Họa sỹ Nguyễn Đức Đàn: Đi đến tận cùng thử thách để tìm bản ngã

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 23/10/2014 10:55:00 +07:00

(VTC News) - Người họa sỹ trẻ nói: Tuổi trẻ và những năm tháng sau tuổi trẻ ấy, với tôi, chắc chắn vẫn sẽ là cuộc hành trình đi tìm bản ngã, đầy thử thách.

(VTC News) - Người họa sỹ trẻ nói: Tuổi trẻ và những năm tháng sau tuổi trẻ ấy, với tôi, chắc chắn vẫn sẽ là cuộc hành trình đi tìm bản ngã, đầy thử thách.

Chọn cho mình một con đường khó đi đã là dũng cảm, theo đuổi đến cùng con đường ấy để đi tìm bản ngã, lại càng đáng nể phục. Nhưng với họa sỹ Nguyễn Đức Đàn, thì tuổi trẻ, có gì cấm được cái Tôi nhiều hoài bão.


Tôi không gồng mình lên để làm nghệ sỹ

Hẹn Nguyễn Đức Đàn vào một ngày mùa thu Hà Nội đẹp đến nao lòng, đã chuẩn bị sẵn cho mình tâm lý gặp một cái tôi cá tính, đầy chất nghệ sỹ, vậy mà khá bất ngờ, khi anh chàng nổi tiếng với những tác phẩm tranh sơn mài độc đáo lại ăn vận giản dị, bước xuống từ một chiếc xe hai bánh thuộc dạng ‘cà tàng’, cười hiền khô, có chút gì đó bẽn lẽn và khiêm tốn .

Ngạc nhiên thắc mắc: Anh không giống họa sỹ. Anh nói: Vậy như thế nào mới giống họa sỹ? Mặc những trang phục là lạ, tóc tai khang khác để người ta nhìn cái là nhận ra luôn mình làm nghề gì ấy hả? Tôi không gồng mình lên như thế để làm nghệ sỹ.

‘Tôi chỉ là người sáng tạo ra những tác phẩm tranh sơn mài, đưa đến người xem những góc nhìn mới mẻ về một loại hình nghệ thuật giàu tính truyền thống, nhưng được làm mới từng ngày nhờ những chất liệu luôn được tìm tòi. Và những tác phẩm ấy, nhất định phải ẩn chứa thông điệp của người làm ra nó.’
nguyễn đức đàn
Họa sỹ Nguyễn Đức Đàn 
Những tưởng một người ‘triết lý’ đến thế, thì cơ duyên đưa anh đến với bộ môn nghệ thuật này hẳn cũng có lý do đặc biệt, nhưng hóa ra không phải, anh nói: Tôi đến với tranh sơn mài đơn giản chỉ bằng niềm đam mê.

Nguyễn Đức Đàn kể, sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh khăn gói ra Hà Nội dự thi đại học, vậy mà chàng thanh niên 18 tuổi khi ấy lại bị ‘ngợp’ trước những thí sinh mà theo anh thì ‘chất nghệ sỹ bộc lộ từ bên ngoài’. Run đến mức anh bỏ về quê, quyết tâm dùi mài kinh sử thêm một năm mới đủ can đảm bước chân vào giảng đường đại học.

Vào Đại học, nhanh chóng ‘bén duyên’ với tranh sơn mài, và say mê tới mức quyết tâm theo đuổi con đường này đến cùng, dù rằng, đôi lúc cũng thấy ‘chông gai và khó đi thật’ – anh trải lòng.
nguyễn đức đàn
Bức tranh Kiều đánh đàn cho Kim Trọng 
Người ta nói, hãy tìm một công việc bạn đam mê, và suốt đời bạn sẽ không phải làm việc – câu nói ấy, có lẽ đúng với Nguyễn Đức Đàn. Suốt những năm tháng sau cái ngày đầu ‘bén duyên’ ấy, anh háo hức tìm tòi, thể nghiệm không ngừng những chất liệu mới, với những sự sáng tạo đáng ngạc nhiên trong ý tưởng và cách thể hiện.

Không dễ dãi với chính mình bằng những tác phẩm đơn giản, dễ làm hài lòng người xem vẫn nhan nhản trong những phòng tranh đương đại, tranh của Nguyễn Đức Đàn là sự tuôn trào ý niệm nhân sinh quan của cá nhân, chính vì vậy mà tranh anh kén công chúng thưởng thức.

Anh nói: Tôi muốn định hướng công chúng theo cái tôi nghệ thuật của mình.

Đi đến tận cùng để tìm bản ngã


Người viết tò mò, không biết làm cách nào để thể hiện được cái Tôi của mình giữa rất nhiều cái Tôi nghệ thuật trong đời sống hội họa đương đại. Nguyễn Đức Đàn nói, tôi sẽ đi đến tận cùng thử thách để tìm bản ngã. Dù rằng, để chen được một lối đi nhỏ mang dấu ấn của riêng mình giờ là rất khó, nhưng vốn dĩ ‘trên thế giới làm gì có đường, người ta đi mãi mới thành đường mà thôi’.

Anh kể, những ngày đầu bỡ ngỡ làm quen với tranh sơn mài, cũng nhiều chật vật lắm. Nhất là khi tự ‘quăng quật’ chính mình vào cuộc sống cơm áo gạo tiền ngoài kia, để đứng vững, thật không đơn giản.
nguyễn đức đàn
Bức tranh Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh và Hoạn Thư 
Từ ý tưởng sáng tạo đến những thử nghiệm chất liệu mới để cho ra đời một bức tranh, bắt đầu từ tranh phong cảnh, đã lấy đi của anh bao đêm không ngủ. Miệt mài tỉ mẩn từng chút, rồi tự tay phá nát công sức khi bất lực đứng nhìn ý tưởng không thể tuôn ra thành hình khối hội họa. Đó là những ngày đầu chông gai của chàng họa sỹ trẻ.

Nhưng niềm đam mê, thì chẳng thử thách nào ‘giết chết’ nổi, Nguyễn Đức Đàn lặng lẽ thu mình trong căn phòng nhỏ, tự hỏi bản thân còn thiếu điều gì trong sự sáng tạo ấy, hay anh chưa đủ trải nghiệm để có thêm chất liệu của hiện thực cuộc sống ngồn ngộn ngoài kia?

Nguyễn Đức Đàn đã đi, đã ‘ngốn’ những cuốn sách hàng đêm, đã bắt đầu cuộc hành trình đi tìm bản ngã từ những đêm không ngủ ấy. Không là quá dài khi đặt những năm tháng ấy với cả dài rộng đời người, nhưng cũng chẳng là ngắn ngủi cho một thời tuổi trẻ nhiều mê say.

Nhìn những bức tranh tái hiện lại truyện Kiều bằng môt hình thức nghệ thuật khác hoàn toàn văn học, theo sự suy luận của chính Nguyễn Đức Đàn, mới thấy, sự sáng tạo của con người, thật không biên giới. Anh không đi lại dấu chân của những người đi trước, mà đặt bên cạnh đó những dấu ấn của riêng mình.

Kiều đánh đàn trong bữa tiệc của Hồ Tôn Hiến, Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh và Hoạn Thư, Kiều đánh đàn trong buổi đoàn viên gia đình…là ba trong số những bức tranh gây ấn tượng mạnh với người xem, bởi trí tưởng tượng của tác giả, đã đưa đến một tác phẩm văn học kinh điển bằng tranh, sống động và tươi mới, chất liệu hiện thực, chất liệu đời sống và cả chất liệu thời đại chảy tràn mỗi nét vẽ.

Nguyễn Đức Đàn nói, anh đang ấp ủ một cuộc triển lãm, với gam màu chủ đạo là những bức tranh về đề tài văn học. Sẽ là cuộc thử nghiệm làm mới những câu chuyện xưa cũ, qua góc nhìn của một người trẻ.

Hỏi rằng, còn chông gai không? Anh nói, chông gai tới cuối con đường. Nhưng tuổi trẻ mà, không đi đến tận cùng, làm sao biết ở đó có gì, làm sao biết, cái Tôi của mình chơi vơi ở đoạn đường nào.

Tuổi trẻ và những năm tháng sau tuổi trẻ ấy, với anh, chắc chắn vẫn sẽ là cuộc hành trình đi tìm bản ngã, đầy thử thách.
Họa sỹ Nguyễn Đức Đàn, sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2007, khoa Mỹ thuật truyền thông ngành Sơn mài.
Hội viên hội Mỹ Thuật Việt Nam.
2012 tham gia International Multimedia Art Festival in Myanmar.
2013 tham gia triển lãm nhóm "sơn ta" tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
2013 triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ tài năng tại Đại Sứ Quán Đan Mạch.
2014 triển lãm Mỹ thuật Thủ đô.
Tác phẩm tiêu biểu:
Kiều đánh đàn cho Kim Trọng.
Kiều đánh đàn trong bữa tiệc của Hồ Tôn Hiến
Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh và Hoạn Thư.
Kiều đánh đàn trong buổi đoàn viên gia đình.
Kiều gặp Đạm Tiên lần một...    

An Yên
Bình luận
vtcnews.vn