HLV Miura và chiếc cà vạt trở thành huyền thoại Nhật Bản

Thể thaoChủ Nhật, 23/11/2014 02:36:00 +07:00

Câu chuyện chiếc cà vạt treo sau khung thành của HLV Miura trở thành huyền thoại không chỉ tại CLB mà còn ở cả bóng đá Nhật Bản.

Ông thầy người Nhật cho thấy mình là chuyên gia tâm lý, đúng như câu chuyện huyền thoại mà ông để lại ở CLB Sapporo về cái cà vạt.

HLV Miura có thời gian từ năm 2007-2008 nắm CLB Consadole Sapporo. Nhưng với kết quả không khả quan, ông và CLB chia tay. Ở trận đấu cuối cùng, ông lấy chiếc cà vạt của mình, treo ở sau khung thành đội nhà và nhắn nhủ với các học trò: “Dù tương lai ngày mai của tôi có như thế nào, tôi luôn chúc các bạn thành công. Hãy cố gắng đừng để chiếc cà vạt này rớt xuống trong trận đấu hôm nay”.
HLV Miura đang dần lấy được niềm tin ở người hâm mộ (Ảnh: N.D)
Các cầu thủ CLB Consadole Sapporo đã có một ngày thi đấu quả cảm để không cho chiếc cà vạt rơi xuống đất, đồng nghĩa việc đội không thủng lưới. Câu chuyện chiếc cà vạt treo sau khung thành của HLV Miura trở thành huyền thoại không chỉ tại CLB mà còn ở cả bóng đá Nhật Bản.

Và trước khi tuyển Việt Nam bước vào AFF Cup, nó lại được nhắc đến, cho thấy ông thầy 51 tuổi rất biết làm chiêu tâm lý với các học trò.


HLV Miura luôn tỏ ra là người khắt khe, nghiêm khắc trên sân. Nhưng bầu không khí đội tuyển lại không nặng nề tương ứng. Ông thầy người Nhật hiểu mình cần phải làm thế nào để cho các cầu thủ đang ở độ tuổi trẻ cảm thấy thoải mái nhất có thể. HLV Miura cũng thích chụp hình ở những nơi ông vừa tới, những món ăn đang được thưởng thưởng. Ông không giấu điều này và nó lại rất “hợp” với tính cách của các cầu thủ trẻ.
Tuyển quốc gia phải là lựa chọn hàng đầu của một nền bóng đá (Ảnh: Nhạc Dương)
Nhiều HLV thường hạn chế việc sử dụng các phương tiện thông tin cá nhân của cầu thủ trong thời gian giải diễn ra nhằm tránh các tác động bên ngoài. HLV Miura khá cởi mở trong vấn đề này. Ông chỉ yêu cầu các cầu thủ không được sử dụng điện thoại hay các phương tiện thông tin cá nhân trong lúc họp, tập, thi đấu và đi ăn tập thể. Còn lại khi có thời gian rảnh rỗi cầu thủ có thể thoải mái sử dụng để kết nối với người thân, bạn bè.

Một chi tiết nhỏ khác cho thấy ông rất biết làm tâm lý là trường hợp của Nguyên Mạnh. Sau sai lầm rất đáng trách của Mạnh, ông Miura không dành bất kỳ lời chê trách nào cho anh trước các phóng viên cũng như khi cùng đội ra về. Ông cứ để mọi việc nhẹ nhàng trôi qua và sẽ nhắc lại để rút kinh nghiệm ở thời điểm mọi thứ đã trở nên cân bằng với người trong cuộc.

Ông Miura đang mang lại một bầu không khí mới trên đội tuyển. Mọi cầu thủ, đặc biệt các thành viên trẻ đều có cơ hội ra sân và thực tế minh chứng điều này. Phong độ là điều quyết định cho hiện tại của từng tuyển thủ chứ không phải quá khứ “công thần”.

Hàng loạt cái tên từng là “công thần” như Quốc Anh, Vũ Phong chia tay đội, Công Vinh, Tấn Tài ngồi ngoài nói lên quan điểm của ông. Một không khí cạnh tranh lành mạnh đang thổi vào tuyển Việt Nam ở thời kỳ “làm lại”.


Đặt chân tới Việt Nam, không ít chuyên gia lo ngại từ bảng thành tích của ông và xem ông như “vua lý thuyết”. Bản thân HLV người Nhật này cũng cho biết ông hồi hộp nhưng quyết tâm cho lần đầu tiên xuất ngoại, lại nắm đội tuyển quốc gia. Nhưng nay, ông dần cho thấy mình “thực hành” cũng rất hay.

Theo Ngoisao
Bình luận
vtcnews.vn