Hình Công Lý phản cảm trên bìa sách luật: Sao chỉ xử lý biên tập viên?

Thời sựThứ Ba, 18/11/2014 02:57:00 +07:00

(VTC News) – Vì sao vụ in hình diễn viên Công Lý phản cảm trên bìa sách luật lại chỉ bị xử lý ở mức "ngừng cấp thẻ biên tập viên' trong thời gian tới?

(VTC News) – Vì sao vụ in hình diễn viên Công Lý phản cảm trên bìa sách luật lại chỉ bị xử lý ở mức "ngừng cấp thẻ biên tập viên" trong thời gian tới?

Như VTC News đã đưa tin, mới đây, tại nhiều địa chỉ bán sách trực tuyến có giới thiệu cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 NXB Lao động – Xã hội.

Điều đáng nói là hình ảnh trên bìa sách, thay vì vị thần Công lý, lại là hình ảnh diễn viên Công Lý mặc một chiếc quần ‘chíp’, hai tay cầm hai cán cân, trông rất phản cảm, khiến dư luận bức xúc.

Nhiều độc giả cho rằng chưa cần xem xét đến nội dung cuốn sách nhưng bìa cuốn sách luật lại có hình ảnh thể hiện sự thiếu nghiêm túc, phản cảm.

Nhiều độc giả cho rằng sai sót ngay trên bìa một cuốn sách luật là không thể chấp nhận được và không rõ dụng ý của nhà xuất bản Lao động – Xã hội thế nào?

Hình ảnh diễn viên Công Lý được cắt ghép trên bài cuốn sách luật 

Mặc dù sau khi sự việc bị phát hiện, Cục Xuất bản đã có phản hồi với báo chí, rằng sẽ xem xét để có hình thức xử lý thích đáng.

Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa cho biết Cục đã yêu cầu NXB Lao Động-Xã Hội thu hồi toàn bộ những cuốn sách này. Ngoài ra, phía Cục cũng yêu cầu phía NXB xem xét xử lý nghiêm khắc đội ngũ biên tập cuốn sách này.

 
Tôi cho là phải có hình thức kỷ luật đối với không chỉ biên tập viên đó, mà cần phải có hình thức xử lý nhất định đối với nhà xuất bản Lao động – Xã hội, đặc biệt là đối với cơ sở 2 trong TP.HCM, là nơi đứng ra làm liên kế.
Ông Lê Như Tiến
 
“Mức phạt cao nhất có thể là không cấp thẻ biên tập viên trong thời gian tới”, ông Hòa nói.


Theo ông Chu Văn Hòa, lần đầu tiên Cục Xuất bản xử lý sự cố kiểu này. Để xảy ra sự cố “dở khóc dở cười” này của NXB Lao Động- Xã Hội như thế này thể hiện sự yếu kém của công tác biên tập.

Tuy nhiên, trước một sự việc nghiêm trọng như vậy mà hình thức xử lý cao nhất chỉ là “không cấp thẻ biên tập viên trong thời gian tới” cho đội ngũ biên tập cuốn sách này thì xem ra quá nhẹ, không thỏa đáng.

Dư luận đặt câu hỏi tại sao nhà xuất bản Lao Động – Xã hội, đơn vị đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai sót nghiêm trọng, đã không được nhắc đến trong hình thức xử lý của Cục Xuất bản?

Trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng hình thức xử lý cao nhất là “không cấp thẻ biên tập viên” trong một vụ việc nghiêm trọng như thế này là quá nhẹ, không thỏa đáng, không quy đúng trách nhiệm nơi cần chịu trách nhiệm.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, trong Luật xuất bản sửa đổi thì có một điều, chế định nói rằng được quyền liên kết xuất bản, nhưng nhiều nhà xuất bản đã rất vô trách nhiệm, để mặc đơn vị liên kết làm gì thì làm, khâu kiểm soát kém nên thường xảy ra sai sót.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hộitrả lời báo chí sáng 18/11  (Ảnh HL)

“Rất nhiều nhà xuất bản nói là liên kết nhưng họ rất vô trách nhiệm trong quá trình xuất bản. Tức là chỉ cấp giấy phép cho cơ sở liên kết rồi để bỏ mặc từ khâu thẩm định, xem xét, biên tập và thậm chí cả khâu phát hành”, ông Tiến nói.

Cũng theo đại biểu này, chính vì Nhà xuất bản vô trách nhiệm như thế cho nên mới có chuyện để xảy ra sai sót ở cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”, vốn là một quyển sách mang tính chất trang nghiêm, nhưng lại đưa hình phản cảm, đầy sự bỡn cợt, không thể chấp nhận.

“Tôi thấy rất lạ, bên trên là Quốc huy, dưới thì mặt của diễn viên Công Lý, rồi thân hình của một lực sĩ nào mặc quần cộc đó gắn vào, hai tay dang ra, cầm cái cán cân… Có lẽ ý tác giả muốn nói rằng đây là cán cân công lý. Nhưng như thế là không được, quá cẩu thả, quá phản cảm”, đại biểu Lê Như Tiến bình luận.

Theo ông Tiến, để xảy ra sự việc nghiêm trọng như vậy thì cần quy trách nhiệm và xử lý đối với chính nhà xuất bản Lao động – Xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là ngừng cấp thẻ biên tập viên như lãnh đạo Cục xuất bản đã nói.

“Tôi cho là phải có hình thức kỷ luật đối với không chỉ biên tập viên đó, mà cần phải có hình thức xử lý nhất định đối với nhà xuất bản Lao động – Xã hội, đặc biệt là đối với cơ sở 2 trong TP.HCM, là nơi đứng ra làm liên kết”, ông Tiến kiến nghị.

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn