HLV Miura khó thoát nỗi ám ảnh U19 Việt Nam

Thể thaoThứ Sáu, 20/03/2015 07:13:00 +07:00

Dù khẳng định sẽ không xây U23 Việt Nam như U19 hay HAGL nhưng liệu Miura có đưa U23 thoát khỏi cái bóng của một đội tuyển từng gây bão?

(VTC News) – Dù khẳng định sẽ không xây U23 Việt Nam như U19 hay HAGL nhưng liệu Miura có đưa U23 thoát khỏi cái bóng của một đội tuyển từng gây bão?

1. Ngày đầu U23 Việt Nam ra sân tập luyện, ông Miura nói với các học trò rằng: “Triết lý trong công việc của tôi là làm nhiều hơn nói. Vì thế, các bạn hãy lao động cật lực, thành công ắt sẽ đến. Mục tiêu của chúng ta là giành một vé đi dự vòng chung kết giải U23 châu Á 2016”.

Sau câu nói ấy, cùng những gì đã biết về ông thầy người Nhật qua hai giải đấu ASIAD và AFF Cup, các tân binh ở U23 Việt Nam lao vào tập luyện đến mức… thi nhau chấn thương.

Miura cũng “khuyên” giới báo giới đừng quá thổi phồng vai trò của các cầu thủ U19 Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh... Ông nói: “Họ giỏi thì mới được gọi nhưng hãy nghĩ rằng trình độ của các cầu thủ khác cũng rất tốt. Tôi không ưu ái bất kỳ cá nhân nào. Tất cả đều phải cố gắng thì mới trụ lại được. Tôi xây dựng lối chơi theo ông... Miura chứ không theo thầy của Công Phượng là HLV Guillaume và cũng không lấy các cầu thủ HAGL làm nòng cốt”.
Miura không xây U23 Việt Nam theo Graechen! (Ảnh: Quang Minh)
2. Triết lý bóng đá Miura là phải nhanh, mạnh, dứt khoát và bất ngờ thay vì ban chuyền thật nhiều để tìm kẽ hở của đối thủ như lối chơi của U19 Việt Nam hay HAGL dưới thời Guillaume Graechen.

Miura là ông thầy chuyên nghiệp, được VFF thuê nên mục tiêu hàng đầu trong công việc phải là chiến thắng. Bởi vậy, ông thầy người Nhật đặt tính thực dụng lên hàng đầu, ông luôn yêu cầu các cầu thủ xử lý bóng nhanh gọn, tránh rườm rà làm chậm nhịp. Và triết lý này được ông quán triệt ngay từ buổi tập đầu tiên.
Miura quán triệt triết lý của mình ngay từ những buổi đầu tập trung U23 Việt Nam (Ảnh: Quang Minh) 
Rõ ràng, phong cách mà Miura truyền thụ khác hoàn toàn phong cách mà lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… từng 8 năm ăn học dưới bàn tay dìu dắt của ông thầy người Pháp hay những cầu thủ U19 không xuất thân từ lò phố Núi cũng đã có ít nhất 2 năm luyện chiêu Graechen.

Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn hay Tiến Dũng, Tuấn Tài… trong những lần trả lời phỏng vấn đều thừa nhận, họ gặp khó khăn khi phải thích nghi với triết lý bóng đá mới của Miura. Tất nhiên, họ không có lựa chọn nào khác ngoài sự nỗ lực để thay đổi.

3. Lẽ thường một đội tuyển quốc gia CLB nào góp nhiều nhân sự nhất sẽ có ảnh hưởng đến lối đá của đội tuyển đó. Điều này rất phổ biến ở châu Âu với các đội bóng như Man Utd, Liverpool (Anh), Milan, Juventus (Ý), Barca, Real (TBN), Bayer Munich, Dortmund (Đức)… 

Ở Việt Nam một thời, ĐTQG là “Thể Công mở rộng” đến nỗi Minh Hiếu, một tiền vệ xuất sắc của Công an Hà Nội dưới thời HLV Riedl cũng xin rời khỏi tuyển vì không chịu được cái bóng của Thể Công.
 Liệu Miura có thoát khỏi cái bóng U19 Việt Nam? (Ảnh: Quang Minh)
Hôm qua (19/3), HLV Miura đã chốt danh sách 23 cầu thủ dự vòng loại U23 châu Á tại Malaysia. Và nhìn vào bản danh sách này, sẽ thấy gì? 

Thấy 11 trên tổng số 23 cầu thủ (chiếm gần 1 nửa) từng là cựu thành viên U19 Việt Nam, từng ăn tập, thi đấu theo triết lý Graechen. Trong số 11 cựu binh U19 ấy lại có 6 cầu thủ thuộc biên chế HAGL (chiếm gần 1/3) mà suốt 8 năm qua chỉ học một thầy duy nhất – Graechen.

Xét cho cùng, Miura có cái lý của riêng mình để đi ngược lại với lẽ thường. Nhưng thay đổi thói quen đã hình thành suốt 8 năm trong vòng 1 tháng, không phải là chuyện dễ. Và dù quyết liệt với triết lý của mình, Miura cũng khó mà xóa hết cái bóng U19 ở U23 Việt Nam.
Clip U23 Việt Nam bị Đồng Nai cầm hòa

Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn