Hoài nghi báo cáo 'màu hồng', đại biểu Hà Nội phản pháo

Thời sựThứ Tư, 11/07/2012 12:00:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội bày tỏ sự hoài nghi đối với các con số “màu hồng” trong báo cáo của UBND thành phố.

(VTC News) - Nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội bày tỏ sự hoài nghi đối với các con số “màu hồng” trong báo cáo của UBND thành phố.


DN “chết” như ngả rạ, số lao động có việc làm sao lại tăng?

Tính đến hết tháng 5/2012, số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Tp.Hà Nội ngừng hoạt động là 7.745 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2011. Sáu tháng đầu năm 2012 ước có 7.790 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 52.410 tỷ đồng, bằng 46% về số doanh nghiệp và 44% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thừa nhận, sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, chi phí gia tăng, sức mua giảm, tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng.

Đại biểu thắc mắc doanh nghiệp “chết” nhiều, số lao động có việc làm sao lại tăng? (Ảnh: Internet) 

Nhiều dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị trên địa bàn phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ do thị trường bất động sản trầm lắng và ảnh hưởng của việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt ...

Cũng theo báo cáo, hàng loạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố đều thấp hơn so với các năm trước.

Thế nhưng, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội 6 tháng đầu năm nay, toàn TP ước tính giải quyết việc làm cho 72.600 lao động, đạt 51,8% kế hoạch.

ĐB Mai Phạm Thị Thanh Mai – Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội bày tỏ quan ngại: “Trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp dừng, giải thể nhiều nhưng thành phố báo cáo vẫn tạo việc làm mới cho trên 72,6 nghìn lao động. Sở Lao động thương binh xã hội (LĐTB&XH) tính toán thống kê dựa trên cơ sở nào? Thế nào được coi là giải quyết việc làm mới?”.

Có cùng băn khoăn như bà Mai, trong cuộc họp sáng nay (11/7), đại biểu Nguyễn Thị Thúy (Gia Lâm) cũng đề nghị Sở LĐTB&XH xem xét, giải trình cụ thể hơn về nghịch lý này.

Thành phố đã bắt đúng bệnh của các DN chưa?

Thành phố đã bắt đúng bệnh của các DN chưa? (Ảnh: Internet) 

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế HĐND cũng băn khoăn, liệu thành phố đã đánh giá chính xác sức khỏe của doanh nghiệp chưa?

“Mặc dù được tiếng hỗ trợ từ thành phố nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với mức lãi suất 17 - 18%. Bên cạnh đó tiền thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp lại giải ngân rất ít. Điều đó thể hiện qua số lượng các doanh nghiệp đã phá sản, đang chờ phá sản, hoặc ngồi im để bảo toàn vốn, thậm chí biến mất không biết ở đâu. Gắn với đó là số người thất nghiệp và gia đình của các doanh nghiệp đó.

Dù quỹ hỗ trợ của Hà Nội cho doanh nghiệp trong năm 2012 khiêm tốn ở mức 100 tỷ đồng song, cho đến nay, lượng giải ngân chưa tới 18%. Thành phố phải bắt bệnh chuẩn để cho thuốc đúng liều mới khỏe lên được. Giúp doanh nghiệp lúc này cũng chính là giúp chúng ta”, ông Nam nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Hữu Thắng, đại biểu huyện Từ Liêm cũng cho biết, hiện nay khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vốn, ngân hàng không dám cho doanh nghiệp vay vì sợ không trả được. Với doanh nghiệp làm ăn chắc chắn lại không dám vay vì không biết kinh doanh có lãi không?

Do vậy, ông Thắng đề nghị TP nên đứng ra làm trọng tài hỗ trợ để hai bên gặp gỡ nhau nhanh hơn, giúp đỡ sâu hơn đồng thời quyết liệt giảm, giãn thuế.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Như Mai cũng cho hay, nên tổ chức các hội chợ miễn phí để doanh nghiệp mang được hàng đi bán ở các thị trường khác nhau, bán được hàng tồn kho mà không tốn quá nhiều chi phí vận chuyển, quảng cáo…

Với vốn vay, nên ưu tiên cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp có đông người lao động.

"TP cần chỉ đạo và thống nhất với Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hà Nội làm việc để các doanh nghiệp này vay vốn được với lãi suất thấp 12%, công khai về thủ tục, danh sách, không phiền hà cho cả doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại" - bà Mai nói.

6 tháng cuối năm: Tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ nặng nề

Liên quan tới nhiệm vụ tăng trưởng cả năm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm nhìn nhận, nếu quyết tâm giữ nguyên tăng trưởng GDP thì 6 tháng cuối năm kinh tế thủ đô phải tăng trưởng trên 12%. Ông khẳng định, đây là một “nhiệm vụ nặng nề”.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Dương đánh giá, nhiều khả năng những tháng còn lại của năm sẽ khó khăn hơn so với sáu tháng đầu năm.

“Kịch bản khả quan nhất trong cả năm 2012, mức tối đa thành phố có thể đạt mục tiêu 8 – 9% tăng trưởng kinh tế, chỉ số CPI có thể giảm xuống 6 – 7%. Nhưng đây không phải là tín hiệu tích cực mà thể hiện sự yếu kém của quản lý. Trong bối cảnh hiện nay, đạt được GDP 7,6% là một thành tích “rất tốt” rồi”, ông Dương nhấn mạnh.


Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn