Hình ảnh nhật thực một phần quan sát được sáng 9/3 ở Việt Nam

Kinh tếThứ Tư, 09/03/2016 11:14:00 +07:00

Hiện tượng nhật thực một phần đã được quan sát rõ tại Tp.HCM trong sáng 9/3.

(VTC News)- Hiện tượng nhật thực một phần đã được quan sát rõ tại Tp.HCM trong sáng 9/3.
Sáng 9/3, người yêu thiên văn Việt Nam đã có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực. Trong khi miền Bắc và miền Trung khó quan sát được do trời âm u nhiều mây thì khu vực miền Nam với dự báo thời tiết thuận lợi, trời quang nên có cơ hội quan sát hiện tượng kỳ thú này.
Tại Việt Nam, hiện tượng này vào hàng hiếm nên nhận được sự quan tâm của nhiều người và giới khoa học. Thực tế, sáng nay, tại Việt nam chỉ xảy ra nhật thực một phần tức là mặt trăng che khuất một phần mặt trời.
Theo những người yêu thiên văn, Cà Mau có thể quan sát độ che phủ lớn nhất là 57.6% tại Tp.Cà Mau, còn Tp.HCM quan sát được 52,2%, Đà Nẵng 36,2%, Hà Nội chỉ có 22,3%. Hiện tượng này xảy ra sau khi mặt trời mọc và đạt cực đại lúc 7h30'.
 Ảnh Thanh Chung

Sáng nay, nhiều người dân ở Tp.HCM hào hứng quan sát nhật thực. Tuy nhiên, do trời nhiều mây nên việc quan sát bị ngắt quãng. Chị Ngân (Quận 12, Tp.HCM) cho biết, trên đường đi làm chị thấy vẫn có Mặt trời như thường ngày nhưng một góc nhỏ bị che khuất.
 Nguồn Facebook Tan Tien Ho
"Tôi có nhìn lên chứ không dám nhìn lâu do sợ hỏng mắt. Thấy có một phần rất nhỏ mặt trời bị che khuất, phần còn lại vẫn sáng bình thường", chị Ngân nói.
Người dân nhiều nước hào hứng
Indonesia được đánh giá là nơi quan sát rõ hiện tượng nhật thực toàn phần lần này.  Ngoài Indonesia, nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương cũng có thể quan sát như Malaysia, Phillippines, Papua New Guine...nhật thực một phần khoảng 50% che phủ. Còn các nước Campuchia, Thái Lan, Myanmar...chỉ có thể quan sát độ che phủ dưới 50%.
 Nhật thực tại Bali
 Nhật thực tại Bangkok
Tại Singapore, nhiều người tập trung ở công viên East Coast với các loại kính thiên văn, kính chuyên dụng để ngắm hiện tượng kỳ thú này.
Quan sát nhật thực phải cẩn thận
Nhật thực là hiện tượng tự nhiên xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời. Lúc đó, Mặt Trăng che khuất hoặc che một phần Mặt Trời.
Hồi năm 1995, tại Việt Nam từng quan sát được nhật thực toàn phần. Vào thời điểm đó, nhiều tỉnh ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ quan sát được hiện tượng này. 
Quan sát nguyệt thực có thể bằng mắt thường nhưng quan sát nhật thực không thể dùng cách đó. Bởi nếu quan sát nhật thực bằng mắt thường sẽ gây tổn hại thị lực nghiêm trọng thậm chí bị mù.
Thực tế, nếu mùa hè, chúng ta nhìn vào mặt trời cũng cảm giác hoa mắt, thậm chí tối sầm lại sau khi nhìn ra xung quanh. Vì vậy, để quan sát phải dùng kính lọc chuyên dụng như kính thợ hàn hoặc kính lọc Mặt Trời. Không dùng kính râm, phim chụp X-quang, ruột đĩa mềm, băng video vì không đảm bảo an toàn, chỉ giảm độ sáng không ngăn được tia bức xạ có hại.
Với những người quan sát qua kính thiên văn, kính chuyên dụng cũng cần phải dùng đến thiết bị lọc Mặt trời để ngăn những tia có hại. Dự kiến lần nhật thực tiếp theo sẽ xảy ra vào tháng 8/2017.

Nghi Dung
Bình luận
vtcnews.vn