Hồ Trung Dũng: Gã điển trai mắc nợ nghiệp cầm ca

Tổng hợpThứ Tư, 02/10/2013 11:28:00 +07:00

Một giảng viên năng lực được cân nhắc làm Phó khoa tại một trường Đại học danh giá ở TP Hồ Chí Minh lại quyết định “ngoặt” sang nghiệp ca hát...

Hồ Trung Dũng lạ, đúng vậy, Hồ Trung Dũng đẹp: cũng đúng, Hồ Trung Dũng có giọng hát hay, cũng không sai nhưng tại sao một sinh viên giỏi, một giảng viên năng lực được cân nhắc làm Phó khoa tại một trường Đại học danh giá ở TP Hồ Chí Minh lại quyết định “ngoặt” sang nghiệp ca hát khi đã ở tuổi gần “băm”, đây hẳn nhiên là một điều khó lý giải…

Không rõ có phải tôi gặp Hồ Trung Dũng vào một chiều dịu mát sau những cơn mưa trắng trời tại Hà Nội hay không mà cảm giác Dũng mang tới rất nhẹ nhàng và dễ chịu, sự dễ chịu của một thanh niên có tri thức và lịch lãm. Có lẽ, cũng như hình ảnh muốn xây dựng trong phong cách âm nhạc của mình, ở Dũng luôn toát nên sự sang trọng nhưng rất gần gũi và tự nhiên. Dũng có lối nói chuyện mạch lạc, chân thành và dí dỏm. Chính bởi vậy mà những băn khoăn của tôi khi bắt đầu câu chuyện với Dũng dần được sáng tỏ và tôi dường như bị cuốn hút vào chàng ca sĩ này không hẳn bởi giọng hát mà bằng phong cách rất đặc biệt của anh.

 

“Điềm báo” từ cây đàn?
Ngay từ nhỏ, Hồ Trung Dũng đã rất mê nghe những ca khúc trữ tình thay vì phải nghe những ca khúc thiếu nhi. Dũng như “già” trước tuổi khi để giai điệu và ca từ của những bản tình ca xâm chiếm tâm hồn non nớt. Và điều bất ngờ thú vị là tới bây giờ, trong nhóm fan hâm mộ Dũng có những khán giả nhí mới… 5 tuổi đầu, đúng là “hữu duyên”.
Câu chuyện về niềm đam mê âm nhạc chắc cũng chỉ dừng ở mức đó, giống như những người trong gia đình của Dũng: bố, mẹ và hai anh, tham gia các hoạt động đoàn thể với máu văn nghệ trong người và làm những công việc khác chắc chắn và không bị… phiêu như cái nghề bị coi là “nghiệp cầm ca” như Dũng lao vào bây giờ. Câu chuyện bắt đầu từ lúc Dũng nì nèo đòi mẹ mua cho một cây đàn. Dũng đòi riết, kiểu đòi rất khó chịu của một đứa trẻ nhưng còn khó chịu hơn khi Dũng liên tục đòi mẹ chứ không nhanh quên như chuyện đòi đồ chơi giống những trẻ em khác. Mẹ Dũng buộc lòng phải mua tặng cho con với điều kiện Dũng phải học văn hóa thật giỏi. Dũng đồng ý. Và bên cạnh việc học, tập đàn keyboard Dũng vẫn học văn hóa rất giỏi.
Suốt những năm Trung học phổ thông, Dũng vẫn tham gia biểu diễn văn nghệ tại trường với việc hát đơn ca hoặc độc tấu keyboard nhưng mơ ước ngày đó của Dũng là được trở thành kiến trúc sư chứ không phải là thầy giáo hay ca sĩ.
Cho tới mãi những năm Đại học, bên cạnh việc mong muốn được trở thành một giảng viên để nối tiếp ước mơ không thành của mẹ, Dũng đã học thật giỏi để được giữ lại trường giảng dạy thì cũng là lúc Dũng nhận ra một tình yêu khác của mình: nhẹ nhàng nhưng da diết và cháy bỏng hơn bao giờ hết với ước mơ khôn tả về việc được đứng trên sân khấu hằng đêm, được hát cho thỏa niềm đam mê ẩm ỉ chảy trong huyết quản tự lúc nào.

Bạo gan hát khi “ngà ngà say” và...
Dũng nhớ lại: “Vào năm 2004, khi tốt nghiệp Đại học xong, Dũng cảm thấy hụt hẫng vô cùng vì không còn được tham gia hát hò cùng bạn bè trong đội văn nghệ của trường nữa. Một tối, khi đã hơi ngà ngà say cùng anh chị tại một bar ca nhạc, Dũng đã “bạo gan” xin lên hát thử để trở thành ca sĩ hằng đêm và người quản lý đã ưng thuận. Cũng là cái duyên khi tại đây, Dũng được gặp anh Bình, trưởng nhóm Cadillac và nhận ra được cảm nhạc tuyệt vời của Dũng, anh Bình đã ngay lập tức mời Dũng vào nhóm. Từ đó, Dũng được tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp. 
Niềm đam mê càng lúc càng cháy bỏng. Trong những lần đi thu âm, Dũng đã nghe nhiều nhạc sĩ uy tín khen chất giọng của mình và gợi ý anh tách ra con đường solo. Khi đó Dũng chỉ nghe cho vui vì nghĩ: “Chắc các ảnh động viên”. Nhưng rồi cái duyên tự đến… Đầu năm 2009, Dũng chợt nhận ra mình đã thực hiện được tất cả những mục tiêu mình đặt ra cho nghề giáo, và đã đến lúc bắt đầu một hành trình mới – hành trình chinh phục ước mơ lớn nhất của mình: được đứng trên sân khấu hát bằng chính những cảm xúc của mình. Sẽ không bao giờ là quá trễ để sống với đam mê và thế là anh bắt tay vào biên tập, thực hiện album đầu tay “Hoài niệm” và chính thức ghi tên của mình trong làng nhạc Việt khi đã 27 tuổi. 
Nhiều người cho rằng Dũng có xích mích với nhóm bè nên tách ra, nhưng không phải, các thành viên của nhóm rất ủng hộ Dũng và tới nay khi Dũng cần nhóm vẫn hỗ trợ tích cực.
Nhiều người còn cho rằng phải chăng Dũng có… “đại gia nào” đỡ lưng hay có một thế lực nào đứng sau mà được tham gia vào các chương trình truyền hình lớn. Dũng từng bật cười khi nghe điều đó nhưng không mấy ai biết, chính nhờ vào những ngày tháng hoạt động trong nhóm mà Dũng có các “mối ruột” như chương trình: “Thay lời muốn nói”; còn với “Bước nhảy hoàn vũ”, khi đó chương trình đang cần ca sĩ hát tiếng Anh , BTC được biết Dũng hát tiếng Anh tốt nên đã mời làm ca sĩ hát chính cho chương trình. Cứ thế, cái duyên đưa đẩy, Dũng được mời đóng phim và dẫn những chương trình uy tín với vai trò làm MC rất duyên và dĩ nhiên, xuất hiện ấn tượng với vai trò chính của mình – ca sĩ – trong nhiều chương trình truyền hình và ca nhạc lớn.
Từ năm 2009 tới nay, âm nhạc VN đón nhận một gương mặt mới với giọng ca khỏe và truyền cảm, anh không chỉ là một ca sĩ mà còn là một nhạc sĩ, đó là Hồ Trung Dũng. Những ca khúc của anh sáng tác được các chương trình truyền hình dàn dựng như: Đơn giản vậy thôi (Thay lời muốn nói), Hoài niệm (đoạt giải Bài hát Việt), Thênh thang (Chào 2013) hay Còn lại gì khi anh vắng em (Cặp đôi hoàn hảo)…. Tới đây, Hồ Trung Dũng tiếp tục cho ra mắt 2 CD nữa mà anh theo đuổi từ năm trước: một CD trữ tình gồm những bài chọn lọc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Phạm Duy nhưng được phối mới với sự hòa trộn nhạc mộc và world music; bên cạnh đó là CD smooth jazz gồm những tác phẩm do nhạc sĩ Thiện Thanh sáng tác, hòa âm và sản xuất.

 

Không thích gái trẻ như Lê Hoàng
Có thể nói Hồ Trung Dũng không phải là người… “ăn ảnh”, theo kiểu nói của người miền Bắc. Bởi ở bên ngoài nhìn Dũng trẻ trung và đẹp hơn so với những hình ảnh bóng bẩy trên truyền hình. Dũng cười vang khi nói về hình thức bề ngoài của mình. Đây cũng là lý do dễ hiểu vì sao câu lạc bộ “fan” hâm mộ của Dũng phần đông là các bạn gái trẻ. Thậm chí, có những “fan” hâm mộ tới nỗi trà trộn vào lớp Dũng dạy để được chiêm ngưỡng thần tượng. Dũng cho rằng đó là một điều may mắn hơn là sự khó chịu bởi thời gian không chiều một ai và lúc này có thể Dũng đang nhận được sự ưu ái của nó và Dũng phải trân trọng. Tuy nhiên, nếu đứng ở khía cạnh một nghệ sĩ, Dũng mong muốn các “fan” đến với mình và “ở lại” bên mình lâu hơn nhờ hiểu và yêu giọng hát, phong cách âm nhạc mà Dũng xây dựng hơn là chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài.
Quan điểm về tình yêu của Dũng cũng khác hẳn với vẻ bề ngoài đầy chỉn chu và quá hào hoa trên màn hình. Không giống như Lê Hoàng, thích những cô gái trẻ, Dũng thích một người từng trải hơn. Cũng như nhiều người trẻ tuổi khác, Dũng thích một đám cưới và rất thích nghi thức đẹp này nhưng anh chỉ thực hiện khi có một tình yêu thực sự, làm đám cưới vì mong muốn được làm chứ không phải làm cho có. Ở tuổi 32, chưa tìm được ý trung nhân dù đã qua những cuộc tình, có cuộc tình kéo dài cả 7 năm Dũng không cho đó là muộn màng, bởi theo anh, tình yêu sẽ đến vào những lúc chúng ta không mong đợi nó nhất, và quan trọng nhất phải giữ được cảm xúc để sống với tình yêu đó hết mình.
Từ tính cách và quan điểm về nghệ thuật, Hồ Trung Dũng đã ghi dấu ấn của mình trong lòng khán giả như một ca sĩ trí thức, lịnh lãm nhưng lại thân thiện, gần gũi với những ai có dịp tiếp xúc với anh. Anh vẫn đang trên con đường tìm kiếm một nửa của mình, một người chân thành, hiểu mình, yêu âm nhạc của mình. Nhưng trên hết, anh vẫn đang bước đi trên con đường âm nhạc, tìm kiếm những khám phá mới và tìm kiếm những đồng cảm từ những người yêu âm nhạc và yêu con người của Hồ Trung Dũng.  

Thục Nhi
Bình luận
vtcnews.vn