Hoa hậu H'Hen Niê truyền cảm hứng giáo dục cho giới trẻ

Giáo dụcThứ Hai, 14/01/2019 09:05:00 +07:00

Trong khi nhiều bạn không chịu được khó khăn do khoảng cách từ nhà đến trường cấp ba tận 13 cây số, thì H'Hen Niê quyết tâm ngày nào cũng đạp xe đến trường.

Tại tọa đàm "Bình đẳng cơ hội giáo dục" trong khuôn khổ chương trình BridgeFest 2019 - Lễ hội âm nhạc "Thu hẹp khoảng cách" lần thứ 4 vào ngày 13/1, H'Hen Niê truyền cảm hứng cho hàng nghìn khán giả trẻ bằng câu chuyện giáo dục của chính mình.

1

Hoa hậu H'Hen Niê truyền cảm hứng cho giới trẻ. (Ảnh: BTC)

Không chỉ gia đình của H'Hen Niê mà đại đa số các gia đình dân tộc thiểu số việc học không được coi trọng. Trong khi đó việc lớn lên, sinh con đẻ cái mới được họ quan tâm. Họ luôn coi việc học là tốn kém, mất nhiều chi phí.

Trong gia đình H'Hen Niê, anh chị em thường bảo nhau không cần phải học nhiều, ở nhà để kết hôn, hỗ trợ gia đình làm nông là được. Khi ấy, cả buôn làng chỉ có 3 người học hết cấp 3 và duy nhất 2 người học lên đến Đại học.

Hoa hậu chia sẻ, khoảng cách từ nhà đến trường cấp ba 13 cây số, các em không chịu được áp lực và khó khăn nên nhiều em nghỉ học.

"Nhưng lúc ấy tôi quyết tâm, ngày nào cũng đạp xe từ nhà đến trường. Sáng đạp xe đến trường, chiều lại về nhà làm rẫy cùng gia đình. Bản thân cảm thấy đi học là vui, đi học để mình có cơ hội cạnh tranh với các bạn cùng lớp", H'Hen Niê nói.

Cô chia sẻ, có thời điểm, cô kết bạn với người Kinh. Dù là một người khá hài hước nhưng vì tiếng Việt còn chưa sõi nên cô không dám nói chuyện với các bạn. Thay vào đó, cô chọn cách viết thư để trao đổi cũng như để rèn luyện ngôn ngữ. 

3 3

Nhiều khán giả trẻ chăm chú theo dõi cuộc trò chuyện của H'Hen Niê. (Ảnh: BTC)

Kể về ước mơ, hoa hậu H'Hen Niê nói, hồi lớp 10, 11 khi cùng cha đến ngân hàng, thấy các anh chị mặc đồng phục rất đẹp nên cô chỉ mong sau này được làm nhân viên ngân hàng. "Cứ thấy cái gì khác buôn làng của mình, khác quê hương mình là mình ao ước", hoa hậu chia sẻ một cách giản dị.

Với H'Hen Niê, giáo dục là thứ mang lại cho cô nhiều đam mê và cơ hội mới để có thể làm điều bản thân thích sau này. "Khi được làm thứ mình thích, tôi có thể thức từ 6h sáng đến 10h đêm mà không hề mệt mỏi”, H’hen chia sẻ.

Trước thực trạng nhiều đứa trẻ đang quay cuồng trong những ước mơ và kỳ vọng của cha mẹ, H’hen cho rằng cần ưu tiên yếu tố hạnh phúc thay vì áp đặt con cái. Hạnh phúc cần đi suốt trong hành trình lớn lên của trẻ, vì chỉ khi có hạnh phúc ta mới có năng lượng đạt được bất cứ mục tiêu gì. Giáo dục phải luôn đồng hành với hạnh phúc.

Linh Nhi
Bình luận
vtcnews.vn