Hổ dữ ăn thịt 2 bà cháu và chuyện rùng rợn ở khe nước nơi ngã 3 biên giới

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 10/06/2015 06:27:00 +07:00

(VTC News) - Ông Chừ và mọi người khóc rống lên khi thấy con hổ vằn khổng lồ, thân to như con ngựa, đang ăn xác con gái mình.

(VTC News) - Ông Chừ và mọi người khóc rống lên khi thấy con hổ vằn khổng lồ, thân to như con ngựa, đang ăn xác con gái mình.

Kỳ 1: Hai bà cháu mất mạng vì hổ


Giờ đây, đường nhựa đã vào đến tận ngã 3 biên giới Apachải (Mường Nhé, Điện Biên), nơi tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe. Nhiều ngọn núi hình yên ngựa giờ trọc lốc. Đi sâu vào trong đại ngàn Mường Nhé, mới còn rừng rậm.

Ít ai biết rằng, chỉ cách nay hơn chục năm, người dân vùng tận cùng Tổ quốc này, vẫn sống giữa rừng hoang và thú dữ. Những câu chuyện về hổ ăn thịt người, những đứa trẻ nô đùa với đàn voi rừng thung thăng bên bờ suối, vẫn như mới hôm qua.

Đường từ trung tâm huyện Mường Nhé vào Chung Chải cơ bản rừng vắng bóng. Màu thẫm xanh của đại ngàn đã dần lùi về phía trời tây bên nước Lào. Đám thợ săn bảo, hổ vẫn còn, voi vẫn còn, gấu, báo còn nhiều, nhưng chúng ở bên kia biên giới, thi thoảng mới dạo chơi mò sang… thay đổi không khí.

Tranh thủ lúc bọn thú lạc sang địa bàn nước Việt, đám thợ săn xách súng vào Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nhả đạn. Từ suối Chung Chải đi về phía ngã ba biên giới, rừng vẫn còn âm u, tương đối rậm rạp.

Ông Lùng Hừ Tư, cán bộ xã Chung Chải dẫn đường về phía “nơi có tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe”, ngồi trên xe trò chuyện như hướng dẫn viên du lịch trong sở thú, hay công viên quốc gia ở đất nước châu Phi hoang dã nào đó.

Ông Lùng Hừ Tư chỉ khe nước, nơi hai bà cháu bị hổ ăn thịt 
Ông Tư chỉ địa điểm này voi hay về, khe nước kia đàn hổ tụ tập giải khát vào mỗi buổi chiều hay sáng sớm trước lúc đi săn. Dốc núi kia bọn lợn lòi thòi lòi chiếc răng nanh như cặp sừng trên miệng thường mò về phá nương, húc chết mấy mạng người.

Xe đang phóng nhanh, Ông Lùng Hừ Tư bảo dừng lại. Ông vạch mấy bụi cỏ, men theo con đường mòn, xuống suối Chung Chải. Bên kia con suối, có một khe nước, mà mọi người gọi là khe Hai Bà Cháu. Ông bảo, khe nước ấy thiêng lắm, mọi người đi qua đều chắp tay vái. Nhiều người còn bảo thi thoảng nhìn thấy hai bà cháu như cái bóng trắng ngồi chơi ở đầu khe.

Bản Leng Su Sìn giờ dân cư đông đúc, địa bàn rộng lớn, nên đã tách thành xã Leng Su Sìn. Xã Leng Su Sìn khá rộng, nhưng bản cũ vẫn giữ tên Leng Su Sìn và vẫn chỉ có vài chục nóc nhà nằm heo hút trên lưng một quả núi thấp. Bản cách đồn biên phòng Leng Su Sìn không xa. Lội qua con suối thì đến bản. Những ngôi nhà trình đất, hoặc vách gỗ, trông như quả nấm, thấp lè tè lẫn trong những khóm cây.

PV trao đổi với ông Chang Gô Chừ 
Vợ chồng ông Chang Gô Chừ, đều 70 tuổi, sống trong ngôi nhà đất bé tin hin giữa bãi đất trống. Trời nắng chang chang, mà trong nhà ông tối om. Ngôi nhà chẳng có cánh cửa, chẳng có chỗ ngồi, nền đất nhổn nhổn như ổ gà. Hai ông bà cứ ngồi trong căn nhà tối om đó uống nước, có người đến gọi mới chịu chui ra.

Người dân ở vùng này, đặc biệt những người lớn tuổi chẳng lạ gì việc hổ ăn thịt người. Mường Nhé nổi tiếng với câu nói: “Hổ Pắc Ma, ma Nậm Pục”, ý nói, ở địa danh Pắc Ma hổ vồ người như cơm bữa. Người bị hổ ăn thịt biến thành con ma, cứ lang thang, vất vưởng trong rừng già.

Dốc Pắc Pa vốn gây kinh hãi một thời, chẳng ai dám một mình đi qua đó, bởi hổ rình cả đàn để vồ người ăn thịt. Tuy nhiên, nhắc đến chuyện hổ ăn thịt người, người dân vùng tận cùng Tổ quốc này đều nhắc đến ông Chang Gô Chừ. Người ta đồn rằng, dòng họ nhà ông có mối thâm thù gì đó với loài hổ, nên bị hổ bắt nhiều người trong họ ăn thịt.

Tôi hỏi chuyện ấy, ông Chang Gô Chừ gật đầu xác nhận. Trước đây, thời cha ông, tổ tiên, rất nhiều người chết trẻ, đều có nguyên nhân bị hổ vồ. Nhưng, không hẳn riêng dòng họ ông, mà chẳng mấy gia đình người Hà Nhì ở bản Leng Su Sìn sống giữa đại ngàn hoang rậm không có người bị hổ ăn thịt.

Ông Chang Gô Chừ buồn lòng khi nghĩ về chuyện hổ dữ ăn thịt mẹ đẻ và con gái ông 
Vài chục năm trước, dân số ở đây tăng chậm, ngoài nguyên nhân đường sá xa xôi, bệnh tật không được cứu chữa kịp thời, thì con người làm mồi cho hổ cũng là một nguyên nhân quan trọng. Sau này, bộ đội lên, có súng ống, tiêu diệt nhiều hổ dữ, những con hổ hay ăn thịt người, thì tình trạng hổ bắt người giảm hẳn.

Nhắc đến khe nước có tên Hai Bà Cháu, ông Chang Gô Chừ dù không nghe được trực tiếp tiếng phổ thông, phải qua phiên dịch, song khuôn mặt ông chùng xuống, nước mắt cứ chực rỉ ra. Ông bảo rằng, dù chuyện ấy đã qua cách nay gần 30 năm, nhưng những ký ức vẫn khiến ông hãi hùng, đau lòng.

Theo lời ông Chang Gô Chừ, hôm đó là ngày 19/8/1986 (âm lịch), ăn trưa xong, hút điếu thuốc lào, rồi mẹ đẻ ông, bà Chang Hò Pơ thúc cháu nội là Chang Pố Sừ dậy vào rừng. Chang Pố Sừ là con gái của vợ chồng ông, khi đó mới tròn 13 tuổi.

Hồi đó, vợ chồng ông sống cùng mẹ đẻ. Bà Pơ bảo sẽ lên nương dẫy cỏ một lúc, rồi vào rừng hái củi. Bà rủ cháu gái đi vào rừng để cháu hái quả Ô Mé Xì, là loại quả như quả dâu đất, mọc sát mặt đất.

Vùng ngã ba biên giới A Pa Chải nhiều nơi giờ trọc lốc 
Nương gần nhà, mà hồi đó hổ báo nhiều, nên mọi người thường về nhà lúc 4 giờ chiều. Lúc hổ đi săn mồi, thì không ai dám ở trong rừng nữa. Thế nhưng, hôm đó, đến 6 giờ tối, bóng đêm đã bao phủ khắp nơi, mà hai bà cháu vẫn chưa thấy về. Tiếng “uồm uồm” của cọp vang lên từ phía cánh rừng nơi có nương ngô nhà ông, khiến lòng ông như có lửa đốt.

Sốt ruột quá, ông Chừ gọi anh em họ hàng cùng lên nương, vào rừng tìm kiếm. Tìm kiếm trên nương không thấy ai, nhớ lời bà Pơ bảo cho cháu đi hái quả Ô Mé Xì, nên ông đi về phía khe, vì loài quả này mọc nhiều bên khe ẩm ướt.

Ông Chừ và mọi người khóc rống lên khi thấy con hổ vằn khổng lồ, thân to như con ngựa, đang ăn xác con gái mình. Cách chỗ nó ngồi ăn xác bé Sừ vài mét, ngay mép suối là xác bà Pơ, nằm bất động với máu me đầy người, không có mảnh vải che thân.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn