HN hoảng hốt phun thuốc phòng bọ xít hút máu

Kinh tếThứ Hai, 26/07/2010 06:05:00 +07:00

(VTC News) - Hoang mang trước thông tin xuất hiện bọ xít hút máu người, nhiều người dân đã vội vã coi thuốc diệt côn trùng là cái phao cứu sinh.

(VTC News) - Hoang mang trước thông tin xuất hiện bọ xít hút máu người, nhiều người dân đã vội vã coi thuốc diệt côn trùng là cái phao cứu sinh, nhưng diệt bọ xít đâu chưa thấy, chỉ thấy những căn phòng ngập tràn chất độc sau những khoản tiền khá lớn mà chủ nhà phải nhắm mắt chi trả…

Trước thông tin rầm rộ về bọ xít hút máu người, đặc biệt là trong thời gian gần đây phát hiện thêm bọ xít hút máu người ở Hà Nội, với tâm lý hốt hoảng, lo sợ, nhiều cơ quan, văn phòng, nhiều hộ gia đình đã gọi dịch vụ phun xịt côn trùng với mục đích phòng trừ loại bọ xít nguy hại này.

 Cận cảnh loài bọ xít hút máu người (Ảnh: Internet)

Lượng khách dùng phun xịt côn trùng tăng 10%

Cách đây 2 tuần, văn phòng kinh doanh mây, tre đan của chị Nguyễn Hải Hà trên phố Hàng Cót (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tranh thủ ngày Chủ nhật đã gọi thợ tới phun thuốc. Chị Hà nói: “Ở thành phố, nhiều nơi đầy bọ xít. Hà Nội đã đọc tên từng con phố có bọ xít hút máu người” nên nhân viên tại đây ai nấy đều hoang mang. Chị cũng lo lắng “nhỡ may bọ xít hút máu người tự nhiên bò ra từ kẽ nơi các chồng sách vở cũ nát” (?!). Hỏi về loại thuốc mà văn phòng chị đã phun, chị Hà chỉ nói: “Nó hơi mùi và tới tận ngày hôm sau đi làm, mọi người vẫn có cảm giác đắng ở cổ họng”.

 Hai loại thuốc phun xịt phòng trừ bọ xít hút máu người được giới thiệu.

Hiện nay, trên các website rao vặt miễn phí, nhiều đơn vị tư nhân, các cá nhân cũng nhân cơ hội này mở dịch vụ “ăn theo”.

Lần theo đầu mối từ trang muare.com, VTC News gọi điện thoại tới số 09884xxx66, chủ nhân là anh Tuấn, người đã rao bán sản phẩm thuốc “diệt tất cả các loại côn trùng "muỗi, gián, kiến, bọ xít hút máu..." và "đặc biệt không gây hại đến người”.

Anh Tuấn cho biết, thuốc này của bên vệ sinh dịch tễ có tác dụng 6 tháng – 1 năm, tùy vào điều kiện ẩm thấp hay khô ráo. Giá đưa ra là 1,8 triệu/100 m2, có thể ưu ái giảm xuống còn 1,5 triệu/m2. Khi hỏi có nhiều nơi phun xịt để phòng trừ bọ xít hút máu người không, anh Tuấn thẳng thắn cho biết có nhiều rất nhiều nơi phun, kể cả ở xa cũng phun thuốc.

 Trên các trang website rao vặt đã xuất hiện các dịch vụ phun thuốc diệt côn trùng trong đó có bọ xít hút máu người

Nhiều công ty phòng trừ mối, muỗi, côn trùngcũng tăng doanh thu nhờ… bọ xít hút máu người. Theo anh Tường thuộc Công ty phòng trừ mối Ngọc Hà (Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì thời gian này, số lượng khách sử dụng dịch vụ của công ty anh tăng lên khoảng 10% và mục đích chính của phun xịt thuốc là phòng tránh bọ xít.

Về số liệu cụ thể, anh Tường nói không thể ước tính bởi “bọn em nhiều khách”, phần lớn đó là những khối cơ quan từ đài truyền hình, ngân hàng rồi các tòa nhà lớn nhỏ. 

Anh Tường cho rằng, chỉ cần dùng thuốc diệt côn trùng cũng có thể phòng trừ được bọ xít hút máu người.
Và để đạt hiệu quả tốt nhất, anh Tường chỉ dẫn vị trí phun như toàn bộ không gian từ tường xuống, sát trần cho tới gầm bàn, gầm ghế.

Nếu cần thì máy tính che đậy, đồ ăn đồ uống thì cất đi hết”, anh Tường nhắc nhở để khách hàng lưu ý. Về giá cả, anh Tường tư vấn thêm: “Có nhiều loại thuốc, thuốc của Đức tốt có giá 2.500 đồng/m2, thuốc Anh, thuốc Bỉ hoặc các loại thuốc khác, giá là 2.000 đồng/m2, chưa bao gồm VAT”.

Khi có khách hỏi mua, các chủ cửa hàng quán thuốc thú y trên đường Trường Chinh niềm nở mời chào, giới thiệu đủ các loại thuốc diệt bọ xít hút máu người, đa dạng về mẫu mã và giá cả.

Giám đốc Công ty TNHH Phòng Trừ mối & Côn trùng gây hại An Sinh (Số 136D, phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội), ông Nguyễn Quang Huy cũng cho biết: “Đợt này phun nhiều lắm… Bọ xít hút máu người cũng là 1 loại côn trùng, cứ phun là hết. Ngoài tác dụng diệt thì còn có tác dụng phòng trừ luôn”.

Về giá cả, An Sinh đưa ra như sau: Nếu tổng diện tích mặt sàn nhỏ hơn 100m2 thì chi phí trọn gói là 250.000 đồng, nếu tổng diện tích mặt sàn bằng hoặc lớn hơn 100m2 thì đơn giá là 2.500 đồng/m2.

Thị trường “chợ đen” cũng nhộn nhịp không kém. Cuối đường Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội), khi có khách hỏi, các chủ cửa hàng quán thuốc thú y niềm nở mời chào, giới thiệu đủ các loại thuốc diệt bọ xít hút máu người, đa dạng về mẫu mã và giá cả.

Dừng xe tại cửa hàng kiốt 18, sau khi hỏi cụ thểvề diện tích, địa chỉ nơi phun xịt thuốc, bà Bích Hằng (chủ tiệm) đã đưa ra 2 sản phẩm “thuộc loại đắt tiền” là Fendona, xuất xứ từ Pháp, loại 1 lít, giá bán 850 nghìn đồng, nếu bao gồm cả dịch vụ phun xịt sẽ mất ngót 2 triệu đồng. Một loại khác nữa là chai thuốc Icon của Bỉ, loại 1 lít, giá bán 500 nghìn đồng, nếu phun, tổng cộng 1,5 triệu đồng.

Tại một tiệm bán thuốc thú y khác gần đó, chủ cửa hàng cũng nhanh nhảu mời chào: “Có mười mấy mặt hàng. Loại rẻ nhất 4.000 – 5.000 đồng/gói cũng có, mà loại đắt nhất giá gần một triệu cũng có”.

Lợi đâu chưa thấy...

“Một bài học rất buồn là có một người dân thu được gần 20 cá thể sống và trưởng thành trên giường của họ, họ đi phun thuốc trước khi thông báo cho cơ quan chức năng có liên quan hoặc thông báo với tôi (người đầu tiên phát hiện và đang nghiên cứu về loại bọ xít này – PV). Và hậu quả là căn phòng đó ô nhiễm suốt tuần nay và phải chuyển cả nhà đi chỗ khác”, Tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện khoa học và công nghệ Việt Nam) đã kể về sự cố không đáng có đối với một người dân sống trong địa bàn Hà Nội.

 Theo TS Trương Xuân Lam: Hiện tại, tất cả các loại thuốc trên thị trường đều không có giá trị đối với nhóm bọ xít này.

Khi phát hiện có bọ xít trong nhà, người dân hãy dùng biện pháp thủ công, dùng tay kẹp, bắt và giết trước khi các cơ quan chức năng nghiên cứu ra loại thuốc an toàn dùng để thử nghiệm, không gây hại cho sức khỏe con người.

Tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam.

Theo TS Lam, những thuốc trên thị trường phần lớn là các thuốc diệt trừ côn trùng, tất cả các loại thuốc để phun bọ xít đều chưa được thử nghiệm nên NTD không nên sử dụng bừa bãi. Nhiều loại thuốc có thể phòng trừ muỗi, ruồi, gián, hoặc các loại bọ xít có hại cho cây trồng, nhưng đó chắc chắn không phải là loại thuốc phòng trừ nhóm bọ xít hút máu vì tập tính, đời sống hoàn toàn khác nhau nên cách thức diệt trừ cũng khác nhau. Đặc tính của loài bọ xít hút này là lấy máu người làm thức ăn nên chúng sống trong gia đình, sống gần người, tại các kẽ giường, kẽ tủ...

“Nếu muốn để nó chết thì phải phun sâu, phun vào những chỗ con người thường xuyên sống. Và như vậy, căn phòng đó sẽ trở nên độc hại trong vài ba tuần, con người không thể sống được”, TS Lam khẳng định.

Theo đó, mùi của nó rất khó chịu, gây khó thở, tác động lớn đặc biệt là những gia đình có diện tích chật hẹp, phòng ốc ở Hà Nội đông đúc lại trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay.

TS Lam khuyến cáo, vì phun thuốc phòng trừ những bọ xít hút máu gây những tác hại rất lớn, nên NTD không nên dùng thuốc. Khi phát hiện có bọ xít trong nhà, người dân hãy dùng biện pháp thủ công, dùng tay kẹp, bắt và giết trước khi các cơ quan chức năng nghiên cứu ra loại thuốc an toàn dùng để thử nghiệm, không gây hại cho sức khỏe con người.

Hiện nay, phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam đang nghiên cứu các cá thể sạch, chuẩn bị mẫu làm các xét nghiệm ADN sau đó đem qua các cơ quan chức năng bên dịch tễ để thử thuốc diệt trừ bọ xít hút máu người.

 Phun thuốc diệt trừ bọ xít hút máu: Lợi bất cập hại


Một lần nữa, TS Lam khẳng định: “Hiện tại, tất cả các loại thuốc đều không có giá trị đối với nhóm bọ xít này. Và trên thị trường chính thức cũng chưa có loài thuốc nào diệt được loại bọ xít hút máu người”.


Theo đó, ông khuyên NTD: “Hãy cẩn thận biện pháp hóa học để phòng trừ nếu không cần thiết. Những nhà dưới 10 cá thể hoàn toàn có thể dùng tay bắt được”.

Tiến sĩ Nguyễn Công Tảo, Trưởng phòng xử lý dịch, Sở Y tế Hà Nội cũng động viên người dân phải hết sức bình tĩnh. Nhiều người gọi điện đến hỏi nhưng tiến sĩ Tảo đều xua tay, khuyên nhủ “Phun làm gì rồi “lợi bất cập hại”. …Vì cho đến thời điểm này, bọ xít thì rất nhiều mà người bị đốt, bị bệnh thì chưa có và cũng chưa một bệnh nhân nào bị đốt như ở Nam Mỹ cả”. 


 Bài, ảnh: Tiểu Phương

Bạn có thông tin gì bọ xít hút máu người hoặc phát hiện ra loại côn trùng này trong địa bàn, khu vực sinh sống, vui lòng chia sẻ với chúng tôi bằng cách gửi mail tới
[email protected]. Trân trọng cảm ơn!
Bình luận
vtcnews.vn