HLV Mai Đức Chung: Sao lúc nào cũng bắt HLV Miura phải thắng Thái Lan?

Thể thaoThứ Ba, 13/10/2015 07:00:00 +07:00

Việt Nam vs Thái Lan: Việc đòi hỏi phải chiến thắng Thái Lan bằng mọi giá chỉ làm tăng áp lực lên vai HLV Miura.

(VTC News)- HLV Mai Đức Chung cho rằng khoảng cách trình độ giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan là khá xa. Việc đòi hỏi phải chiến thắng Thái Lan bằng mọi giá chỉ làm tăng áp lực lên vai HLV Miura.

HLV Mai Đức Chung vừa trở về Hà Nội sau khi hoàn tất cuộc chinh phục chức vô địch V-League cùng B.Bình Dương. Chia tay đội bóng đất Thủ, nhiệm vụ tiếp theo của ông Mai Đức Chung sẽ là vị trí chủ tịch hội đồng HLV Quốc gia.

Trước trận đấu Việt Nam-Thái Lan tại vòng loại World Cup 2018, ông Mai Đức Chung đã có những chia sẻ thẳng thắn về HLV Miura lẫn áp lực trên chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG.
HLV Miura và HLV Mai Đức Chung
 HLV Miura và HLV Mai Đức Chung tại Asiad 2014
- HLV Miura có vẻ đang thiếu sự cảm thông và phải tự mình chịu áp lực quá lớn từ dư luận?

Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật là bóng đá Việt Nam không phát triển bằng Thái Lan. Vậy thì tại sao lúc nào chúng ta cũng đòi thắng Thái Lan? Bắt HLV Miura phải chiến thắng bằng mọi giá chẳng khác gì đặt quá nhiều áp lực vô lý lên vai ông ấy.

Mọi chuyện phải diễn ra từ từ, dần dần, theo một quá trình nhất định. Muốn có nền bóng đá tốt phải có nền đào tạo trẻ tốt, sau đó là V-League phải mạnh, từ đó mới tạo ra nguồn cung dồi dào cho đội tuyển quốc gia. Trình độ của bóng đá Việt Nam chưa mạnh, chưa thể tạo nên một đội tuyển đủ sức thắng Thái Lan như mong muốn.

Thực tế, trình độ của mình chỉ có thế thôi, làm sao bắt cầu thủ họ chơi hơn được. Hãy thử ví bóng đá Việt Nam như học sinh mới học lớp 5, lớp 6 mà bắt phải thi đỗ đại học, thì rõ ràng là quá sức. Phải biết chúng ta đang đứng ở đâu, trình độ như thế nào, để tính tiếp.

Do đó, chúng ta nên chia sẻ, thông cảm cho HLV Miura.


Trận đấu với Iraq, về cơ bản, đội tuyển Việt Nam đã chơi tốt. Nhưng đó chỉ là một trận đấu bất ngờ về mặt tỷ số, không thể từ đó đưa ra kết luận là đội tuyển Việt Nam đã mạnh lên hay nền bóng đá Việt Nam tiến bộ.

Nếu nói cụ thể ra, trận nào chúng ta cũng phải đá tốt như vậy thì mới nói nền bóng đá Việt Nam tốt được.

- Liệu có phải cách dụng binh kiểu Miura khiến lứa Công Phượng tan tành như bầu Đức từng phê phán?

Thành tích của HLV Miura với bóng đá trẻ phải nhắc tới đầu tiên là chiến thắng trước Olympic Iran ở Asiad 2014 tại Incheon Hàn Quốc, sau đó là lọt tới vòng 1/8 và chỉ thua UAE. Đấy là thử nghiệm đầu tiên với HLV Miura và ông ấy đã làm tốt, hun đúc, bồi đắp nên cho đội tuyển tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến đấu cao.

Rồi U23 Việt Nam giành quyền lọt vào vòng chung kết U23 Châu Á. Tại AFF Cup vừa qua, đội U23 Việt Nam cũng có những trận đấu rất tốt.
Công Phượng lần đầu khoác áo ĐTQG (Ảnh: Phạm Thành)
Thực tế, nếu HLV Miura chỉ sắp xếp toàn lứa Công Phượng ra sân thì sẽ lặp lại kịch bản giống hệt HAGL mùa bóng vừa rồi. Theo kinh nghiệm của tôi, không bao giờ sắp xếp đội hình toàn cầu thủ trẻ để thi đấu cả, mà phải xen kẽ nhau. Cầu thủ lớn sẽ bù đắp kinh nghiệm cho lứa trẻ trong khi các cầu thủ trẻ tiếp thêm thể lực, nhiệt huyết cho lối chơi chung của cả đội.  Có như thế thành tích mới tốt được. HLV Miura xử lý như hiện giờ là đúng.

K
hông phải tôi bênh ông Miura đâu. Ví dụ nhé: mới đây thôi ông Miura cài Duy Mạnh vào đội hình ĐTVN rất tốt. Mà Duy Mạnh còn trẻ hơn cả Công Phượng nữa.

HLV Miura
rất tỉnh táo khi trao cơ hội cho từng cầu thủ trẻ được thi đấu, rèn giũa, kèm cặp bên cạnh những đàn anh giàu kinh nghiệm.
Nhưng chỉ có 1,2 cầu thủ như vậy thôi, chứ 11 cầu thủ trẻ cùng vào sân thì hỏng.
 
Bóng đá Việt Nam như học sinh mới học lớp 5, lớp 6 mà bắt phải thi đỗ đại học, thì rõ ràng là quá sức.
HLV Mai Đức Chung
 

- HLV Miura rõ ràng đang có ảnh hưởng tốt đến bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam thực tế đang bị khủng hoảng phong cách, thiếu sự định hình chung và mỗi HLV trưởng ĐTQG lên nắm quyền lại chọn lối chơi theo triết lý riêng của mình thay vì triết lý thống nhất chung của cả nền bóng đá. Liệu đến bao giờ vấn đề này mới được khắc phục?


Đây là bất cập của bóng đá Việt Nam. Chúng ta chưa định hình được lối chơi cho ĐTQG theo kiểu châu Âu hay Mỹ Latinh. Thường thì, ngay từ khâu đào tạo trẻ, chúng ta phải tạo dựng được một lối chơi chung. Rồi khi các cầu thủ trẻ trưởng thành lên, họ sẽ tạo thành lối chơi theo một triết lý bóng đá được xác định lâu dài.

Chúng ta vẫn đang lẫn lộn.
Đó là điểm yếu mà bóng đá Việt Nam cần thời gian để khắc phục.
HLV Mai Đức Chung thay PCT Trần Quốc Tuấn
HLV Mai Đức Chung sẽ thay phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn ngồi ghế chủ tịch hội đồng HLV Quốc gia?
- Ông sẽ làm gì trong vai trò sắp tới là chủ tịch hội đồng HLV Quốc gia?

Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng hội đồng HLV Quốc gia chưa để lại nhiều dấu ấn trong công tác tư vấn, giúp sức cho VFF tuyển chọn HLV ĐTQG cũng như theo dõi, đưa ra phản biện trong quá trình các đội tuyển quốc gia thi đấu.

Trong tương lai gần, tôi sẽ cố gắng để cùng hội đồng HLV Quốc gia đưa thêm nhiều phản biện có ích, sâu sát hơn.

Tôi sẽ tiếp tục cống hiến, làm việc thêm nhiều hơn nữa cho bóng đá Việt Nam, để đưa bóng đá nước nhà tiếp tục phát triển. Tôi hi vọng, ở phần ngọn của bóng đá Việt Nam, chúng ta sẽ thu được cái gì đó để lứa trẻ có thể nhìn vào đấy mà học tập, đeo đuổi ước mơ làm bóng đá.

Xin cảm ơn ông!

Pham Thành (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn