'Hô biến' đất công thành của riêng ở Hải Phòng: Có dấu hiệu tội phạm hình sự

Điều traThứ Sáu, 15/07/2016 07:18:00 +07:00

“Cơ quan có trách nhiệm cần phải làm rõ động cơ, mục đích của cá nhân có trách nhiệm của Sở Tài nguyên & Môi trường đối với việc đề xuất cấp sổ đỏ cho 5 cán bộ trên đất của Hội làm vườn Hải Phòng”, luật sư Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nói.

Như VTC News đã đưa tin, HLV Hải Phòng xin cấp đất làm trụ sở nhưng lại “hô biến” hơn 1000m2 thành nhà ở cho 05 cán bộ là lãnh đạo.

ls_tuan-0840

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).  

Hành vi trái pháp luật này đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ, nhưng nhiều năm trôi qua, sự việc vẫn chưa được xư lý dứt điểm.

Không những thế, trong báo cáo gửi UBND TP.Hải Phòng, Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng lại đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho 05 hộ (1.000m2) khiến dư luận cho rằng, cơ quan này đang “hợp thức hoá sai phạm”.

PV VTC News đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) xung quanh câu chuyện "nóng" này.

- Việc chia chác hơn 1.000m2 đất của nhóm cán bộ Hội làm vườn Hải Phòng có đúng pháp luật, thưa ông?

Trước tiên, tôi khẳng định, việc chia chác hơn 1.000m2 đất của nhóm cán bộ HLV Hải Phòng là có dấu hiệu hình sự: Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.

- Cụ thể, vi phạm những quy định nào, thưa ông?

Trên cơ sở thông tin báo chí phản ánh, theo tôi, trong vụ này, cả việc cấp đất và sử dụng đất đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ở khía cạnh thứ nhất, chúng ta thấy, HLV Hải Phòng là tổ chức nghề nghiệp, không phải tổ chức trong bộ máy chính trị nên không thuộc diện được cấp đất (không phải nộp tiền sử dụng đất).

Hơn nữa, việc đền bù giải phóng mặt bằng cần làm rõ lấy từ nguồn kinh phí nào, nếu lấy từ nguồn ngân sách thì lại càng sai, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Các hành vi này có dấu hiệu phạm vào Điều 174 (Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai).

Khía cạnh thứ hai, nhóm cán bộ lãnh đạo của HLV Hải Phòng đã vi phạm vào Điều 173 (Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai) trong việc chia chác hơn 1.000m2 đất cũng như sử dụng diện tích một phần đất còn lại trái mục đích.

A2

 Văn bản của UBND quận Ngô Quyền gửi UBND TP. Hải Phòng về việc xử lý vi phạm, tồn tại trong việc quản lý sử dụng đất của HLV Hải Phòng.

- Tức là, các cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự?

Hành vi vi phạm đó có bị xử lý hình sự hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà cơ quan điều tra phải xác minh làm rõ, như về hậu quả, về nhân thân của các đối tượng.

- Vi phạm, theo ông là đã rõ, nhưng, Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng lại đề xuất cấp GCN QSDĐ cho 05 hộ (1000m2) theo quy định tại Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Ông nghĩ sao về điều này?

Thật nực cười đối với một cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai lại có đề xuất như vậy. Như trên tôi đã trình bày, việc cấp đất không thu tiền sử dụng đất đối với HLV Hải Phòng là trái với các quy định của pháp luật. Việc sử dụng đất của HLV Hải Phòng vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Song, lạ là thay vì phải xử lý theo pháp luật thì Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng đề xuất cấp GCN QSDĐ.

Việc áp dụng Điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ cũng sai từ cách viện dẫn của Sở Tài nguyên & Môi trường như không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch là hoàn toàn bẻ cong sự thật.

- Vậy, phải hiểu bản chất của sự việc là…?

Sự thật ở đây là UBND TP.Hải Phòng cấp đất cho hội HLV, đất có chủ quản lý và các hộ lợi dụng là cán bộ Hội chiếm dụng trái phép để làm nhà. Còn về quy hoạch thì như thông tin trên báo đã nêu, toàn bộ diện tích đó nằm trong quy hoạch là đất công cộng cấp quận, hoàn toàn không phải là quy hoach khu dân cư.

- Ông đang nghi vấn điều gì?

Tôi đang đặt câu hỏi rất lớn đối với việc làm này của Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng trong việc đề xuất cấp GCN QSDĐ cho 05 hộ (1.000m2). Và tôi cho rằng, cơ quan có trách nhiệm cần phải làm rõ động cơ, mục đích của cá nhân có trách nhiệm của Sở Tài nguyên & Môi trường đối với việc làm trên.

- Theo ông, trường hợp này phải áp dụng điều luật nào?

Các hộ trên làm nhà trên diện tích đất lấn chiếm của Hội làm vườn Hải Phòng. Tại luật Đất đai 2014, các hộ đều không thuộc các đối tượng được nhận quyền sử dụng đất quy định tại Điều 169. Nếu chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 173 Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai thì cần phải áp dụng Nghị định 02/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể:

Điều 10. Lấn, chiếm đất3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.5. Biện pháp khắc phục hậu quả:a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;Ngoài ra còn bị xử phạt hành chính về việc xây dựng trái phép.

- “Hai nhà ở 3 tầng, một nhà ở 2 tầng và một số nhà ở cấp 4” không thể “mọc” lên chỉ trong 1 ngày. Ông nghĩ sao khi có dư luận cho rằng, các cơ quan công quyền (Sở Xây dựng TP.Hải Phòng, Sở TN&MT TP.Hải Phòng, UBND quận Ngô Quyền, UBND phường Đằng Giang) đã bị “vô hiệu hoá”?

Việc có dư luận như vậy là điều dễ hiểu. Nhưng để đánh giá là bị vô hiệu hóa hay không theo quan điểm của tôi thì cần phải có thêm những chứng cứ khác. Tuy nhiên, việc thiếu tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương là rõ ràng.

H12

UBND TP. Hải Phòng ra văn bản chỉ đạo việc xử lý vi phạm, tồn tại trong việc quản lý sử dụng đất của HLV Hải Phòng. 

- Trường hợp phải phá dỡ, kinh phí bên nào chịu?

Việc xây dựng trái phép thì chủ đầu tư (các hộ xây dựng) ngoài bị xử lý vi phạm, còn bị buộc phải tự tháo dỡ toàn bộ diện tích, khối lượng xây dựng trái phép. Trong trường hợp không tự tháo dỡ được phải tổ chức cưỡng chế thì toàn bộ chi phí cưỡng chế, tháo dỡ cũng do bên vi phạm phải chịu.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hưng (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn