Hóa thạch lông vũ gây tranh cãi của loài khủng long 'lai chim'

Khám pháThứ Năm, 01/10/2020 13:05:00 +07:00
(VTC News) -

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra, chiếc lông vũ được phát hiện vào những năm 1800 thuộc về loài khủng long giống chim.

Năm 1861, nhà cổ sinh vật học người Đức Hermann von Meyer phát hiện một hóa thạch lông vũ ở lớp đá vôi gần Solnhofen, Đức. 

Do không có bất cứ dấu vết được tìm thấy cùng hóa thạch này, nên các nhà khoa học không biết nó thuộc loài nào và nằm ở bộ phận nào trên cơ thể con vật. 

Với việc phát hiện ra hóa thạch Archaeopteryx vài năm sau đó, nhiều nhà khảo cổ liên kết loài khủng long này với chiếc lông vũ được tìm thấy ở Đức. Nhưng tuyên bố trên vẫn gây tranh cãi suốt một thời gian dài. 

Mãi cho tới gần đây, các nhà khoa học Đại học Nam Florida (USF) mới đưa ra các bằng chứng kết luận chiếc lông vũ được tìm thấy cách đây 159 năm thực sự thuộc về loài Archaeopteryx. 

Hóa thạch lông vũ gây tranh cãi của loài khủng long 'lai chim' - 1

Hóa thạch lông vũ của loài Archaeopteryx. (Hình ảnh: Bảo tàng Naturkunde)

Archaeopteryx là một chi khủng long giống chim chuyển tiếp giữa khủng long có lông và chim hiện đại, sống ở cuối kỷ Jura cách đây 150 triệu năm. Sinh vật này có kích cỡ tương tự một con chim ác là, với bộ cánh phủ lông, răng sắc và chiếc đuôi dài xương xẩu.

Trước khi kết luận, các nhà nghiên cứu phân tích 9 thuộc tính chính của chiếc lông, bao gồm cả phần ống lông cùng với dữ liệu từ các loài chim hiện đại. Họ cũng tham chiếu chéo với 13 bộ xương còn lại của Archaeopteryx. 

"Đã có cuộc tranh luận suốt 159 năm qua về việc liệu chiếc lông vũ này có thuộc về loài Archaeopteryx hay không cũng như vị trí của nó trên cơ thể và màu sắc ban đầu của nó. Thông qua nghiên cứu kết hợp các kỹ thuật mới, chúng tôi cuối cùng đã có thể giải đáp bí ẩn hàng thế kỷ này", tác giả chính của nghiên cứu - Ryan Carney cho hay. 

Hóa thạch lông vũ gây tranh cãi của loài khủng long 'lai chim' - 2

Hình ảnh mô phỏng về Archaeopteryx. (Ảnh: Getty Images)

Sử dụng công nghệ hiện đại, các chuyên gia của USF cũng làm sáng tỏ thêm một số chi tiết về hóa thạch lông vũ này. 

Cụ thể, nó nằm ở cánh trái của khủng long. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra các melanosome là các sắc tố cực nhỏ cho thấy lông có màu đen mờ chứ không phải đen trắng như trong các nghiên cứu trước. 

Diệu Hoa(Nguồn: FOX News)
Bình luận
vtcnews.vn