Hiệu trưởng thi ‘Ai là triệu phú’ gây tranh cãi: Sai là bình thường, quản lý không phải cái gì cũng biết

Giáo dụcThứ Bảy, 25/06/2016 08:16:00 +07:00

Chuyên gia giáo dục cho rằng việc cô hiệu trưởng tiểu học Phù Ninh (Phú Thọ) trả lời sai những câu đơn giản trên truyền hình cũng là việc rất bình thường

Những ngày gần đây, dân mạng đang có những ý kiến gay gắt, trái chiều xung quanh việc cô Nguyễn Thị Kim Liên - nữ hiệu trưởng trường tiểu học Phù Ninh, Phú Thọ tham gia chương trình Ai là triệu phú nhưng không biết nghĩa trang Hàng Dương ở đâu.

co hieu truong-1

Câu hỏi khiến cô Nguyễn Thị Kim Liên bị dân mạng chỉ trích mạnh mẽ 

Xung quanh vấn đề này, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ quan điểm với VTC News khiến nhiều người rất bất ngờ.

Báo điện tử VTC News xin chia sẻ quan điểm của TS Vũ Thu Hương về sự việc.

Sau khi xem toàn bộ phần thi của cô Liên trong chương trình “Ai là triệu phú”, tôi cho rằng phần thi này cũng bình thường như rất nhiều chương trình khác.Lên trên ghế nóng kiến thức, chẳng ai dám nói chắc điều gì khi các câu hỏi phủ rộng khắp mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Tôi cũng đã từng xem nhiều bạn trả lời sai những câu rất dễ. Có thể đó là vì đó là lĩnh vực bạn ấy không quan tâm lắm. Vì thế, tôi chỉ quan tâm đến việc ủng hộ cho người chơi để họ được điểm cao nhất.

Clip Nữ hiệu trưởng trả lời trong chương trình "Ai là triệu phú" khiến dân mạng tranh cãi gay gắt

Tuy nhiên, tôi cũng thấy có nhiều ý kiến cho rằng cô Nguyễn Thị Kim Liên đã trả lời sai một câu hỏi với kiến thức cơ bản mà ai cũng nghĩ rằng một giáo viên tiểu học phải biết.

Việc này kể ra cũng là một điều hơi lạ. Nhưng theo tôi, chẳng ai chắc chắn 100% là sẽ luôn nhớ và thuộc kiến thức ở các mảng. Có những thứ rất quen thuộc nhưng đôi khi lãng đi, ta lại không nhớ đến.

Tôi ví dụ, bản thân tôi làm việc khá nhiều trong lĩnh vực giáo dục thoát hiểm cho trẻ mà có lúc cũng lẫn lộn số điện thoại cấp cứu, cứu hỏa, … Nhiều lúc tôi cũng giật mình vì tự dưng quên mất trong khi mọi khi rất nhớ.

Thế nên, nếu ai đó quên một điều gì đột xuất thì cũng dễ hiểu thôi. Có thể cô Liên đã quá xúc động vì đang ngồi trên ghế nóng nên đã không nhớ chính xác được mọi thứ.

hieu truong thi ai la trieu phu-2

Một trong những câu hỏi của cô Liên khi tham gia chương trình 

Bản thân tôi cũng thường xuyên được đứng trước ống kính truyền hình để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Hiện giờ thì mọi việc rất bình thường. Nhưng lần đầu tiên thì đúng là rất run.

Điều tôi lo sợ là không biết mình có nói sai nói hớ gì không, quần áo trang phục của có sơ sẩy gì hay không, mọi người nhìn vào mình thế nào, có chê trách gì không. Vì thế tôi lo lắng lắm.

Tôi lo đến mức độ sau đó tuyệt đối không nhớ được mình đã nói gì. Vì quá lo sợ nên sau đó tôi từ chối lên truyền hình trong 4 năm liên tiếp. Sau 4 năm đó tôi mới có đủ dũng khí để lên đứng trước ống kính máy quay.

Qua báo chí, cô Liên lý giải về việc 8 câu hỏi đơn giản nhưng phải dùng tới 4 sự trợ giúp là  do muốn chắc chắn có thể đem tiền thưởng về cho Quỹ khuyến học của trường.

Tôi cho rằng mỗi người sẽ có những quyết định và có lý do cho những quyết định của mình. Quyết định của mỗi người miễn là không vi phạm pháp luật thì đều đáng trân trọng và rất ít khi tôi quan tâm đến lý do họ đưa ra bởi vì đó là việc cá nhân của họ.

hieu truong thi ai la trieu phu-1

 

Hiện nay, nhiều người đang có sự lầm tưởng khi cho rằng cứ là nhà quản lý giỏi thì mọi kiến thức trong ngành nghề đều phải biết. Điều này rõ ràng là không.

Làm quản lý và chuyên môn đòi hỏi các kiến thức và kĩ năng khác nhau. Dĩ nhiên, nhà quản lý giỏi cần biết hết các công việc ở mọi vị trí của cơ quan và tốt nhất là nên làm thử một thời gian ở mọi vị trí.

Nhưng để làm giỏi cần nhiều đầu tư về thời gian và công sức. Nếu vậy cả đời họ chỉ có thể giỏi ở một hoặc hai vị trí mà thôi.

 
Đòi hỏi một người vừa chuyên môn giỏi vừa quản lý giỏi là hơi quá sức

TS Vũ Thu Hương

Khi chuyển lên làm quản lý, ngoài biết về công việc, người quản lý cần học thêm nhiều kĩ năng và kiến thức khác nữa. Do vậy đòi hỏi một người vừa chuyên môn giỏi vừa quản lý giỏi là hơi quá sức. Vì thế, số người đạt cả 2 điều này thường vô cùng ít.

Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận không nhỏ cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ thường lên mạng để “ném đá” bằng cách lên án, chỉ trích những sai lầm của người khác một cách quá đà và thiếu tính xây dựng.

Có lẽ đây mới là một việc đáng lo ngại khi mọi người coi việc lên án, chỉ trích người khác trở thành một thú vui.

Tôi thấy gần đây, dường như tìm đề tài để “ném đá” là một việc rất được quan tâm. Người “ném đá” hầu như không quan tâm xem hành động của mình, hay việc nhận định có đúng khoa học hay sai, có hợp lý hay không, có để lại hậu quả gì không. Họ chỉ nói cho thỏa cơn của mình.

Thậm chí có nhiều người còn sử dụng từ ngữ rất thô tục để xúc phạm người khác trong khi hoàn toàn không biết ngọn ngành câu chuyện.

Người xưa đã nói “Biết thì thưa thốt, không biết tựa cột mà nghe”. Có vẻ câu nói này hoàn toàn không còn cảnh báo được với các anh hùng bàn phím nữa.

Ngoài việc phê phán cô Liên trả lời sai trong chương trình “Ai là triệu phú”, nhiều người còn quy chụp cô hiệu trưởng chạy chức chạy quyền mới có được vị trí đó.Tôi cho rằng việc quy chụp, kết tội kiểu này có vẻ càng lên án càng phát triển.

Với hiểu biết không đầy đủ về câu chuyện, đối tượng bị đánh giá, người nhận xét đã đưa ra những kết luận hàm hồ, quay sang quy chụp, đổ tiếng oan cho người đó.

Theo luật pháp, việc này có thể được coi là việc vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý nếu đối tượng bị đánh giá thu thập chứng cứ và có đơn kiện.

Việc “kết tội” vô căn cứ trên mạng xã hội sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với những nạn nhân.

Chúng ta đã biết nhiều trường hợp không chịu được áp lực ném đá của cộng đồng mạng, các nạn nhân đó đã có những hành động rất tiêu cực. Đã có người tự tử, có người bị sức ép trở nên suy sụp, có dấu hiệu trầm cảm.

TS Vũ Thu Hương
Bình luận
vtcnews.vn