Hồ sơ của doanh nghiệp bị 'ngâm', Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thừa nhận 'không dám ký vì thấy xấu hổ quá'

Thời sựThứ Sáu, 26/07/2019 07:31:00 +07:00

Hồ sơ của một doanh nghiệp (DN) bị “ngâm” suốt một năm rưỡi, ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận “Tôi không dám ký vì thấy xấu hổ quá”.

Dự án ách tắc vì thủ tục   

Tại một số cuộc họp với lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kể lại câu chuyện hồ sơ của một doanh nghiệp (DN) bị “ngâm” suốt một năm rưỡi vì phải chuyển lòng vòng qua nhiều sở ban ngành, phòng ban khác nhau trước khi trình lên cho ông ký. Ông  Nguyễn Thành Phong thừa nhận: “Tôi không dám ký vì thấy xấu hổ quá”.

Đó là câu chuyện thực tế về một DN nộp hồ sơ xin tham gia chương trình kích cầu DN. Tiêu chuẩn các DN nào được tham gia chương trình này đã được ban hành. Các sở ban ngành chức năng, thậm chí cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể trả lời ngay cho DN.

Tuy nhiên, hồ sơ này bị chuyển lòng vòng qua nhiều phòng ban, sở ngành khác nhau, cuối cùng trình lên Chủ tịch UBND TPHCM kèm theo nội dung tham mưu trả lời DN là… không được.

nguoi_dan_lam_thu_tuc_nha_dat_tai_huyen_hoc_mon_18__irpk

Đất đai, xây dựng là lĩnh vực người dân còn kêu ca nhiều nhất.

Ông Nguyễn Thành Phong bức xúc: “Việc được hay không được, tham gia chương trình có tiêu chuẩn hết. Nếu không đảm bảo thì trả lời ngay là không được, chứ đằng này xem qua xem lại mất một năm rưỡi. Tôi không dám ký vì tôi xấu hổ quá. Tôi kể chuyện đó để các đồng chí rút kinh nghiệm, suy nghĩ về trách nhiệm”.

Chiều 25/7, đại diện một DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phàn nàn DN này muốn mở một cửa hàng nhỏ nhưng mất nửa năm mới xong thủ tục. Nhiều thủ tục bị kéo dài vì những lý do “trời ơi” và thời gian càng kéo dài thì DN  càng có thể mất cơ hội đầu tư.

“Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản hỏi ý kiến các bộ ngành, trong khi lại chưa có quy định về thời hạn trả lời. Và khi các Bộ trả lời nội dung rõ ràng là chấp thuận nhưng không có chữ “chấp thuận” thì Sở KHĐT cũng không cấp”, ông cho biết.

Đối thoại với lãnh đạo TPHCM, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) than phiền thủ tục hành chính dẫn đến tình trạng ách tắc nhiều dự án trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết công ty đang có 12 dự án bị ách tắc với tổng quỹ đất hơn 150 ha, trong đó bức xúc nhất là một dự án đất ở có diện tích 3.000 m2 không thuộc diện rà soát của chính quyền TPHCM.

“Đến bây giờ các sở ban ngành TPHCM vẫn chưa giải quyết được thủ tục, chưa trình UBND thành phố chấp thuận đầu tư cho DN với lý do họ… thắc mắc đất giao cho doanh nghiệp vào năm 2005 có vướng vào đất công hay không. Những khó khăn, nhiêu khê về thủ tục hành chính để triển khai dự án khiến cho DN rất khổ sở trong việc duy trì hoạt động. Nhiều lúc bế tắc quá, tôi đã nghĩ đến việc tự tử…”, bà Loan cho hay.

Mỏi mòn chờ đợi…

 Được ủy quyền sở hữu căn nhà số 15/1 Lê Quý Đôn (quận Thủ Đức), mới đây, bà Nguyễn Kim Vân (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) làm hồ sơ xin giấy phép sửa chữa nhà và nâng nền hẻm xi măng (gia đình bà Vân sử dụng riêng) để chống ngập. Sau hơn 30 ngày nộp đơn, hồ sơ của bà Vân vẫn trong diện “đang xem xét”.

Nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên UBND quận Thủ Đức, Phòng Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng… hồ sơ xin phép sửa chữa nhà của bà Vân vẫn không được giải quyết.

 
Những khó khăn, nhiêu khê về thủ tục hành chính để triển khai dự án khiến cho DN rất khổ sở trong việc duy trì hoạt động. Nhiều lúc bế tắc quá, tôi đã nghĩ đến việc tự tử…

Bà Nguyễn Thị Như Loan

Tại Quận 4, nhiều năm qua bà Phan Thị Thanh Nga, chủ sở hữu căn hộ số 44 lô V cư xá Vĩnh Hội gõ cửa khắp nơi để xin mua diện tích sàn nước khoảng 8 m2 nằm bên trong căn hộ của mình. Bà Nga dọn về chung cư Vĩnh Hội từ cuối năm 1965. Đến năm 1997, gia đình bà được giải quyết mua hóa giá căn hộ với giá gần 27 triệu đồng. Trong suốt thời gian thuê nhà (1965 - 1997), cơ quan chức năng tính diện tích sàn nước vào tổng diện tích cho thuê.

Tuy nhiên, đến lúc mua hóa giá, gia đình  bà không được giải quyết mua như nhiều hộ khác ở chung cư. Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Quận 4 (đơn vị được giao bán nhà) trả lời chỉ bán nhà chứ không bán sàn nước.

Điều khiến bà Nga bức xúc là sự chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Trong suốt thời gian qua, bà Nga đã cung cấp gần 20 loại giấy tờ, hồ sơ liên quan. Bà cũng nhiều lần đến UBND phường 8, Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận 4, Phòng Quản lý đô thị quận, UBND quận, Sở Xây dựng,… nhưng vẫn chưa có câu trả lời cụ thể và thuyết phục…

Vừa qua, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường cho biết đã nghe gia đình bà Nguyễn Kim Vân phản ánh và đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan kiểm tra làm rõ và xử nghiêm vi phạm (nếu có).

Còn ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4 cho hay tại chung cư Vĩnh Hội có 2 trường hợp xin mua sàn nước trong nhà. Khi UBND phường lấy ý kiến thì nhiều hộ dân ở chung cư không đồng ý bán cho hai hộ này nên sự việc kéo dài. Việc bán cho hộ này không bán cho hộ kia là do quy định mỗi thời kỳ khác nhau. Hiện nay, thẩm quyền bán hay không thuộc Sở Xây dựng.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, tồn đọng hồ sơ trong 6 tháng đầu năm còn cao với khoảng 31.942 hồ sơ, trong đó, hồ sơ trễ hẹn chủ yếu là đất đai, xây dựng. Ở lĩnh vực đất đai còn nhiều hồ sơ chậm xử lý, hoặc giải quyết rất lâu làm cho người dân không hài lòng và bức xúc. Hiện nay, tỷ lệ người dân không hài lòng ở lĩnh vực này đang ở mức cao.

Lý giải về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng bị người dân than phiền nhiều, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TPHCM thừa nhận: Thủ tục nhà đất đã đơn giản rất nhiều nhưng vẫn còn vài khâu còn gây khó khăn cho người dân và DN.

Điều này làm gia tăng tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn là 10%. Phần lớn hồ sơ giải quyết trễ hẹn thuộc trường hợp hồ sơ ký mới giấy chứng nhận phải chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM, chiếm khoảng trên 60% với khoảng 20.000 hồ sơ.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, sắp tới thành phố sẽ kiểm tra một vài đơn vị để đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính bởi hiện nay có nhiều người đứng đầu các đơn vị né tránh, e dè, sợ trách nhiệm. TPHCM sẽ xử lý nghiêm những công chức, cán bộ nhũng nhiễu người dân, DN.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn