Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng: Vẽ điên cuồng với tình yêu Hà Nội

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 14/07/2017 06:21:00 +07:00

Hà Nội luôn là đề tài đầy cảm hứng cho họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, anh vẽ điên cuồng về Hà Nội với tình yêu mãnh liệt.

Sinh năm 1984 tại Phú Thọ., Nguyễn Mạnh Hùng được biết đến như một họa sĩ trẻ đầy triển vọng trong giới nghề. Là tác giả của nhiều bức tranh trừu tượng và bán trừu tượng được nhiều người yêu mến, Mạnh Hùng đã dấn thân vào hội họa và hạnh phúc với sự trói buộc ngọt ngào đầy mê hoặc của nó.

1

  Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng.

Nguyễn Mạnh Hùng, so với nhiều họa sĩ khác, có vẻ như đến với hội họa trừu tượng sớm hơn một lộ trình thông thường. Ban đầu Hùng hay vẽ phố. Rồi đến một ngày, phố trong con mắt của Hùng bỗng nhòa đi và có vẻ người họa sĩ đã nhận ra nó trong một hình hài khác.

Không còn nữa những con đường tắm nắng, những mái nhà lô xô, khu chung cư cao tầng lộn nhộn người, góc phố với thân cây trụi lá mùa đông…

Đúng hơn là chúng vẫn còn, nhưng trong một hình dạng mới của trò chơi thị giác. Hùng phủ lên chúng một màu sắc mới, xôn xao, bởi không biết từ lúc nào bức tranh không còn là câu trả lời cho câu hỏi “Vẽ cái gì?” mà là “Có cảm giác thế nào về nó?”.

Hùng không vẽ phố, mà để ngòi bút trôi theo cảm giác của mình về phố. “Cứ để nó tự nhiên và nó sẽ đưa ta đi”, Hùng nói về công việc của mình, khi cảm xúc và tiềm thức trở nên mạnh mẽ để dẫn dắt từng nét vẽ.

ben song

 Tác phẩm "Bến sông".

Hà Nội luôn là đề tài đầy cảm hứng cho họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng. Từ khi còn là sinh viên trường Đại học Nghệ thuật Trung ương, rồi sau đó Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hùng nhận ra Hà Nội là nơi gắn bó, nơi mà trong từng ngõ ngách, từng góc phố, người họa sĩ trẻ có thể tìm thấy chính mình, chìm đắm trong cái ồn ã lần trầm tĩnh của nó để ru lòng mình.

Thế rồi tình yêu ấy đã lấp lánh trong từng nét vẽ. Xưởng vẽ của Hùng đặt ở Ngọc Thụy, Long Biên, và nhiều lần sang trung tâm Thủ đô qua cầu Long Biên, gió sông Hồng như đã níu vào hồn người họa sĩ để cứ mãi vương vấn cùng tình yêu mảnh đất ấy.

Nhiều lần, như một kẻ dư thừa năng lượng, Hùng tìm đến những bãi vắng đầy cỏ ven sông Hồng, mang theo bút vẽ và những tấm toan to khủng, như muốn thu gọn cả một vùng sông nước vào tranh vẽ. Ấy vậy mà phải thật tinh tế mới nhận ra từng ngọn sóng lao xao trong tranh.

Tất cả, cả bầu trời đầy mây trắng, cả vùng sông nước mênh mang, những con thuyền lênh đênh trên sóng… đã được cô đọng, dồn nén, xóa nhòa, phủ định hình vóc, gạn lại những gì thuần khiết và trong trẻo nhất của cảm xúc và hình dung về nó, hiển hiện trong những bức tranh trừu tượng.

Có cảm giác như nếu không vẽ ra chúng, người họa sĩ sẽ không chịu nổi những gai góc sắc nhọn, những thôi thúc của đam mê và bản năng từ nguồn năng lượng lúc nào cũng tràn đầy kia.

chang vang 3

 Tác phẩm "Chạng vạng"

Bởi vậy mà Hùng vẽ, vẽ điên cuồng. Vẽ ở bến sông, vẽ trong xưởng, vẽ đêm, vẽ ngày. Bất cứ lúc nào trong đầu người họa sĩ cũng vang lên âm thanh của những nhát cọ, sự mời gọi đầy sức dẫn dụ của sắc màu, và nỗi ngây ngất trước công việc sáng tạo.

Nếu như trước đây, những bức tranh trừu tượng như “Chiều mưa”, “Nắng sớm”… có xu hướng thiên về nhịp điệu, thì gần đây tranh của Hùng có xu hướng thiên về ký hiệu, pha trộn chút ít với lối biểu hiện.

Hùng nỗ lực đổi mới ngôn ngữ tạo hình hàng ngày, và phải thừa nhận rằng, tranh trừu tượng của Hùng ngày càng “kiệm lời”, những màu sắc cùng sự chuyển động và nhịp điệu của nó dần được tiết chế, để chỉ còn lại những nét vẽ và hòa sắc mỏng manh, đơn giản mà tinh khiết nhất. Bức “Lênh đênh”, “Chạng vạng” cùng series tranh vẽ về nước của Hùng, có thể nói, đã dẫn dắt cảm xúc của người xem đến một miền khác, nơi hiện thực không còn trở nên quá trần trụi như chúng ta thường thấy nhưng hơn bao giờ hết lại lộng lẫy bất ngờ. Người họa sĩ đã nhìn thấu cả vẻ trầm lắng và rực rỡ của nó.

Picasso đã có lần nói rằng “Hội họa là nghề nghiệp của người mù”. Nghĩa là anh ta, họa sĩ, sẽ không vẽ những gì nhìn thấy mà chỉ vẽ những gì anh ta nghĩ và cảm nhận được mà thôi.

Thế giới màu sắc trong tranh của Nguyễn Mạnh Hùng thật đẹp, và đó là những gì Hùng đã thấy, đã cảm nhận được từ cuộc sống này, từ mảnh đất Hà thành mà người họa sĩ trẻ yêu đến điên cuồng, từ từng ngày buồn vui, thành công hay thất bại, từ cả những gian nan và khắc nghiệt của nghiệp vẽ mà đôi lúc Hùng cũng phải thảng thốt tự hỏi lòng sẽ phải bắt đầu hay dừng lại ở đâu.

Nhưng nỗi đam mê đã chiến thắng tất cả. Hùng gạt bỏ mọi thứ, như cách đã gạt bỏ hình khỏi màu, gạt bỏ một sự vật khỏi hình dạng thông thường của nó, để chỉ còn lại những gì tinh túy nhất. Chỉ còn lại điều duy nhất quan trọng và có ý nghĩa, đó là: vẽ.

Cứ vẽ thôi, dường như đó là câu nói luôn thôi thúc Hùng, theo cách riêng của nó vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng nhẫn nại, trong những đêm tĩnh lặng hạnh phúc và cô đơn cùng tận, trước tấm toan trắng đang đợi chờ.

Phạm Quỳnh An
Bình luận
vtcnews.vn