HLV Miura: Triết lý Falko Goetz, tinh thần Calisto

Thể thaoThứ Năm, 19/03/2015 03:46:00 +07:00

Phương pháp huấn luyện của HLV Miura dẫu mang đến nhiều chấn thương nhưng lại vẫn đang được dư luận ủng hộ vì có nét tương đồng với 2 người tiền nhiệm

Thời Calisto - ông thầy ngoại thành công nhất trong lịch sử nền bóng đá tính đến lúc này, đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam có thường xảy ra tình trạng chấn thương, thậm chí là chấn thương hàng loạt hay không?

Xin trả lời ngay là "có". Vì, với tư tưởng phải uốn nắn một tinh thần sắt thép cho các cầu thủ ông "Tô" luôn yêu cầu một tinh thần "fighting" - chiến đấu trong từng buổi tập. Vì cái tinh thần fighting rất Calisto như thế mà trong tập luyện các cầu thủ thường xuyên để xảy ra va chạm và đã có lúc đội bóng của ông "Tô" trở thành một cái bệnh viện thu nhỏ.
HLV Miura
HLV Toshiya Miura (phải) có thời gian dài tu nghiệp ở Đức 
Nhưng cũng chính nhờ tinh thần "fighting" và cái chu kỳ khổ luyện dài hạn mà trong những thời điểm cam go nhất đội bóng của ông "Tô" luôn thể hiện được một sự sắt thép tối cao cả về sức vóc lẫn tinh thần. Chức vô địch AFF Cup 2008 theo đánh giá của rất nhiều nhà chuyên môn là một chức vô địch của ý chí, tinh thần (cộng thêm rất nhiều may mắn) nhiều hơn là một chức vô địch thuần chuyên môn.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời Falko Goetz - thời cận kề với Calisto có thường xuyên xảy ra tình trạng chấn thương hay không? Câu trả lời cũng là "có".

Bởi đến từ một quốc gia bóng đá nổi tiếng là sắt thép và kỷ luật như nước Đức ông Goetz luôn đưa ra những bài tập khắt khe, chẳng hạn như tập thi đấu đối kháng giữa trời nắng gắt hay tập chạy vài vòng khách sạn ngay sau khi cả đội mới bay từ Qatar trở về.

Nhưng thời Goetz, chấn thương cái đầu nặng hơn chấn thương cái chân rất nhiều. Không khó "ngửi" thấy rằng vì bất mãn với phương pháp tập luyện nặng nề của Goetz mà nhiều cầu thủ, trong đó có cả những cầu thủ nổi tiếng là "hiền" không ngại bắn tin cho báo giới về những cái A,B,C của Goetz mà theo họ là "những cái rất không phù hợp với bóng đá Việt Nam".

Một đội bóng chấn thương từ cái chân đến cái đầu như thế dĩ nhiên không chết mới là chuyện lạ.
Clip: Miura trả lời phỏng vấn

Toshiya Miura - HLV đương nhiệm của đội tuyển Việt Nam và U23 là một người Nhật nhưng có thời gian dài tu nghiệp ở Đức. Thế nên triết lý huấn luyện của người đàn ông này là sự kết hợp của phong cách nhẫn nại, chịu khó điển hình của người Nhật với sự sắt thép, kỷ luật điển hình của người Đức. Và nhìn nhận như thế sẽ thấy Miura có một nét gì đó tương đồng với Goetz.

Nhưng Miura thuận lợi hơn Goetz ở hai điểm. Thứ nhất, ông đến Việt Nam trong bối cảnh mà sức hút của nền bóng đá dồn cả vào lứa U19, và vì thế những học trò của ông ở tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia (năm 2014) mang một tâm lý phải nỗ lực tối đa để chứng tỏ cho người hâm mộ thấy mình cũng có thể tạo ra một sức tác động tích cực không kém gì những cầu thủ đàn em.
U23 Việt Nam
1/3 quân số ở tuyển U.23 Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe khi tập với giáo án của HLV Miura 
Theo chúng tôi, việc các cầu thủ ngoan ngoan chấp nhận những bài tập nặng của Miura (chứ không phản kháng như dưới thời Goetz) trong năm 2014 đến phần lớn từ tâm lý này.

Thứ hai, sau khi có được thành công bước đầu với tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia, phương pháp nhồi thể lực với những bài tập không bóng rất nặng của Miura nhận được những tràng vỗ tay chung của đông đảo dư luận. Và đấy chính là một lời cổ vũ để Miura tiếp tục áp dụng phương pháp này ở tuyển U23 quốc gia, bất chấp việc sự tích lũy thể lực và sức chịu đựng của các cầu thủ U23 với các các cầu thủ tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia là rất khác nhau.

Bây giờ thì U23 lại đang trở thành một bệnh viện và giới chuyên môn lại nháo nhào quanh câu hỏi: Phương pháp của Miura liệu có đi chệch hướng? Nói cách khác, phương pháp ấy sẽ khiến chúng ta hứng chịu những hậu quả không mong muốn như dưới thời Flako Goetz hay sẽ gặt hái những thành công bất ngờ như dưới thời Calisto?

Ba trận đấu sắp tới ở vòng loại giải U23 châu Á sẽ cho chúng ta câu trả lời. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại có thể thấy rằng Miura đi theo triết lý huấn luyện gần với Goetz nhưng lại có cái phần "người" gần với thầy "Tô". Nghĩa là, ngoài sân bóng Miura tình cảm, quan tâm và rất biết cách động viên tinh thần học trò, giống với Calisto của "dòng máu Latin", chứ không lạnh, không phớt như "dòng màu Âu châu" của Goetz.

Thế nên chúng tôi ủng hộ Miura, bất chấp việc có thể ông sẽ phải tính đến những thay đổi sau khi nhận thấy phương pháp huấn luyện hiện tại của mình với lứa U23 (chứ không phải tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia) có thể đang tạo ra một độ vênh bước đầu.

Nguồn: Thanh niên
Bình luận
vtcnews.vn