mọi người cũng nhịn luôn… đánh răng. Leo núi, mồ hôi chảy ra đầm đìa nhưng ngồi một tí gió thổi lại lạnh, lại phải vơ vội chiếc áo khoác vào.

Cũng may lạnh nên ít thấy rắn. Hoàng Liên vốn rất nhiều rắn độc, phân bố theo độ cao, chỗ lạnh ít rắn, càng xuống dưới ấm hơn thì rắn càng nhiều. Đi rừng chẳng may bị rắn cắn thì chắc chắn bỏ xác vì không thể xuống núi kịp. Đoàn cũng gặp một số con nhưng may mắn không ai bị thương.

Lên núi được 2 ngày thì kỹ thuật viên Mai Tùng lên cơn sốt, không thể gắng gượng hơn nữa, nhóm đành cử một người Mông dìu Tùng xuống núi. Bớt đi hai người, đồng nghĩa với việc những người còn lại sẽ phải mang vác nặng hơn, cứ thế chậm rãi chinh phục từng đỉnh núi. Không chỉ leo lên đến đỉnh Phan, đoàn còn chinh phục và khám phá 3, 4 đỉnh còn lại nằm quây quần xung quanh, với độ cao xấp xỉ 3100m. Những đỉnh này rất ít người từng đặt chân đến, bởi không có đường du lịch mà phải lên bằng đường của “thổ dân”.

Vất vả nhất vẫn là quay phim Đỗ Bình. Leo núi lúc mệt thì cái áo khoác trên người cũng muốn ném đi, vậy mà lúc nào trên vai chàng “camera-man” này cũng chình ình một khối sắt gần chục kg. Đã thế còn phải nâng niu, lau chùi, giữ gìn rất cẩn thận. BTV Minh Hoàng cũng vất vả không kém vì phải đảm đương nhiệm vụ bê chân máy. Ngoài ra, lúc rỗi, mọi người lại phải xắn tay vào phụ giúp nhóm người Mông kiếm củi, bếp núc.

 
Sinh cảnh ở Hoàng Liên chủ yếu là mây mù. Cứ gió thổi thì mây dạt đi nhưng một lúc sau mây lại xâm chiếm dày đặc. Mây nhiều nên hầu như rất dễ mưa và mưa liên tục. Chỉ buổi trưa là có chút nắng mà đang nắng gặp cơn mù là lại mưa được ngay. Nhiều lúc trời mưa, cả đoàn vẫn phải tiếp tục bám vào đá để leo, có lúc vượt qua đoạn đường đất xương xẩu trơ đá, trong khi gió thổi không ngớt. Công việc của quay phim vất vả hơn gấp bội. Hầu như ngày nào Đỗ Bình cũng phải ngồi phục kích, đợi gió, đợi nắng, để có được những cảnh quay ưng ý.

Một khó khăn nữa là mọi người phải tính lượng pin sao cho đủ dùng. Không thể mang theo máy phát để xạc điện, lại chỉ có bốn cục pin nên cảnh quay phải tiết kiệm, không được quay tràn lan mà phải tính toán cặn kẽ, cân nhắc cảnh quay. Độ ẩm ở đây cũng rất cao nên máy quay, ống kính rất dễ bị ẩm. Đoàn phải mua mấy cân chè khô cho vào túi ni lông, tác nghiệp xong lại cất hết máy quay, ống kính vào chống ẩm. Cũng may về máy móc kỹ thuật không có điều gì đáng tiếc xảy ra.

Ngay từ đầu, đoàn đã đặt mục tiêu là lang thang khám phá rừng quốc gia chứ không phải leo lên đỉnh Phan rồi xuống. Vì thế thời gian leo núi cũng dài hơn, cả chuyến đi hai tuần thì 8 ngày cả đoàn ở trên núi, cứ thế đi liên tục. “Dù đã từng leo Phan nhưng sau cuộc hành trình vất vả, một lần nữa được sờ vào cột mốc, được đứng trên đỉnh cao nhất của đất nước và cắm ngọn cờ chiến thắng vẫn cho mình cảm giác thiêng liêng, tự hào” - BTV Minh Hoàng chia sẻ.

Lạc vào “vương quốc” đỗ quyên

 
Lúc ở nhà, mọi người vẫn nghĩ hoa đỗ quyên chỉ là những chậu hoa nhỏ nhỏ, xinh xinh người ta vẫn bày bán. Nhưng phải đứng ở giữa đại ngàn Hoàng Liên, nhóm phóng viên mới được phen ngỡ ngàng trước hàng trăm loài đỗ quyên khác nhau, đủ màu sắc, từ bé tí đến cổ thụ. Đứng từ xa nhìn không khác gì những cây hoa anh đào của Nhật Bản, hồng rực trên cành cây khô chỉ toàn hoa là hoa. Hoàng Liên thực sự là “vương quốc” của hoa đỗ quyên. Không chỉ những bụi cây nhỏ mà có cả những thân cây đỗ quyên cổ thụ, phải 2- 3 người mới ôm xuể. Theo như lời của bác Lâm thì năm nay do thời tiết bất thường nên tận tháng 4 vẫn còn nhiều hoa. Đáng lẽ mùa này là mùa măng mọc và hoa đỗ quyên tàn nhưng do có mấy đợt băng lạnh nên hoa vẫn còn tươi và măng thì chưa có.

Trong vườn quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa, nay được công nhận là vườn di sản ASEAN của Việt Nam, có hơn 30 loài hoa đỗ quyên nở hoa rất đẹp vào mùa xuân. Trong số đó có những loài hoa đỗ quyên đặc hữu và được coi là đỗ quyên đại thụ, chỉ có ở trong rừng tự nhiên, trên độ cao 2.400 - 2.800 mét như đỗ quyên mộc và đỗ quyên hoa đỏ… mọc ở khu vực rừng hỗn giao, thân gỗ vươn cao từ 10 - 15 mét, đường kính gốc to 40 - 50 cm. Cả đoàn như được bước vào thế giới sắc màu của thiên nhiên, màu xanh của cây lá, màu trắng, màu tím của hoa rừng, hòa trộn với âm thanh của gió thổi lá rừng, suối chảy róc rách…

Thực vật ở Hoàng Liên phân bố khá phong phú. Từ độ cao 2000m trở xuống là rừng nhiệt đới rậm rạp, còn trên 2000m là thế giới của tùng, trúc. Bên cạnh đỗ quyên thì trúc là loài thực vật phổ biến nhất ở Hoàng Liên, đủ loại to nhỏ. Trên đỉnh núi, nơi chỉ có rêu và đá thì lại là địa điểm thích hợp cho những cây trúc thấp mấy chục centimets sinh sống. Những thân cây trúc dày đặc, quệt vào người. Rừng trúc cong khumkhúp như bị gió vuốt thổi tự muôn đời, cả gốc cây mục cũng ánh lên sắc màu sống động. Nhiều chỗ, những thân cây trúc trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này còn được gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên… Xuống những sườn đồi thấp hơn, là thế giới của những vạt trúc bụi tròn lẳn, vàng ươm, mọc tràn ra như một cánh đồng vàng. Cả đoàn người đi trong rừng trúc chỉ cao đến đầu gối, ánh nắng chiếu xiên xiên sườn đồi, tạo ra một phong cảnh rất nên thơ hữu tình.

 
Chuyến đi này, nhờ có sự hướng dẫn của bác Lâm, nhóm phóng viên cũng có dịp đi thăm rừng cổ tùng của vườn quốc gia Hoàng Liên. Những cây cổ tùng đã hàng nghìn năm, tán rộng như cây nấm to, đẹp một cách hùng vĩ. Rừng tùng này hầu như rất ít người có cơ hội chiêm ngưỡng, do đường đi vào rất khó khăn và hoang sơ. Cây tùng là loài cây cực kỳ đặc hữu của vườn quốc gia, hầu như chỉ còn lại những cây cổ thụ mà không còn cây con nào phát triển. Giám đốc vườn quốc gia Hoàng Liên cũng đã bao lần cho người đi tìm kiếm cây con nhưng không thấy, kể cả những kiểm lâm kỳ cựu cũng đành bó tay. “May mắn thế nào mà đợt này đoàn lại tìm được hai cây tùng con duy nhất còn sót lại. Đoàn đã vinh dự “tháp tùng” hai cây con này về tặng cho Vườn quốc gia, khỏi phải nói mọi người sung sướng như thế nào”- anh Đông, đạo diễn vui vẻ nhớ lại.

Trên đường xuống núi, cả đoàn lại tạt vào rừng chè cổ thụ. Lần đầu tiên mọi người được nhìn thấy những cây chè cao hàng chục mét. Nhóm người Mông trèo lên hái lá chè xuống đun nước cho mọi người thưởng thức. Cảm giác được uống chè tươi ngay dưới gốc cây chè thật không có gì thú vị bằng. Lá chè cổ ít răng cưa hơn, màu nước không vàng tươi như mình hay uống nhưng có vị thanh và ngọt hơn.

Theo lời nhóm phóng viên kể lại thì đi rừng có nhiều món rất hay. Đúng vào mùa nấm hương nên hầu như ngày nào mọi người cũng được ăn nấm hương tươi. Người Mông rất giỏi trong khoản tìm thức ăn trong rừng. Đặc biệt nữa là món rau dớn (ngọn non của cây dương xỉ). Nấm hương tươi nấu canh với rau dớn, thái thêm một tí thịt cho vào. Chiều chiều, khi bếp lửa nổi lên, từng xiên nấm hương được phết dầu ăn và nướng lên, vừa to vừa dày lại có vị ngọt, đem chấm với muối, tưởng không có sơn hào hải vị nào bằng.

 
“Có một điều đáng tiếc là sự đa dạng thực vật thì đã ghi hình được nhưng đa dạng về động vật thì rất khó khăn. Nhóm cũng cố gắng đi tìm, thậm chí đêm hôm lọ mọ rình mò nhưng cũng không có được nhiều cảnh quay đắt giá. Thú của mình còn ít, có hơi người nó chạy hết, chỉ trừ động vật nhỏ như chim chóc hay rắn rết là phổ biến” - Minh Hoàng chia sẻ.

Trong chuyến đi lần này, BTV Minh Hoàng cũng ghé qua chỗ rừng Hoàng Liên bị cháy ngày trước. Cảnh vật hoang tàn, sườn núi trơ khấc, chỉ những thân cây mọc đứng. Chỗ cây đã bị cháy, lớp mùn rửa trôi hết, chỉ còn lại đá với đá. Khả năng hồi phục có lẽ phải tính bằng hàng trăm năm.

Một lý do nữa khiến cho hệ sinh thái Hoàng Liên bị giảm sút là sự xâm chiếm của rừng thảo quả. Người dân trồng thảo quả xen lẫn trong rừng nhưng thảo quả có quy trình phát triển khá phức tạp, ảnh hướng lớn đến sinh cảnh của rừng Hoàng Liên. Giai đoạn thảo quả trưởng thành để thu trái thì người ta phải tỉa thưa tán rừng phía trên để có ánh nắng, khiến cho một số tầng thực vật chết đi. Đến giai đoạn sấy thì phải chặt gỗ những cây lớn bởi thảo quả buộc phải sấy bằng những thân gỗ tươi thì mới vàng và bán được giá. Vì lẽ đó, thảo quả càng nhiều thì sinh vật cảnh Hoàng Liên càng giảm sút.

Theo những gì nhóm phóng viên được biết thì các đoàn phim tài liệu trước đây để lấy được cảnh toàn của Phan Xi Păng là rất hiếm, chỉ duy nhất một lần có đài PT-TH Lào Cai là quay được cảnh toàn. Bởi nếu đứng ở đỉnh Phan thì không thể lấy được toàn cảnh mà phải leo lên đỉnh ngọn núi bên cạnh thì mới có thể nhìn ngắm toàn bộ ngọn núi Phan Xi Păng hùng vĩ. Vì mây mù dày đặc nên quay phim Đỗ Bình phải chờ đúng giữa trưa, nắng lên, sương mù tan đi thì mới có được một cảnh quay mà cả đoàn đều thấy hài lòng, mãn nguyện.

 
   Với thời lượng 30 phút, bộ phim tài liệu mang tên “Hoàng Liên - Mùa đỗ quyên” của nhóm phóng viên VTC14 muốn mang đến cho người xem những lát cắt khác của đại ngàn Hoàng Liên. “Đã có nhiều bô phim nói về Hoàng Liên Sơn hay Phan Xi Păng, nhưng chúng tôi muốn mang đến cho khán giả những góc máy khác, đi tìm những vẻ đẹp còn tiềm ẩn, giới thiệu những cảnh sắc chưa ai biết hoặc ít người biết đến ” - BTV Minh Hoàng thay mặt đoàn làm phim chia sẻ.

Có lẽ đúng thế. Hoàng Liên vốn hùng vĩ và chứa đựng nhiều bí ẩn, vậy nên bao năm người ta vẫn cứ vượt núi đá, thác ghềnh mải mê chinh phục “nóc nhà Đông Dương”. Cảm giác chiến thắng núi cao rừng thẳm hào sảng đã đành, nhưng có lẽ, cái ám ảnh người ta hơn chính lại là những cung đường tưởng như dài bất tận, được hòa cùng hơi thở của cây rừng ngàn năm gió thổi, sương trắng đặc quánh như sữa và những vạt nắng vàng hiếm hoi, mê mải sườn đồi... Họ được đứng trong mây, trên mây, cảm nhận sự hùng vĩ và phóng khoáng của thiên nhiên, được hít thở bầu không khí trong lành, để rồi một hòn đá, thậm chí một nhành cây dại, một hạt cát cũng trở thành vật kỷ niệm thiêng liêng cho mỗi người trong ngày trở về…

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn